Cần tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa

19:41, 13/01/2011

Ngày 13/1, tiếp tục chương trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, các đại biểu đã lắng nghe, thảo luận và đóng góp nhiều ý kiến vào các văn kiện trình Đại hội. 5 nội dung được các đại biểu tập trung thảo luận bao gồm:

  [embed][VIDEO-BAOTHAINGUYEN][/embed]

Dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020; Báo cáo Chính trị tại Đại hội XI của Đảng; Báo cáo một số vấn đề bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng và Dự thảo Điều lệ Đảng (bổ sung, sửa đổi); Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương khóa X.

Cho ý kiến về Dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), các đại biểu đã nhất trí với đánh giá tổng quát quá trình cách mạng Việt Nam; đồng thời phân tích, làm rõ những đặc trưng của xã hội XHCN mà nhân dân ta xây dựng.
 
Bàn về những định hướng lớn trong phát triển kinh tế, các đại biểu tập trung phân tích các khía cạnh về đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN; chính sách phát triển đối với các thành phần kinh tế, chế độ phân phối… và một số định hướng về phát triển văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, bảo vệ môi trường, chính sách xã hội; quốc phòng, an ninh, đối ngoại; xây dựng và hoàn thiện nền dân chủ XHCN, Nhà nước pháp quyền XHCN…
 
Trong công tác xây dựng Đảng, các đại biểu tập trung thảo luận về nền tảng tư tưởng của Đảng; nguyên tắc tổ chức của Đảng; phương thức lãnh đạo của Đảng; phương hướng xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên. 
 
Đối với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, các đại biểu đã đi sâu phân tích những vấn đề đặt ra đối với sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới, đồng tình với các quan điểm phát triển, các mục tiêu và chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội; công tác bảo vệ môi trường; các định hướng phát triển ngành, vùng, lĩnh vực.
 
Thảo luận về Báo cáo Chính trị tại Đại hội XI của Đảng, các đại biểu tập trung vào các nội dung: Những bài học kinh nghiệm qua thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X; phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và các chỉ tiêu chủ yếu phát triển đất nước trong 5 năm tới; phương hướng đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế. Trong đó cần nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và sự phát triển nhanh, bền vững của nền kinh tế nói chung, phát triển các lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, nông - lâm - ngư nghiệp, các dịch vụ, hệ thống kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội hài hòa giữa các vùng, đô thị và nông thôn; giữ vững định hướng XHCN của nền kinh tế thị trường… Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã cho ý kiến về Báo cáo một số vấn đề bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng và Dự thảo Điều lệ Đảng (bổ sung, sửa đổi); Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban chấp hành Trung ương khóa X.
 
Nhiều ý kiến đóng góp thẳng thắn, xây dựng
 
Tại buổi thảo luận, Đoàn đại biểu tỉnh Thái Nguyên đã đóng góp nhiều ý kiến thẳng thắn, xây dựng vào các văn kiện. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu một số ý của các đại biểu trong Đoàn.
 
Cần khôi phục cụm từ "Quân ủy Trung ương"
 
 
Đồng chí Nguyễn Bắc Son, Ủy viên Trung ương Đảng khóa X, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
  
 
Điều lệ Đảng có nhiều nội dung quan trọng, thể hiện rõ sức chiến đấu, vai trò lãnh đạo độc tôn của Đảng trên tất cả các lĩnh vực. Để phù hợp với sự phát triển chung của đất nước, nhất là trong thời kỳ mới, tôi đã đóng góp nhiều ý kiến, trong đó có ý kiến đóng góp vào Báo cáo một số vấn đề bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng. Trong vấn đề này, tôi đề nghị nên khôi phục lại cụm từ “Quân ủy Trung ương” thay vì gọi là “Đảng ủy Quân sự Trung ương” như hiện nay. Cụm từ này đã có ngay từ khi thành lập Quân đội ta, do chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên. Khôi phục lại cụm từ này mà tất cả nội dung, ý nghĩa vẫn giữ nguyên giá trị, qua đó vẫn bảo đảm được sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối của Đảng với Quân đội nhân dân. Vấn đề này đã trở thành nguyên tắc, truyền thống, chính vì vậy nên đưa thẳng vào Điều lệ Đảng. Quân ủy Trung ương là tất cả các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng trong Quân đội và đồng chí Tổng Bí thư làm Bí thư Quân ủy Trung ương. Các đồng chí Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội đều ở trong Thường vụ Quân ủy Trung ương. Đó là 1 trong những mong muốn của cá nhân tôi đóng góp vào Điều lệ Đảng. Qua đó sẽ nâng cao vai trò, phát huy truyền thống lãnh đạo của Đảng và vai trò, trách nhiệm của Quân ủy Trung ương đối với lực lượng vũ trang…
 
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đã gắn kết với các địa phương
 
Đồng chí Phạm Xuân Đương, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu tỉnh Thái Nguyên
 
 
5 năm qua, mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn, song Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đề ra. Nổi bật là đất nước ta giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý; giáo dục - đào tạo, khoa học -công nghệ, văn hóa và các lĩnh vực xã hội khác có tiến bộ; bảo vệ tài nguyên và môi trường được chú trọng hơn; hội nhập quốc tế được mở rộng, vị thế và uy tín của nước ta ngày càng được nâng cao… Trên cơ sở đó, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2011-2015 và kế hoạch cho 10 năm tới đã gắn kết được với các vùng kinh tế - xã hội trong cả nước. Cũng từ đó, đối với tỉnh Thái Nguyên, lộ trình phát triển đến năm 2015 phải gắn vào Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó chú trọng xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; chuyển dịch cơ cấu kinh tế phải bảo đảm sự đồng bộ, hợp lý trên tất cả các lĩnh vực. Thái Nguyên cũng cần phải tính toán và dự báo đúng, sát với tình hình thực tế của đất nước, của khu vực và thế giới thì mới thực hiện chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, cơ cấu kinh tế, lao động đạt hiệu quả cao và phù hợp với lộ trình phát triển chung...
 
Một số mô hình kinh tế chưa phát huy hiệu quả
 
Đồng chí Nguyễn Văn Kim, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy
 
 
Tại Đại hội lần này, tôi đã tham gia trực tiếp vào một số vấn đề của Trung ương đưa ra. Trong các ý kiến đóng góp, tôi quan tâm nhiều đến vấn đề các mô hình kinh tế giai đoạn 2011-2020. Trong định hướng phát triển kinh tế giai đoạn này, yêu cầu đặt ra là kinh tế Nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo, chi phối nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, nhìn lại quá trình phát triển thời gian qua cho thấy một số mô hình kinh tế vẫn chưa phát huy hiệu quả. Điển hình trong thời gian qua là vấn đề Vinashin. Đây là mô hình kinh tế Nhà nước đã hoạt động không hiệu quả, làm thất thoát nhiều tỷ đồng của đất nước mà không quy trách nhiệm cho ai được. Theo tôi, Trung ương cần tập trung tổng kết, đánh giá để rút ra những bài học, phải nhận rõ những mặt được, chưa được của mô hình kinh tế này để có định hướng và giải pháp đúng đắn.
 
Tại buổi thảo luận, đóng góp ý kiến vào các văn kiện trình Đại hội Đảng, các đồng chí trong Đoàn đại biểu của tỉnh ta đã thảo luận những vấn đề liên quan đến Thái Nguyên. Đoàn ta đã phản ánh những vấn đề trăn trở liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương... Chúng tôi hy vọng, những vấn đề đó sẽ được Đại hội, Đoàn Chủ tịch Đại hội quan tâm để Thái Nguyên tiếp tục có những bước phát triển rõ nét, tạo động lực phát triển cho cả vùng Việt Bắc...
 
Xây dựng đội ngũ cán bộ có chất lượng để thực hiện tốt nhiệm vụ trong giai đoạn mới
 
Đồng chí Đặng Văn Ngự, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban tổ chức Tỉnh ủy
 
 
Tại Đại hội này, Đảng ta đã xác định có ba đột phá từ nay đến năm 2020, trong đó có công tác cán bộ. Tôi cho đó là chiến lược hoàn toàn đúng đắn để xây dựng được lực lượng cán bộ có chất lượng trong giai đoạn 2011-2020. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, tôi đề nghị từ địa phương đến Trung ương phải làm sao có biện pháp giải quyết tốt nguồn nhân lực có chất lượng cao, đặc biệt là đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý. Tôi đề cập đến 2 nội dung: Thứ nhất, công tác đánh giá cán bộ là rất quan trọng, vì thế từ địa phương đến Trung ương phải thay đổi phương pháp đánh giá cán bộ. Thứ hai là công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ. Bên cạnh việc các địa phương phải làm tốt công tác này thì Trung ương cũng cần có cơ chế để địa phương triển khai. Thực tế hiện nay, Trung ương chỉ cho mỗi địa phương có 1/3 số đơn vị hành chính được bổ sung phó chủ tịch UBND, nên sau đại hội Đảng thì cán bộ để luân chuyển từ tỉnh xuống huyện rất khó, vì địa phương có đủ rồi. Còn đối với địa phương cũng phải tính toán xem luân chuyển như thế nào cho phù hợp và phát huy được năng lực cán bộ…
 
Ngày mai (14/1), các đại biểu tiếp tục thảo luận, đóng góp ý kiến vào các văn kiện trình Đại hội.