Công khai, minh bạch các hoạt động gắn với thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở

10:04, 27/01/2011

Những năm gần đây, thực hiện chỉ đạo của Trung ương, cùng đồng hành với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng của tỉnh đã được thành lập và đi vào hoạt động hiệu quả, góp phần ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.  

Các cơ quan chuyên trách về PCTN cấp huyện và tỉnh như Thanh tra, Viện Kiểm sát nhân dân, Công an… được quan tâm kiện toàn và đẩy mạnh các hoạt động theo lĩnh vực, nhiệm vụ được phân công phụ trách. Công tác phối hợp trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng được chú trọng.

Ban Chỉ đạo tỉnh đã bám sát nhiệm vụ, chức năng được phân công để thực hiện vai trò chỉ đạo, phối hợp trong công tác PCTN; tham mưu với cấp ủy, chính quyền tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan chuyên trách về PCTN điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng và các vụ việc xã hội quan tâm. Văn phòng Ban Chỉ đạo PCTN tỉnh đã được thành lập và đi vào hoạt động độc lập, phát huy hiệu quả. Công tác PCTN đã được các cấp, các ngành quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm. Việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về PCTN tiếp tục được đẩy mạnh. Các bản tin về PCTN đã bắt đầu được phát hành; cuốn Thông tin văn bản pháp luật được duy trì đều đặn; các chuyên trang, chuyên mục về “Giải đáp, phổ biến, giáo dục pháp luật” trên báo Thái Nguyên, Đài Phát thanh - truyền hình được duy trì và tăng thêm thời lượng. Nội dung công tác PCTN đã được lồng ghép vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng học viên của Trường Chính trị tỉnh, Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện. Công tác xây dựng thể chế được coi trọng, nhiều văn bản quan trọng được ban hành và triển khai thực hiện. Năm 2010, tỉnh đã ban hành 34 văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời tổ chức kiểm tra, rà soát các văn bản tại 3 đơn vị: Huyện Định Hóa, Đại Từ và Thành phố Thái Nguyên.
 
Hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo được tăng cường, tập trung thanh tra vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, dư luận xã hội quan tâm. Chỉ tính riêng 10 tháng đầu năm 2010, ngành Thanh tra đã kết thúc 367/387 cuộc thanh tra, kiểm tra, phát hiện sai phạm về kinh tế 16.678,9 triệu đồng, 102.952 m2 đất; kiến nghị thu hồi 14.658,6 triệu đồng, giảm trừ quyết toán 1.259,4 triệu đồng, thu hồi 102.952 m2 đất; kiến nghị xử lý hành chính 03 tập thể, 06 cá nhân; chuyển 01 hồ sơ vụ việc sang cơ quan điều tra để xem xét. Với sự cố gắng nỗ lực của các cấp, các ngành, công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh được duy trì thường xuyên và có nhiều chuyển biến tích cực. Các vụ việc giải quyết khiếu nại, tố cáo cơ bản được giải quyết kịp thời, hạn chế việc khiếu kiện vượt cấp, đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, phục vụ đại hội Đảng các cấp.
 
Xác định công tác PCTN là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong quá trình hội nhập và phát triển, tỉnh đã tăng cường công tác rà soát, bổ xung, sửa đổi và ban hành mới các cơ chế, chính sách thuộc lĩnh vực kinh tế - xã hội nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước, đảm bảo quyền và lợi ích của các tổ chức, công dân, thúc đẩy kinh tế phát triển, đồng thời cũng là biện pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí. Đến nay, tỉnh đã hoàn thành rà soát 1206 thủ tục hành chính, trong đó đề nghị giữ nguyên 625 thủ tục, kiến nghị sửa đổi, bổ xung, đơn giản hóa 526 thủ tục; đề nghị bãi bỏ 55 thủ tục. Trên địa bàn toàn tỉnh đã có 15/19 sở, ngành; 9/9 huyện, thành phố, thị xã và 180 xã, phường, thị trấn thực hiện việc tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả theo cơ chế một cửa; tiếp tục đẩy mạnh hoạt động Văn phòng một cửa liên thông của UBND tỉnh, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp chỉ cần đến một nơi là có thể được hướng dẫn đầy đủ các thủ tục, nộp hồ sơ và nhận kết quả. Các cấp, các ngành đều quan tâm quán triệt, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc đảng viên, cán bộ công chức, viên chức và người lao động thực hiện quy tắc ứng xử cũng như đạo đức nghề nghiệp trong công tác. Việc chuyển đổi công tác của cán bộ, công chức, viên chức ở một số vị trí, lĩnh vực nhạy cảm được triển khai thực hiện. Năm 2010, toàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác 202 trường hợp, tập trung vào một số chức danh như: Kiểm lâm, kế toán và địa chính xã, phường, thị trấn, quản lý thị trường, làm công tác cán bộ… Việc tiến hành chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ cũng được thực hiện công khai và gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Vấn đề minh bạch tài sản, thu nhập và trả lương qua tài khoản cũng được hầu hết các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện nghiêm túc.
 
Có thể khẳng định, thời gian gần đây hoạt động của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn toàn tỉnh đã được tiến hành công khai, minh bạch gắn với thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, công tác cải cách thủ tục hành chính và thực hiện khoán chi hành chính, giao quyền tự chủ tài chính. Các nội dung công khai, minh bạch được thực hiện cụ thể như: Mua sắm tài sản công, quản lý dự án đầu tư và xây dựng; quản lý đấu thầu sử dụng vốn nhà nước... Trong quản lý, sử dụng đất đã thực hiện công khai, minh bạch về thẩm quyền, trình tự, thủ tục và việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tới các tổ chức, cá nhân; thông báo công khai cho nhân dân biết kế hoạch sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, giá đền bù khi thu hồi đất… Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bổ nhiệm, nâng lương, khen thưởng, kỷ luật, xét tuyển dụng cán bộ, công chức cũng được thực hiện công khai, đảm bảo dân chủ. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; huy động và sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân; các hoạt động thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục cũng được tiến hành công khai, minh bạch, tạo điều kiện để người dân phát huy quyền làm chủ. 
 
Tuy nhiên, trong thực thi nhiệm vụ, một số cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí vẫn chưa kịp thời. Việc tự kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn hành vi tham nhũng, lãng phí còn hạn chế. Chất lượng rà soát thủ tục hành chính chưa cao. Việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ ở một số chức danh như thanh tra, tư pháp, cảnh sát giao thông… còn ít. Công tác kiểm tra, đôn đốc, đánh giá, kiểm điểm việc thực hiện các giải pháp về PCTN của tại một số cơ quan, đơn vị chưa quyết liệt. Vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ, công chức khi thi hành công vụ…
 
Để phát huy tốt hơn nữa vai trò, trách nhiệm của toàn xã hội trong công tác PCTN, UBND tỉnh đã chỉ đạo phối hợp chặt chẽ với UBMT Tổ quốc tỉnh và các tổ chức thành viên, các cơ quan báo chí trong việc tuyên truyền thực thi Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gắn với thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và chương trình hành động PCTN, lãng phí. Cùng với nhiều giải pháp tích cực, thông qua các hoạt động phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nêu trên, vai trò làm chủ của nhân dân tiếp tục được phát huy, vai trò của Ban giám sát đầu tư cộng đồng, Ban Thanh tra nhân dân trong công tác PCTN, lãng phí tại cơ sở được nâng cao sẽ giúp cho công tác PCTN của tỉnh đạt hiệu quả cao hơn trong thời kỳ hội nhập và phát triển.