Xóa đói giảm nghèo vùng khó- ý Đảng hợp lòng dân

14:14, 07/01/2011

Ở đâu cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo sâu sát, cán bộ đảng viên tiên phong gương mẫu, ở đó việc giảm nghèo đạt hiệu quả cao. 

 

 Xóa đói giảm nghèo là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Trong đó, Chương trình 135, triển khai từ 10 năm qua đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân. Chương trình đã góp phần làm thay đổi đáng kể diện mạo nông thôn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn. Kết quả ấy là minh chứng rõ ràng cho đường lối đúng đắn của Đảng ta trong phát triển kinh tế và thực hiện công bằng xã hội.

  Phát triển đất nước theo hướng công nghiệp hóa- hiện đại hóa, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm thực hiện đồng bộ các chính sách xã hội. Trong đó Chương trình Mục tiêu giảm nghèo quốc gia, mà trọng tâm là Chương trình 135 thực hiện trong 10 năm qua luôn nhận được sự chỉ đạo sâu sát, kịp thời  của các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương. Sau khi kết thúc Chương trình 135 giai đoạn 1, Chính phủ quyết định tiếp tục triển khai giai đoạn 2 (2006- 2010) với nguồn vốn 14.000 tỷ đồng. Nhờ vậy, người nghèo miền núi, vùng dân tộc thiểu số từng bước được cải thiện cuộc sống, tỷ lệ đói nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn giảm từ 47% năm 2006 còn  28,8%.

  Ông Nguyễn Khoa Lai- Trưởng ban Dân tộc tỉnh Gia Lai cho biết: “Chương trình đã có những tác động rất lớn trong việc phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần ổn định an ninh chính trị, nhất là Tây Nguyên. Gia Lai có  68 xã khó khăn. Năm 2006, 50% xã nghèo, nay chỉ còn 24%. Đến nay tất cả các xã có trạm y tế, đường ô tô, hệ thống trường học được xây dựng kiên cố, huy động học sinh đến trường đạt 96%”.

 

Kinh nghiệm cho thấy, ở đâu cấp ủy chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo sâu sát, cán bộ đảng viên tiên phong gương mẫu, biết lắng nghe dân trong việc lựa chọn công trình đầu tư thiết thực thì ở đó việc giảm nghèo đạt hiệu quả cao. Ngoài nguồn vốn trung ương, một số tỉnh còn bố trí thêm vốn ngân sách, huy động các ban ngành đoàn thể, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, lồng ghép các chương trình đầu tư khác như chương trình 132: cấp đất sản xuất, 134 cấp đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt, chương trình hỗ trợ vốn tạo việc làm, xóa nhà tạm, định canh định cư… tạo ra nguồn lực tổng hợp cho công tác giảm nghèo.

 

Thông qua việc triển khai chương trình giảm nghèo, trình độ, năng lực cho cán bộ cơ sở cũng được nâng lên, vai trò lãnh đạo, giám sát của cấp ủy chính quyền địa phương, tính tiên phong gương mẫu của cán bộ đảng viên được khẳng định. 

 

Ông Giàng A Đằng, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái chia sẻ: “Ban đầu được nhận làm chủ đầu tư, chúng tôi còn băn khoăn không biết cách thực hiện như thế nào. Sau đó, qua một thời gian chúng tôi cũng thấy được trách nhiệm của mình và làm những việc mang hiệu quả trực tiếp cho người. Qua 3 năm cho đến nay chúng tôi thấy có thể tự tin tiếp tục thực hiện được chương trình này”.

 

Có thể nói Chương trình Giảm nghèo quốc gia đã góp phần làm thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn miền núi, cải thiện đời sống đồng bào vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Đến nay cả nước có 15 tỉnh, thành phố tỷ lệ hộ nghèo dưới 5%, trong đó có 5 tỉnh, thành phố có tỷ lệ hộ nghèo dưới 1% và không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia là: TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hoà, Bà Rịa-Vũng Tàu và Bình Dương.

 

Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ XI xác định: “Tiếp tục tạo cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận các nguồn lực phát triển và hưởng thụ các dịch vụ cơ bản, phúc lợi xã hội. Thực hiện có hiệu quả hơn chính sách giảm nghèo theo chuẩn mới phù hợp với từng thời kỳ; đa dạng hóa các nguồn lực và phương thức để bảo đảm giảm nghèo bền vững, nhất là tại các huyện nghèo nhất và các vùng đặc biệt khó khăn khác. Khuyến khích người dân làm giàu theo pháp luật, tăng nhanh số hộ có thu nhập trung bình khá trở lên, giảm tỉ lệ hộ nghèo bình quân 2 - 3%/năm, hạn chế phân hoá giàu nghèo”.

 

Theo đánh giá của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Uỷ ban Dân tộc, Ủy ban các vấn đề Xã hội của Quốc hội và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), kết quả giảm nghèo thời gian qua chưa thực sự bền vững, khả năng tái nghèo còn cao do thu nhập bình quân của người dân các xã đặc biệt khó khăn chỉ 4,6 triệu đồng/năm, bằng 1/6 mức bình quân chung cả nước.

 

Nếu tính theo chuẩn mới (thu nhập 400.000 đồng/người/tháng), tỷ lệ hộ nghèo ở các xã này sẽ tăng lên đến 60%, với 1,4 triệu hộ và khoảng 6,3 triệu người nghèo. Nhiều xã ở Tây Bắc, tây Nghệ An, tây Thanh Hóa, tỷ lệ hộ nghèo lên tới 80- 85%. Vì vậy, cần xây dựng một Chương trình Giảm nghèo quốc gia mang tính toàn diện và bền vững, theo hướng phân cấp và trao quyền tự chủ cho địa phương trong quá trình giải ngân triển khai các dự án phù hợp với nhu cầu thực tế của người dân.

 

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng- Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình Giảm nghèo quốc gia cho rằng: “Cần trao cái người nghèo cần, đừng trao cái mà Chính phủ có, 5- 10 năm tới, phải tạo ra bước đột phá trong công tác giảm nghèo”.

 

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nói: “Đây là cuộc đầu tư cả tâm lực, trí lực, tình cảm và trách nhiệm  của Đảng, của cả hệ thống chính trị cho 15- 16 triệu đồng bào còn ở mức đáy của thu nhập xã hội. Cấp ủy chính quyền địa phương cần chủ động trong việc triển khai các chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước để làm sao chúng ta tạo được một bước chuyển nhanh hơn, vững chắc hơn về Chương trình Giảm nghèo. Dứt khoát phải tạo ra được sự ổn định của đất nước, để chênh lệch giàu nghèo đỡ giãn ra hơn.  Chúng ta thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI. Cũng là để thực hiện 5 năm đầu tiên của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước giai đoạn 2010 -2020”.

 

Hy vọng rằng với những bài học kinh nghiệm trong thời gian qua, dưới ánh sáng của Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, Nghị định về công tác dân tộc và Chương trình 135 giai đoạn 3 sắp được Chính phủ ban hành với nguồn vốn trên 25.800 tỷ đồng sẽ tạo sức bật mạnh mẽ cho công tác giảm nghèo quốc gia, nhằm giảm 1/3 số hộ nghèo, tăng thu nhập bình quân đầu người khu vực này lên bằng 1/3 bình quân cả nước./.