Quốc hội thảo luận việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng dân sự

16:40, 22/03/2011

Những vấn đề lớn được các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận, cho ý kiến là vai trò của Viện Kiểm sát trong các vụ án dân sự sơ thẩm, cơ chế đặc biệt xem xét lại các quyết định của Hội đồng Thẩm phán, Tòa án cấp sơ thẩm có quyền hủy các quyết định hành chính trái pháp luật.

 

Sáng nay (22/3), dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự.

 

Viện Kiểm sát tham gia phiên tòa nhằm bảo vệ quyền, lợi ích của nhân dân

 

Phát biểu thảo luận, đa số các đại biểu tán thành việc quy định trong luật vai trò của Viện Kiểm sát tham gia tố tụng dân sự tại phiên tòa sơ thẩm, nhằm bảo đảm việc tuân theo pháp luật của các bên đương sự và cơ quan tiến hành tố tụng.

 

Các đại biểu Ngô Minh Hồng (TP. Hồ Chí Minh), GS. Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn), Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) đều cho rằng, sự tham gia của đại diện Viện Kiểm sát tại phiên tòa sơ thẩm là cần thiết chức năng, nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động xét xử của Tòa án nhằm bảo đảm tuân thủ đúng pháp luật trong việc giải quyết các vụ việc dân sự, góp phần bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa trong tố tụng dân sự, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, lợi ích của nhà nước.

 

“Trong khi trình độ, phẩm chất của thẩm phán cần được nâng cao hơn nữa thì sự tham gia của Kiểm sát viên tại phiên tòa là cần thiết. Vấn đề là Kiểm sát viên tham gia đến đâu, như thế nào để bảo đảm khách quan và quyền “tự định đoạt” của các bên đương sự”, ĐB Nguyễn Ngọc Đào nêu quan điểm.

 

Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Trần Quốc Vượng kiến nghị cần thiết quy định việc tham gia của Viện Kiểm sát ở tất cả các phiên tòa dân sự sơ thẩm.

 

Đồng tình với quan điểm này, nhưng Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình lo ngại khi số lượng Kiểm sát viên có hạn như hiện nay.

 

“Với chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, Viện Kiểm sát tham gia là cần thiết. Tuy nhiên, cần cân nhắc vụ án nào Kiểm sát viên sẽ tham gia”, Chánh án Trương Hòa Bình bày tỏ.

 

Tòa án có quyền hủy các quyết định hành chính trái pháp luật

 

Về thẩm quyền của Tòa án đối với các quyết định trái pháp luật của cơ quan hành chính xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, các đại biểu Quốc hội cho rằng, quy định như vậy nhằm giải quyết nhanh các vụ án dân sự, bởi nếu không việc kiến nghị hủy bỏ của Tòa án với các cơ quan ban hành quyết định hành chính sai trái rất chậm được thực thi.

 

Chánh án Trương Hòa Bình nhấn mạnh, nếu không quy định để phiên tòa cấp sơ thẩm được hủy các quyết định trái pháp luật mà kiến nghị cơ quan ban hành quyết định trái pháp luật đó hủy bỏ thì có sửa hay không là quyền của họ.

 

Tuy nhiên, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Trần Quốc Vượng đề nghị Quốc hội cần cân nhắc thêm về quy định này.

 

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, sẽ tiếp tục xem xét, giải trình thật kỹ càng vấn đề này trình Quốc hội cho ý kiến cuối cùng.

 

Cơ chế đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán

 

Về cơ chế đặc biệt để xem xét lại chính quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, đa số các đại biểu đồng tình cần quy định cụ thể trình tự, thủ tục chặt chẽ để khắc phục các sai lầm nghiêm trọng của chính Hội đồng Thẩm phán.

 

Bởi theo quy định hiện hành, quyết định của Hội đồng Thẩm phán là quyết định cuối cùng, không có cơ chế xem xét, mặc dù nếu phát hiện oan sai. “Quy định như vậy để Hội đồng Thẩm phán khắc phục chính các sai lầm của mình, phù hợp với thực tiễn xét xử hiện nay”, Chánh án Trương Hòa Bình phân tích.

 

Báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nêu rõ, do không có cơ chế để xem xét giải quyết lại vấn đề này nên đương sự rất bức xúc, khiếu nại gay gắt, kéo dài.

 

Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân trong khi ở nước ta chưa có Tòa bảo hiến hay Tòa án hiến pháp thì việc sửa đổi Bộ luật lần này quy định một cơ chế đặc biệt để Hội đồng thẩm phán TANDTC được tự mình xem xét lại quyết định giám đốc thẩm có sai lầm nghiêm trọng là cần thiết và hợp lý.

 

Dự kiến dự thảo Luật này sẽ được Quốc hội xem xét thông qua vào chiều ngày 29/3.