Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ

10:20, 09/04/2011

Xác định rõ cán bộ là gốc của mọi công việc, thành hay bại cũng là do công tác cán bộ, trong những năm qua, Đảng bộ huyện Đại Từ đã đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, cũng như thực hiện tốt các chính sách liên quan đến vấn đề này.

 

Đảng bộ huyện đã chọn giải pháp thực hiện tốt công tác cán bộ là một trong bốn giải pháp để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khoá XXI . Nhờ vậy, chất lượng đội ngũ cán bộ của huyện đã được nâng lên đáng kể, góp phần thay đổi cách nghĩ, cách làm, nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, năng lực thực tiễn, từng bước chuẩn hóa đội ngũ cán bộ.

 

Trao đổi cùng chúng tôi, đồng chí Trương Thị Huệ, Bí thư Huyện ủy Đại Từ đã khẳng định: “Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2005-2010, Ban Thường vụ Huyện ủy đã xây dựng hẳn Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2006-2010 nhằm tạo sự chuyển biến cơ bản trong công tác cán bộ. Hằng năm, Ban Thường vụ Huyện ủy đều xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ để cụ thể hóa nội dung của Đề án. Đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng tại huyện, Ban Thường vụ Huyện ủy chủ đạo sát sao việc đổi mới nội dung, phương thức đào tạo, bồi dưỡng. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng theo từng đối tượng, từng chức danh cụ thể để nâng cao chất lượng cán bộ. Đặc biệt là lựa chọn những chuyên đề mang tính thời sự, cấp thiết như: giáo dục đạo đức cách mạng; công tác dân tộc, tôn giáo; hội nhập kinh tế quốc tế… để đưa vào chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ cơ sở.

 

Về đội ngũ giảng viên kiêm chức ở Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị, Ban Thường vụ Huyện ủy cũng lựa chọn những đồng chí có năng lực, trình độ, có khả năng truyền đạt tốt để tham gia giảng bài tại các lớp bồi dưỡng cán bộ cơ sở. Các đồng chí được phân công tham gia giảng bài phải chuẩn bị kỹ giáo án để Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện kiểm duyệt trước khi lên lớp”. Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Huyện ủy cũng chủ động phối hợp với Trường Chính trị tỉnh và các đơn vị đào tạo để tổ chức các lớp đào tạo chuyên sâu cho cán bộ, công chức, đặc biệt là cán bộ chủ chốt và dự nguồn ở cơ sở để góp phần nâng cao, chuẩn hóa về trình độ cho cán bộ.

 

Việc lựa chọn cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng theo chỉ tiêu phân bổ của trung ương, tỉnh được quan tâm chỉ đạo, đảm bảo việc lựa chọn đúng đối tượng, tiêu chuẩn, gắn với phương án quy hoạch cán bộ. Khuyến khích cán bộ tự học tập để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, quản lý Nhà nước. Chỉ riêng năm 2010, toàn huyện đã cử 2 đồng chí đi học cao cấp lý luận chính trị; 56 lượt cán bộ chủ chốt, 5 lượt cán bộ cơ sở tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ tại Trường Chính trị tỉnh. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ cho cán bộ cơ sở và bồi dưỡng nhận thức về Đảng với 37 lớp cho 3.458 học viên, trong đó riêng đào tạo về nghiệp vụ công tác khối Đảng 15 lớp, nghiệp vụ công tác đoàn thể 10 lớp, khối quản lý Nhà nước 3 lớp, các tổ chức chính trị xã hội khác 2 lớp và 6 lớp theo chuyên đề phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

 

Để nâng cao trình độ lý luận cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở, Huyện ủy phối hợp với Trường Chính trị tỉnh mở 1 lớp sơ cấp lý luận chính trị và 1 lớp trung cấp lý luận chính trị-hành chính cho gần 200 cán bộ ở cơ sở học. Đặc biệt, năm 2010, Ban Thường vụ Huyện ủy đã liên kết với Trường Cao đẳng Nghề và Công nghệ nông lâm Đông Bắc (Lạng Sơn) tổ chức được 4 lớp trung cấp nông nghiệp tại huyện với tổng số trên 200 học viên, cơ bản là cán bộ chủ chốt và dự nguồn của các xã, thị trấn trong huyện. Nội dung, chương trình học sinh động, thực tiễn, sát với tình hình của huyện. Với 4 lớp trung cấp nông nghiệp được mở tại huyện không chỉ giúp cán bộ cơ sở nâng cao kiến thức chuyên môn mà còn đáp ứng yêu cầu công tác hiện nay, góp phần quan trọng trong việc thực hiện chuẩn hóa cán bộ ở cơ sở.

 

Nói về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đồng chí Nguyễn Xuân Nang, Bí thư Đảng ủy xã La Bằng cho rằng: “Trong những năm qua, Huyện ủy đã đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Nhờ vậy đội ngũ cán bộ ở cơ sở ngày một được nâng cao cả về trình độ lý luận chính trị lẫn chuyên môn nghiệp vụ. Riêng ở La Bằng trong 5 năm qua đã có 10 đồng chí cán bộ xã học xong về chuyên môn, 13 đồng chí học trung cấp lý luận chính trị, 9 đồng chí được học sơ cấp lý luận chính trị và 4 đồng chí học xong bổ túc THPT. Hiện nay ở xã còn 8 đồng chí đang theo học các lớp chuyên môn và 1 đồng chí đang học bổ túc THPT. Các đồng chí sau khi được đào tạo đều được xem xét, bố trí, sắp xếp hợp lý về mặt công việc”. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở Đại Từ còn bộc lộ những hạn chế đó là một số cấp ủy cơ sở chưa quan tâm làm tốt công tác tư tưởng, quán triệt nhiệm vụ cho cán bộ được cử đi đào tạo, vì thế có tình trạng một số cán bộ được cử đi học nhưng không tham gia nhập học hoặc ý thức học tập chưa cao. Chế độ hỗ trợ đối với cán bộ cơ sở không hưởng lương từ ngân sách được cử đi học còn bất cập nên một số đồng chí chưa thực sự yên tâm học tập.

 

Trong giai đoạn 2011-2015, Ban Thường vụ Huyện ủy Đại Từ tiếp tục lựa chọn thực hiện tốt công tác tổ chức, cán bộ làm giải pháp đột phá, then chốt, nền tảng quan trọng trong thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXII đề ra. Để khắc phục những hạn chế nêu trên, Ban Thường vụ Huyện ủy Đại Từ đã đề ra một số giải pháp để tập trung thực hiện. Đó là tiếp tục tăng cường quán triệt và nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy Đảng cơ sở về vị trí, tầm quan trọng của công tác cán bộ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thường xuyên rà soát nắm chắc tình hình, chất lượng, số lượng đội ngũ cán bộ, công chức để thực hiện có hiệu quả việc đánh giá cán bộ, công chức hằng năm trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho phù hợp với tình hình thực tiễn của huyện.

 

Bên cạnh đó sẽ tổ chức đánh giá cán bộ sau khi đã trải qua khóa đào tạo, bồi dưỡng một cách thường xuyên, công khai, chặt chẽ để nâng cao ý thức học tập, đảm bảo chất lượng, hiệu quả đào tạo. Đồng thời, rà soát, kịp thời kiện toàn đội ngũ giảng viên kiêm chức của huyện đảm bảo về số lượng và chất lượng, cũng như đảm bảo kinh phí để phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo đúng quy định. Với những giải pháp cụ thể, thiết thực nêu trên, tin tưởng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của huyện Đại Từ sẽ đạt được hiệu quả như yêu cầu đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị mà Đảng bộ huyện đã đề ra trong giai đoạn 2010-2015.