Tích cực chuẩn bị cho công tác bầu cử

07:50, 25/04/2011

Những ngày cuối tháng 4, đến các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dậy nghề trên địa bàn của tỉnh Thái Nguyên, chúng tôi được chứng kiến một không khí thi đua sôi nổi của thầy và trò nhà trường về phong trào dạy tốt, học tốt và tinh thần khẩn trương chuẩn bị cho ngày bầu cử Đại biểu Quốc hội Khoá XIII và bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.

 

Thời gian này, hầu hết các trường đã thành lập xong tổ bầu cử và tiếp tục triển khai các bước chuẩn bị cho bầu cử theo hướng dẫn chung. Danh sách cử tri tại các tổ bầu cử của trường cũng đã hoàn thiện và được chuyển đến Uỷ ban bầu cử xã, phường, nơi nhà trường đứng chân để làm các thủ tục phục vụ cho ngày bầu cử.

 

Ông Nguyễn Xuân Hoà, thành viên Ủy ban Bầu cử phường Tích Lương T.P Thái Nguyên cho biết: Trên địa bàn phường có Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp và Trường Đại học Kinh tế & Quản trị kinh doanh. Căn cứ vào số lượng cử tri, Uỷ ban bầu cử phường thành lập tại Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp 3 tổ bầu cử, Trường Đại học Kinh tế & Quản trị kinh doanh 1 tổ bầu cử. Theo tiến độ, các trường này đều thực hiện đầy đủ quy trình chuẩn bị cho ngày bầu cử sắp tới... Hầu hết các xã, phường như Quang Trung, Quyết Thắng, Tân Thịnh... có trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề đứng chân, Uỷ ban bầu cử đều tạo cho các trường những thuận lợi nhất định như việc bố trí hòm bỏ phiếu, nơi cử tri tham gia bỏ phiếu bầu cử và các tài liệu tuyên truyền cần thiết phục vụ cho công tác bầu cử.

 

Còn với các trường, cũng với tinh thần phục vụ cho ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp thành công tốt đẹp, khi lập danh sách cử tri, thành viên tổ bầu cử đều căn cứ trên nguyện vọng của mỗi người, như cho cán bộ, viên chức, công chức, giảng viên, học sinh, sinh viên tự nguyện đăng ký theo lớp, khối học hoặc khoa, phòng về việc tham gia bỏ phiếu bầu cử ở đâu. Như vậy, cử tri tại các trường có thể đăng ký bỏ phiếu bầu cử tại đơn vị mình công tác, học tập, hoặc đăng ký bầu cử tại nơi cư trú. Anh Tạ Quốc Bản, Bí thư đoàn trường Đại học Y - Dược, thành viên Ban chỉ đạo tổ bầu cử số 7, 8 của Trường cho biết: 2 tổ bầu cử của Trường trực thuộc Ủy ban bầu cử phường Quang Trung, với 8.000 cử tri tham gia bỏ phiếu bầu cử lần này. Thời gian qua, Trường tích cực tổ chức các hoạt động tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, viên chức, giảng viên và sinh viên về công tác bầu cử, Luật Bầu cử, nghĩa vụ cử tri và quyền lợi công dân qua mạng lưới truyền thanh của trường. Còn với những cử tri là sinh viên chuyên tu, tại chức đang theo học, tổ bầu cử căn cứ vào giấy đăng ký tạm trú hoặc giấy giới thiệu của địa phương - nơi sinh viên công tác để làm thủ tục cho sinh viên tham gia bỏ phiếu thuận lợi.

 

Khi được hỏi về hoạt động tuyên truyền chuẩn bị cho ngày bầu cử, anh Nguyễn Hữu Toàn, Bí thư Đoàn Trường Đại học Sư phạm cho biết: Lần bầu cử này Nhà trường có 4 tổ bầu cử, với hơn 11.900 cử tri. Hiện Nhà trường cũng đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Bầu cử, hướng dẫn về công tác bầu cử... đến 100% cán bộ, viên chức, giảng viên và các em sinh viên. Dự kiến đầu tháng 5 này, Đoàn trường và Hội Sinh viên Trường sẽ phối hợp tổ chức cho sinh viên toàn trường tham gia cuộc thi tìm hiểu về Lịch sử Quốc hội Việt Nam... Để cử tri thuận lợi khi có việc liên quan tới công tác bầu cử, hằng ngày các tổ bầu cử có phân công thành viên thường trực, sẵn sàng giải đáp mọi câu hỏi liên quan tới hoạt động bầu cử cho cử tri. Nhiều tổ bầu cử tại các trường cũng đã treo băng zôn, khẩu hiệu tuyên truyền cho cuộc bầu cử...

 

Điều quan tâm là hầu hết sinh viên, học sinh đang theo học tại các trường đều mới lần đầu tham gia bỏ phiếu, vì thế không ít cử tri còn bỡ ngỡ trong khi chuẩn bị thực hiện quyền công dân của mình. Sinh viên Nguyễn Hoàng Luân, K43, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp đã nói với chúng tôi: Em từng tham gia nhiều hoạt động tình nguyện, nhưng khi chuẩn bị được thực hiện quyền lợi đi bầu cử của một công dân, em thấy hết sức hồi hộp. Em sẽ tiếp tục nghiên cứu về Luật Bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp; tìm hiểu kỹ danh sách các ứng cử viên rồi mới lựa chọn người có đủ đức, tài để bầu vào Quốc hội cũng như HĐND các cấp.

 

Các bạn sinh viên tôi gặp như Nguyễn Thị Kim Dung, sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên; Hoàng Thị Huệ, Sinh viên Trường Đại học Khoa học; Trần Văn Tuấn, sinh viên Trường Cao đẳng Công nghiệp Thái Nguyên... các em có chung tâm trạng vừa phấn chấn, vừa lo lắng khi lần đầu tham gia đi bầu cử.

 

Anh Hoàng Việt Ngọc, Trưởng phòng Quản lý học sinh, sinh viên, Thư ký Tổ bầu cử Trường Cao đẳng Y tế Thái Nguyên tâm sự: Biết được tâm trạng này của các em học sinh, sinh viên, nên Nhà trường đã thông qua đội ngũ ban cán sự lớp, cán bộ đoàn để phổ biến, tuyền truyền tới các em về các hoạt động liên quan tới công tác bầu cử... Còn tại Trung tâm Học liệu (Đại học Thái Nguyên), thời gian này sinh viên cũng rủ nhau đến nhiều hơn, vừa là để nghiên cứu tài liệu học tập, đồng thời tranh thủ vào mạng để tìm hiểu thêm về Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp và quyền lợi, nghĩa vụ của cử tri khi tham gia bỏ phiếu bầu cử.