Vì mục đích an sinh xã hội

15:10, 02/05/2011

Ngay sau khi Nghị quyết 11 được ban hành ngày 24-2, Thái Nguyên đã xây dựng chương trình hành động và triển khai thực hiện năm nhóm giải pháp cụ thể tại tất cả các ngành, địa phương. Cùng với tăng thu ngân sách, cắt giảm chi tiêu công; hỗ trợ, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh... giải pháp bảo đảm an sinh xã hội (ASXH) cũng được các cấp, ngành, địa phương, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh quan tâm và chung sức thực hiện...

 

Ngay từ đầu năm 2011, tình hình kinh tế đã có những diễn biến phức tạp, lạm phát tăng cao đã và đang tác động đến đời sống của nhiều người dân, nhất là các đối tượng chính sách, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn… Vì thế, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương tích cực rà soát thực trạng việc làm, thu nhập và đời sống của các hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn mới, làm căn cứ quan trọng để triển khai thực hiện các chính sách bảo đảm ASXH.

 

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB & XH), qua nắm tình hình cụ thể số hộ nghèo theo chuẩn mới giai đoạn 2011 - 2015, toàn tỉnh có 58.791 hộ, tương đương với tỷ lệ 20,57%. Qua đó, chính sách hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo gắn với việc tăng giá điện theo tinh thần Nghị quyết 11 với mức 30 nghìn đồng/hộ/tháng đang được tích cực triển khai. Được biết, ngày 8-4, Sở LĐ-TB & XH đã gửi văn bản tới tất cả các huyện, thành, thị trong tỉnh, đồng thời chuyển toàn bộ số tiền trên 7 tỷ đồng để hỗ trợ tiền điện các tháng 3, 4, 5 và 6 cho hộ nghèo thuộc diện được hưởng. Hiện nay, phòng LĐ - TB & XH các huyện, thành, thị đã chuyển kinh phí cho UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện chi trả theo quy định, phấn đấu hoàn thành trong tháng 4. Ngoài ra, các địa phương cũng đang tiến hành chi trả trợ cấp xã hội tại cộng đồng theo quy định tại Nghị định (NĐ) số 67/2007/NĐ-CP và NĐ số 13/2010/NĐ-CP với 17.072 người được thụ hưởng. Đối với việc cấp thẻ Bảo hiểm Y tế, tính đến hết tháng 3-2011, toàn tỉnh đã hoàn thành việc cấp thẻ cho 136.276 người nghèo trên địa bàn, giúp các đối tượng bị ốm đau, bệnh tật được khám, chữa bệnh kịp thời. Bên cạnh đó, chính sách bảo trợ xã hội đối với người từ 80 tuổi trở lên; chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên cũng đang được tích cực thực hiện... Cũng trong năm 2011, thực hiện Quyết định số 1592/QĐ-TTg ngày 12/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn, 22 công trình nước sinh hoạt tập trung sẽ được đầu tư xây dựng tại các huyện: Võ Nhai, Định Hoá, Phú Lương, Đại Từ, Đồng Hỷ, Phổ Yên, Thị xã Sông Công và T.P Thái Nguyên với tổng vốn đầu tư trên 18 tỷ đồng. Những chính sách trên, khi đi vào cuộc sống sẽ góp phần bảo đảm ASXH, giúp người nghèo, đồng bào vùng sâu vùng xa nâng cao chất lượng cuộc sống.

 

Bên cạnh chính sách của Nhà nước, vấn đề bảo đảm ASXH cũng nhận được sự hưởng ứng tích cực của các cá nhân, tổ chức, các cơ quan, đơn vị và các doanh nghiệp trên địa bàn. Ông Hà Công Nền, Chủ nhiệm Hợp tác xã Chế biến lâm sản và vật liệu xây dựng Thái Nguyên, một đơn vị tích cực với công tác này cho biết: Chăm lo người có công, người nghèo, thực hiện công tác từ thiện, nhân đạo là thể hiện văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh. Mỗi năm Hợp tác xã luôn dành trên 30 triệu đồng để tham gia công tác này. Thực hiện cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” của Trung ương Hội Chữ thập đỏ, hiện tại chúng tôi đang hỗ trợ 200 nghìn đồng/tháng, tương đương với 15kg gạo cho một gia đình nghèo tại xã Dương Thành (Phú Bình). Là người trực tiếp phụ trách công tác nhân đạo của Hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh, ông Nền cũng cho biết, cuộc vận động nhận được sự hưởng ứng tích cực của các doanh nghiệp trong Hội, có nhiều doanh nghiệp hỗ trợ 4 đến 5 địa chỉ nhân đạo. Mới đây, Hội cũng đã ủng hộ 10 triệu đồng để xây nhà tình nghĩa cho một hộ nghèo tại xã Phúc Trìu (T.P Thái Nguyên), đang làm thủ tục để hỗ trợ 15 triệu đồng cho một hộ khác ở thị trấn Hương Sơn (Phú Bình). Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng luôn quan tâm tới đời sống người lao động, bảo đảm thực hiện các chính sách theo đúng quy định của Nhà nước với mức thu nhập trung bình trên 3 triệu đồng/tháng; quan tâm, hỗ trợ những lao động có hoàn cảnh khó khăn.

 

Không chỉ có sự tham gia của các tổ chức kinh tế, vấn đề bảo đảm ASXH còn nhận được sự tham gia tích cực của các đoàn viên, thanh niên, sinh viên… cũng như các tổ chức chính trị - xã hội. Khi tìm hiểu để viết bài này, chúng tôi được biết, gần đây tại Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh, các bạn sinh viên tình nguyện Hành trình xanh Thái Nguyên đang phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh tổ chức chương trình “Nồi cháo từ thiện”, giúp đỡ các bệnh nhân nghèo. Chương trình được tổ chức định kì 2 lần/tháng. Khi được hỏi về động cơ tham gia chương trình, bạn Trịnh Văn Hòa, Trưởng nhóm cho biết: Là thế hệ trẻ, chúng em cũng muốn chung tay cùng toàn xã hội giúp đỡ, chia sẻ khó khăn với những người nghèo khó. Tham gia chương trình chủ yếu là những bạn sinh viên đến từ các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh, tất cả đều muốn mang sức trẻ, sự nhiệt huyết để cùng nỗ lực vì một xã hội tốt đẹp hơn.

 

Bên cạnh đó, nhiều địa phương, đơn vị, tổ chức còn có những chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất như: trợ giá các loại giống cây trồng, vật nuôi; bán phân bón trả chậm; bù lỗ chi phí vật tư nhiên liệu, giúp nông dân yên tâm sản xuất, cải thiện đời sống; các doanh nghiệp thương mại dịch vụ tổ chức nhiều hoạt động khuyến mãi, giảm giá, góp phần chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng… Trong khuôn khổ một bài viết thật khó có thể phản ánh một cách đầy đủ các hoạt động của các cấp, ngành, địa phương, đơn vị, cá nhân trên địa bàn trong việc thực hiện công tác bảo đảm ASXH. Tuy nhiên, chỉ với những ví dụ trên chúng ta đã có thể thấy được tất cả đều đang vào cuộc, cùng chung tay, từ những hành động nhỏ làm nên một việc làm lớn nhằm đảm bảo ASXH.