Việt Nam phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc cản trở hoạt động thăm dò dầu khí

08:12, 30/05/2011

Hành động này đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của mình.

 

Chiều 29/5, Bộ Ngoại giao tổ chức họp báo liên quan tới việc ngày 26/5, ba tàu hải giám của Trung Quốc tiến sâu vào lãnh hại Việt Nam cản trở hoạt động và cắt cáp của tàu Bình Minh 02, thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đang tiến hành khảo sát địa chấn trong vùng đặc quyền kinh tế của nước ta

 

Phát biểu tại cuộc họp báo, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga nhấn mạnh: “Việt Nam kiên quyết phản đối hành động của phía Trung Quốc phá hoại, cản trở các hoạt động thăm dò khảo sát bình thường của Việt Nam trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, gây thiệt hại lớn cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Hành động này đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của mình, vi phạm Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc, trái với tinh thần và lời văn của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2002 cũng như nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam và Trung Quốc. Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt ngay, không để tái diễn những hành động vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đồng thời bồi thường thiệt hại cho phía Việt Nam”.

 

Tham dự cuộc họp báo, ông Đỗ Văn Hậu, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đã trình bày với báo giới trong và ngoài nước toàn bộ diễn biến sự việc xảy ra sáng 26/5, khi ba tàu hải giám của Trung Quốc ngang ngược xâm phạm lãnh hải của Việt Nam, gây thiệt hại lớn và cản trở hoạt động của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, cụ thể là cắt cáp thăm dò địa chấn của tàu Bình Minh 02.

 

Ông Đỗ Văn Hậu nói: "Chúng tôi xin khẳng định lại một lần nữa, khu vực mà chúng tôi khảo sát nằm rất sâu trong khu vực thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đã từng thực hiện các nhiệm vụ khảo sát như vậy nhiều lần, vì vậy chúng tôi khẳng định việc tàu khảo sát địa chấn làm việc ở đây là nhiệm vụ bình thường của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, và hiện nay tàu đang tiếp tục khảo sát".

 

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Quân đội Nhân dân về việc ngày 28/5 người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du tuyên bố việc Việt Nam tiến hành thăm dò dầu khí tại vùng biển do Trung Quốc quản lý đã làm tổn hại lợi ích và quyền của Trung Quốc. Bà Nguyễn Phương Nga nêu rõ: "Chúng tôi bác bỏ phát biểu này của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 28/5".

 

Bà Nguyễn Phương Nga nhấn mạnh, cần làm rõ một số điểm sau: "Trước hết, khu vực mà Việt Nam tiến hành thăm dò hoàn toàn nằm trong khu vực đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam theo Công ước Luật Biển năm 1982. Đây hoàn toàn không phải là khu vực tranh chấp và càng không thể nói là khu vực do Trung Quốc quản lý. Phía Trung Quốc đang cố tình làm cho dư luận hiểu lầm khu vực không có tranh chấp thành khu vực có tranh chấp.

 

Hai là, Việt Nam luôn tuân thủ nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước là giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, không có hành động làm phức tạp thêm tình hình. Tuy nhiên, cũng cần phải nói rõ rằng, không có nhận thức chung nào nói rằng Trung Quốc có quyền cản trở các hoạt động của Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Chính hành động này của Trung Quốc đã đi ngược lại nhận thức của lãnh đạo cấp cao hai nước.

 

Ba là, Trung Quốc kêu gọi giải quyết các tranh chấp liên quan bằng biện pháp hoà bình, nhưng chính hành động của Trung Quốc đang làm phức tạp thêm tình hình ở biển Đông”.

 

Trả lời câu hỏi của phóng viên báo Tuổi trẻ đề nghị cho biết có phải Trung Quốc đang muốn biến Biển Đông thành “ao nhà” với đường yêu sách chín đoạn không khi gần đây Trung Quốc có một loạt va chạm với Việt Nam và cả Philippines, ông Nguyễn Duy Chiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia khẳng định: "Yêu sách đường 9 đoạn hay còn gọi là “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông hoàn toàn không có cơ sở pháp lý, trái với Công ước 1982 của Liên Hợp Quốc về Luật Biển mà Trung Quốc là một thành viên. Yêu sách này xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nhiều nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam, và đã bị nhiều nước phản đối. Việc Trung Quốc tìm cách thực hiện yêu sách này trên thực tế đang làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.

 

Trả lời câu hỏi của phóng viên báo điện tử Vietnamnet đề nghị cho biết có phải sự việc này cho thấy thái độ nước lớn của Trung Quốc trong khi lãnh đạo Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố “Trung Quốc chủ trương giải quyết hòa bình các tranh chấp”, “dù lớn mạnh cũng không xưng bá”, bà Nguyễn Phương Nga nói: "Chúng tôi mong rằng Trung Quốc sẽ thể hiện vai trò có trách nhiệm của một nước lớn, thực hiện đúng tinh thần tuyên bố của lãnh đạo Trung Quốc".