Chủ tịch Hồ Chí Minh– Hành trình tìm đường cứu nước

07:53, 01/06/2011

Đây là chủ đề của hội thảo khoa học được tổ chức sáng 31/5 tại TP HCM.Hội thảo 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911– 5/6/2011) do Thành ủy TP HCM phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh và Bộ VH-TT&DL tổ chức.

 

Tham dự có Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Tấn Dũng- Thủ tướng Chính phủ, Đinh Thế Huynh- Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Lê Thanh Hải- Bí thư Thành ủy TP HCM, Trần Đại Quang- Thứ trưởng Bộ Công an cùng các đồng chí lão thành cách mạng, các nhà nghiên cứu đến từ các viện, trung tâm, hội khoa học trong cả nước.

 

Cách đây tròn 1 thế kỷ, ngày 5/6/1911 từ bến cảng Sài Gòn, người thanh niên Nguyễn Tất Thành với lòng yêu nước nhiệt thành, tình thương dân vô hạn và với nghị lực phi thường đã ra đi tìm đường cứu nước.

 

Sau 3 thập kỷ bôn ba qua bốn châu lục, gần 30 nước trên thế giới để lao động, học tập, tham gia hoạt động các tổ chức, phong trào cách mạng của thế giới, Nguyễn Tất Thành–Nguyễn Ái Quốc đã trở về nước trực tiếp lãnh đạo nhân dân ta tiến hành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, tiến lên Chủ nghĩa Xã hội và giành thắng lợi này đến thắng lợi khác…

 

Phát biểu khai mạc cuộc hội thảo, ông Đinh Thế Huynh cho biết, trong những năm qua đã có nhiều công trình khoa học đi sâu nghiên cứu về cuộc hành trình cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Do ý nghĩa lịch sử sâu sắc, lớn lao của cuộc hành trình đó đối với cách mạng, với dân tộc Việt Nam, chúng ta còn phải tiếp túc nghiên cứu sâu hơn, toàn diện hơn.

 

Ông Đinh Thế Huynh nhấn mạnh, hội thảo hôm nay không chỉ góp phần khẳng định sâu sắc hơn ý nghĩa, giá trị lịch sử lớn lao cuộc hành trình tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà còn góp phần tìm ra các bài học lớn cho hiện tại và tương lai của dân tộc…

 

Với chủ đề “Vững bước trên con đường Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn, tiếp tục đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước” tham luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày tại Hội thảo một lần nữa khẳng định: Dưới ngọn cờ độc lập dân tộc và Chủ nghĩa Xã hội, trong suốt hơn 80 năm qua, cách mạng Việt Nam đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, giành được những thắng lợi vĩ đại, có ý nghĩa lịch sử.

 

Đó là thắng lợi của Chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam dưới ngọn cờ tư tưởng Hồ Chí Minh, thể hiện rõ nhất là những thành tựu của đất nước sau 25 năm đổi mới, nhất là Việt Nam đã ra khỏi tình trạng kém phát triển.

 

Trong bài tham luận của mình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đi sâu phân tích một số nội dung cốt lõi trong Chiến lược Phát triển kinh tế xã hội của đất nước (2011-2020) được soi rọi bởi tư tưởng Hồ Chí Minh, đưa ra một hệ thống các quan điểm, mục tiêu và các giải pháp lớn, gắn kết với nhau hình thành một chỉnh thể phát triển, nhằm tiếp tục đẩy mạnh CNH-HĐH, phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

 

Để làm được điều này, theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, phát triển nhanh gắn với phát triển bền vững. Phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong chiến lược…

 

Bài tham luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội thảo cũng đề cập đến nội dung tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chủ yếu phát triển theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, vừa mở rộng quy mô, vừa chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính bền vững; Phát huy nhân tố con người, coi con người là động lực, là mục tiêu của sự phát triển theo tư tưởng lấy dân làm gốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Nâng cao chất lượng thể chế, giải phóng mọi nguồn lực cho phát triển và hoàn thiện bộ máy Nhà nước, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường theo những chỉ dẫn quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trước mắt là toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cần tập trung mọi nỗ lực để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội, phấn đấu thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011.

 

Hội thảo khoa học “Chủ tịch Hồ Chí Minh– Hành trình tìm đường cứu nước” đã nhận được 135 tham luận thể hiện tình cảm thiêng liêng, lòng kính trọng, yêu thương đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh– lãnh tụ vĩ đại của dân tộc và Đảng ta, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân Văn hóa Thế giới.

 

Mỗi tham luận là sự dày công nghiên cứu, suy nghĩ và tìm tòi tư liệu, nội dung khoa học phong phú của các tác giả liên quan đến các chủ đề như: Tiếp tục giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và Chủ nghĩa Xã hội theo con đường Bác Hồ đã chọn; Hồ Chí Minh với giai đoạn cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân; Vững bước trên con đường Người đã chọn xây dựng Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh; Xây dựng Quân đội nhân dân, phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Xã hội Chủ nghĩa hiện nay; Chủ tịch Hồ Chí Minh- hành trình tìm đường cứu nước và 6 điều Người dậy lực lượng công an…

 

Các tham luận đã góp phần nâng cao nhận thức và khẳng định rõ hơn ý nghĩa lịch sử và thời đại về những di sản quý báu, tư tưởng cách mạng vô cùng sáng suốt, toàn diện và sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi trường tồn cùng dân tộc Việt Nam./.