Làm nổi bật hình ảnh và tấm gương đạo đức của Người

08:21, 04/06/2011

Sau 3 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động sáng tác, biểu diễn, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trên địa bàn tỉnh đã thu được những kết quả đáng khích lệ. Phóng viên Báo Thái Nguyên đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Văn Kim, Phó Bí thư Thường trực, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

 

PV: Xin đồng chí cho biết quá trình triển khai thực hiện Cuộc vận động động sáng tác, biểu diễn, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của tỉnh trong thời gian qua?

 

Đ/c Nguyễn Văn Kim: Thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW, ngày 07-11-2006 của Bộ Chính trị về tổ chức Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; căn cứ Công văn số 1836-CV/BTGTW ngàu 08-5-2008 của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc đẩy mạnh sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí về chủ đề này, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động cấp tỉnh đã thành lập Ban tổ chức cuộc thi sáng tác, biểu diễn, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

 

Ngay sau khi thành lập, Ban Tổ chức Cuộc thi đã khẩn trương triển khai, ban hành Kế hoạch, trong đó nêu rõ mục đích, yêu cầu và nội dung cụ thể đối với các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh. Các đảng bộ trực thuộc, các cơ quan, đơn vị ngành văn hoá, nghệ thuật trong tỉnh đã phát động cuộc thi tới đông đảo cán bộ, nhân viên, các văn nghệ sỹ và toàn thể quần chúng nhân dân. Các hoạt động này cũng được thường xuyên tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin của tỉnh, tạo sự chú ý, quan tâm của giới văn nghệ sỹ, nhà báo chuyên nghiệp, không chuyên và các tầng lớp nhân dân.

 

PV: Đồng chí có nhận xét gì về đối tượng tham gia và chất lượng các tác phẩm?

 

Đ/c Nguyễn Văn Kim: Có thể khẳng định, từ sự chỉ đạo, đến quá trình triển khai bài bản nên chỉ tính trong 2 năm đầu triển khai Cuộc thi đã có gần 900 tác phẩm của các tác giả tham gia cuộc thi trên toàn tỉnh. Riêng Cuộc thi năm thứ ba tuy chưa tổng kết, trao giải nhưng ước tính đã có hơn 300 tác phẩm, chương trình biểu diễn, quảng bá về chủ đề này được thực hiện. Các thể loại tham gia dự thi rất phong phú, bao gồm văn học (truyện ngắn, truyện ký, bý ký, thơ, công trình sưu tầm, nghiên cứu…); nghệ thuật (mỹ thuật, nhiếp ảnh, âm nhạc, sân khấu); các thể tài báo chí (bài viết, ghi chép, phóng sự…). Hầu hết các tác phẩm dự thi được công bố trên các phương tiện thông tin, đại chúng, được đông đảo quần chúng nhân dân đánh giá cao. Chính tấm gương vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nguồn cảm hứng bất tận thu hút đông đảo các tác giả thuộc nhiều thành phần, nghề nghiệp, độ tuổi khác nhau tham gia. Đó là cụ Hồ Xuân Sĩ, 82 tuổi, ở phường Phú Xá thành phố Thái Nguyên đã dày công sưu tầm nhiều bức ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh, rồi đề thơ của mình dưới mỗi bức ảnh, in trên chất liệu vải bạt rất công phu. Nghệ sỹ Xuân Giao dành hàng chục năm trong cuộc đời làm nghệ thuật của mình để tìm tòi, thể hiện vai diễn về hình tượng Bác Hồ… Bằng nhiều hình thức, các cơ quan thông tin đại chúng, hội văn học nghệ thuật từ tỉnh đến huyện đã tổ chức phát động thu hút đông đảo các tác giả tham gia. Điển hình là Hội Văn học nghệ thuật của huyện Định Hoá sau 3 năm phát động cuộc thi sáng tác với chủ đề “Người là niềm tin tất thắng”, “Đất và Người Định Hoá” đã nhận được 258 tác phẩm ở các thể loại truyện ký, thơ, then, sli, lượn, tấu, kịch… tham gia. Hay như Ban Quản lý Khu di tích lịch sử - sinh thái ATK Định Hoá đã sưu tâm tầm trên 100 đầu sách, bưu ảnh, đĩa hình, đĩa nhạc, vật phẩm lưu niệm về Bác Hồ…

 

Nhìn chung, sau 3 năm thực hiện Cuộc thi đã thu được nhiều kết quả quan trọng. Các tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí đều thể hiện đúng chủ đề hàng năm của Cuộc vận động, đảm bảo tính tư tưởng, chính trị, giá trị nghệ thuật. Số lượng và chất lượng các tác phẩm và chương trình dự thi năm sau cao hơn năm trước. Cuộc thi đã làm nổi bật hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và tư tưởng đạo đức sáng ngời của Người, tạo ra sức lay động, lan toả sâu sắc trong tâm tư, tình cảm, hành động của mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp xã hội. Cuộc thi còn góp phần tuyên truyền, giáo dục đạo đức, tình cảm lành mạnh, ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống và tệ nạn xã hội trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

 

PV: Có còn hạn chế nào cần phải khắc phục để Cuộc thi ngày càng đi vào chiều sâu, thưa đồng chí?

 

Đ/c Nguyễn Văn Kim: Bên cạnh những kết quả đạt được, Cuộc thi còn chưa thực sự tạo thành một phong trào rộng khắp và thường xuyên trong đội ngũ các văn nghệ sỹ, các nhà báo và quần chúng nhân dân trên địa bàn. Kết quả Cuộc thi phản ánh chưa tương xứng với kết quả hoạt động sáng tạo, quảng bá tác phẩm về chủ đề này trong đội ngũ nhà văn, nhà báo, nghệ sỹ và các cơ quan tuyên truyền. Thể loại dự thi chưa phong phú, số lượng một số thể loại còn ít, chất lượng hạn chế, chưa có nhiều tác phẩm thật sự xuất sắc. Vẫn còn một số cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể chưa thật sự quan tâm chỉ đạo triển khai tổ chức cuộc thi ở đơn vị mình. Công tác tuyên truyền, quảng bá cuộc thi của ngành Văn hoá thông tin các cấp, nhất là cấp huyện còn hạn chế, chưa thu hút được sự tham gia của đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Việc sáng tác, quảng bá, biểu diễn tác phẩm hướng tới vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo còn hạn chế…

 

PV: Vậy những bài học kinh nghiệm được rút ra là gì để tiếp tục triển khai các nhiệm vụ trọng tâm sau Hội nghị Tổng kết 3 năm thực hiện Cuộc vận động trong thời gian tới thưa đồng chí?

 

Đ.c Nguyễn Văn Kim: Có một số bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình tổ chức Cuộc thi là:

 

- Thứ nhất là, các cấp uỷ đảng, chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội và thủ trưởng các đơn vị phải đề cao trách nhiệm của mình trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện. Phải bám sát kế hoạch, hướng dẫn của cấp trên, vận dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện của địa phương, cơ sở.

 

- Thứ hai là, phải coi trọng khai thác tiềm năng, sức mạnh của quần chúng trong việc sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hoá.

 

- Thứ ba là, tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy với Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch, Hội Nhà báo và các cơ quan báo chí, các hội văn học, nghệ thuật trong tỉnh.

 

Để thực hiện tốt Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị "Về tiếp tục đẩy mạnh việc học tậo và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", trong thời gian tới các cấp, các ngành cần tiếp tục chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động bằng việc đẩy mạnh sáng tác, biểu diễn, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật về chủ đề này nhằm ca ngợi tư tưởng, đạo đức, tấm gương của Bác; nêu gương những điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt trong học tập và “làm theo” tấm gương đạo đức của Người. Khuyến khích việc tiếp tục phát động các cuộc thi ở các cơ quan, đơn vị, nhất là ngành văn hoá, nghệ thuật, các cơ quan báo chí của tỉnh, các trường chuyên nghiệp. Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tiếp tục chỉ đạo Đoàn nghệ thuật của tỉnh đẩy mạnh các hoạt động dàn dựng, biểu diễn các chương trình nghệ thuật về Bác; tăng cường lưu diễn phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo…

 

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!