55 năm Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam

07:19, 18/07/2011

Ngày 17/7/1956 Tổng cục Chính trị ra chỉ thị thành lập Ban xây dựng Bảo tàng Quân đội (Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam). Ngày đó đã trở thành ngày truyền thống của Bảo tàng.

Cảm động biết bao khi biết rằng, chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp chọn doanh trại của đơn vị thông tin bên cạnh Cột Cờ làm địa điểm xây dựng Bảo tàng Quân đội. Ngày 12/12/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng một số đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị đến duyệt hệ thống trưng bày đầu tiên. Bác căn dặn: “Bảo tàng Quân đội cần phát huy cuốn sử sống để tuyên truyền, giữ vững bản chất, truyền thống tốt đẹp của quân đội ta”.

 

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu, cán bộ Bảo tàng luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Bước chân chiến sĩ sưu tầm in khắp mọi miền Tổ quốc và trên đất bạn Lào, Campuchia. Ngoài hành trang của người lính các anh còn có thêm bộ ảnh thu nhỏ hệ thống trưng bày để triển lãm lưu động phục vụ đơn vị. Vừa trưng bày, tuyên truyền, vừa sưu tầm hiện vật các anh còn trực tiếp hướng dẫn đơn vị cách sưu tầm, kiểm kê, bảo quản hiện vật lịch sử, phát huy tác dụng của hiện vật.

 

Trong những năm chiến tranh, nhiều hiện vật cán bộ Bảo tàng mang về còn khét mùi thuốc súng. Những lá cờ loang lổ vết đạn, thấm máu bao đồng chí đã hy sinh. Những khẩu súng vừa cùng các dũng sĩ lập chiến công đã được trao tận tay cho cán bộ Bảo tàng. Những mảnh xác máy bay đủ kiểu, đủ loại, các loại vũ khí, bom, mìn của bọn địch cũng được kịp thời đưa về bảo tàng để tố cáo tội ác man rợ của kẻ thù.

 

Hiện vật là nguồn tài sản vô giá, không thể đo đếm bằng giá trị vật chất đơn thuần mà là kết tinh của mồ hôi ,xương máu của quân và dân ta. Trong chiến tranh, Bảo tàng đã dồn toàn lực để di chuyển hàng chục tấn hiện vật lên nơi sơ tán ở Thái Nguyên, Phú Thọ, Hà Tây ... Dù ở trong những hang đá quanh năm ẩm thấp hay dưới những kho nửa chìm, nửa nổi , hiện vật vẫn được lau chùi, bảo quản chu đáo không mất mát, hư hỏng. Những người lính làm công việc kiểm kê, bảo quản, một công việc âm thầm, bền bỉ, như con ong tìm mật hiểu một cách sâu sắc rằng: Khối lượng hiện vật đồ sộ đó là một bộ phận quý giá di sản văn hoá dân tộc phải được lưu giữ đến muôn đời.

 

 

Là một cơ quan văn hoá, nằm ngay tại trung tâm của Thủ đô, Bảo tàng Quân đội luôn là một địa chỉ hấp dẫn đối với người xem trong và ngoài nước. Khi cả nước có chiến tranh, bảo tàng vẫn mở cửa phục vụ khách xem vừa xây dựng các bộ triển lãm lưu động đi phục vụ bộ đội, nhân dân trên miền Bắc, làm hàng nghìn bộ ảnh gửi đến các đơn vị đang chiến đấu và các nước xã hội chủ nghĩa để tuyên truyền. Bảo tàng nhạy bén tổ chức kịp thời các triển lãm “ Chiến thắng 5-8-1964” tại Vân Hồ ; triển lãm "Bãi tha ma xác máy bay Mỹ bị bắn rơi" tại động Thiên Tôn tỉnh Ninh Bình năm 1965, tham gia các cuộc triển lãm Nhà nước nhân các chiến thắng lớn và các ngày kỷ niệm trọng đại của dân tộc.

 

Hệ thống trưng bày từ 23 đề mục ban đầu tiếp tục được mở rộng bám sát diễn biến lịch sử về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc từ 1975 đến nay.

 

Trong những ngày máy bay Mỹ đánh phá ác liệt, cán bộ bảo tàng vừa lo bảo vệ an toàn tính mạng cho khách vừa lo bảo vệ an toàn hệ thống trưng bày và vừa bảo đảm chất lượng phục vụ tốt. Máy bay Mỹ bắn phá thì đưa khách xuống hầm trú ẩn. Máy bay Mỹ đi qua lại tiếp tục xem. Mỹ đánh phá ban ngày thì tổ chức cho khách xem ban đêm. Mặc dù mở cửa hạn chế nhưng trong kháng chiến chống Mỹ, Bảo tàng đã phục vụ gần 1 triệu lượt khách tham quan, trong đó có gần 10 nghìn lượt khách nước ngoài. Nhiều đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước, Mặt trận, Quân đội, nguyên thủ quốc gia các nước đến thăm Bảo tàng.

 

Ngày 4 tháng 12 năm 2002, Thủ tướng Phan Văn Khải ký quyết định đổi tên Viện Bảo tàng Quân đội thành Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam. Từ đó đến nay, Bảo tàng đã từng bước đổi mới theo hướng nâng cao toàn diện các mặt nghiệp vụ: đầu tư có chiều sâu, xây dựng chiến lược đăng ký kiểm kê,  bảo quản hiện vật. Kho hiện vật được xây dựng mới. Hiện vật từng bước được quản lý, khai thác bằng các thiết bị điện tử, tin học.

 

Bảo tàng đã xây dựng chiến lược sưu tầm .Phương hướng sưu tầm hiện vật theo chuyên đề, xây dựng các sưu tập hiện vật ngày càng hoàn chỉnh, bổ sung những mảng hiện vật còn trống vắng. Cho đến nay kho Bảo tàng đã có trên 16 vạn hiện vật. Đó  chính là một minh chứng hùng hồn về những chiến công bất hủ của dân tộc ta trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước từ thời đại Hùng Vương đến thời đại Hồ Chí Minh.

 

 

Những năm gần đây, công tác trưng bày, tuyên truyền có những bước chuyển biến đáng kể. Hệ thống trưng bày nhiều lần được đổi mới, nâng cao cả về quy mô, nội dung và hình thức. 10 năm gần đây, Bảo tàng đã xuất bản 30 đầu sách, tổ chức liên tiếp 70 cuộc triển lãm tại viện. Riêng hoạ sĩ Lê Duy ứng đã có hơn 40 triển lãm tranh, tượng của cá nhân ở trong và ngoài nước được người xem hoan nghênh.

 

Bảo tàng đã phối hợp với nhiều Quân khu, Quân đoàn, Sư đoàn tổ chức 130 địa điểm triển lãm lưu động, phục vụ hơn 50 vạn lượt người. Đề tài các cuộc triển lãm luôn được đổi mới, phù hợp với nhiệm vụ của Quân đội trong từng thời kỳ. Bên cạnh phần trưng bày lịch sử  Quân đội còn có phần giới thiệu về lịch sử đơn vị và địa phương với các hoạt động nóng hổi tính thời sự , kết hợp nhiều hình thức tuyên truyền khác như biểu diễn văn nghệ, chiếu phim, vì vậy đã thu hút đông đảo bộ đội và nhân dân đến xem.


Năm 1987, Tổng cục Chính trị quyết định thành lập Phân viện Bảo tàng Quân đội tại Điện Biên Phủ. Lực lượng cán bộ, nhân viên của đơn vị phải san sẻ, tăng cường cho phân viện, vừa phục vụ khách xem vừa tổ chức phục hồi, tôn tạo 13 điểm di tích chiến dịch Điện Biên Phủ.

 

Với chức năng là cơ quan đầu ngành nghiệp vụ, Đơn vị tham mưu cho Tổng cục Chính trị tổ chức liên tiếp hội nghị ngành Bảo tàng trong quân đội;  mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho hàng trăm cán bộ, nhân viên bảo tàng đơn vị ; tham gia giảng dạy một số chuyên đề tại các trường Đại học Văn hoá, Trường cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật Quân đội, tham gia xây dựng nhiều bảo tàng, nhà truyền thống trong toàn quân và một số địa phương.

 

Triển khai nhiệm vụ Bộ Quốc phòng và Tổng cục Chính trị giao, bảo tàng tổ chức nhiều đợt đưa nhân chứng lên Điện Biên Phủ xác định các điểm di tích quan trọng,  lập hồ sơ 4 di tích cách mạng khu A Bộ Quốc phòng, phục hồi 1 phần nhà D67 khu A Bộ Quốc phòng bàn giao cho thành phố Hà Nội đúng tiến độ ; tham gia phục hồi, tôn tạo di tích đường Hồ Chí Minh, hàng rào điện tử Mac-na-ma-ra, chiến khu D, khu ATK ở Định Hoá Thái Nguyên, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đúc tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

Trải qua 55 năm xây dựng, phát triển, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là Bảo tàng Quốc gia có số lượng hiện vật vào loại nhiều nhất (16 vạn) với nhiều sưu tập quý , có số lượng khách vào loại lớn nhất trong các bảo tàng (18 triệu, trong đó có gần 2 triệu lượt người nước ngoài của 150 quốc gia).

 

Những thành tựu mà Bảo tàng LSQS Việt Nam đạt được không tách rời sự quan tâm chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Chính phủ, Quân đội, trực tiếp là Tổng cục Chính trị, sự giúp đỡ và ủng hộ của Bộ Văn hoá Thông tin và Du lịch, các cơ quan trong và ngoài quân đội. Với những kết quả đạt được trong 55 năm qua, Bảo tàng LSQS Việt Nam đã được nhà nước, quân đội tặng thường nhiều huân chương và danh hiệu cao quí: Một Huân chương Quân công hạng hai, một Huân chương Chiến công hạng hai, hai Huân chương Chiến công hạng ba. Năm 2010, Bảo tàng được Nhà nước tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhì. Nhà nước Lào tặng một Huân chương Lao động hạng hai, một Huân chương Anh dũng hạng hai. Hàng trăm  cán bộ, nhân viên Bảo tàng được tặng thưởng Huân, Huy chương các loại. Nhiều năm liền Bảo tàng được Tổng cục Chính trị tặng danh hiệu “ Đơn vị Quyết thắng”.