Báo nước ngoài viết về thủ tướng tái cử của Việt Nam

07:42, 27/07/2011

Các hãng thông tấn lớn trên thế giới đều chờ đợi và rồi nhanh chóng loan tin ông Nguyễn Tấn Dũng tái cử chức Thủ tướng Việt Nam.  


Dưới đây là trích bình luận của các hãng tin về sự kiện này:

 

Tân Hoa xã, Trung Quốc:

 

"Kỳ họp quốc hội khóa 13, cơ quan lập pháp cao nhất của Việt Nam, đã tái bầu ông Nguyễn Tấn Dũng làm Thủ tướng.

 

Có 94% trong số 500 đại biểu quốc hội bỏ phiếu tán thành ông Dũng, ủy viên Bộ Chính trị thuộc Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam".

 

Thông tấn Pháp AFP:

 

"Được xem như một nhà quản trị sắc bén và hiện đại hóa đảng Cộng sản Việt Nam, ... ông Dũng, 61 tuổi, cựu thống đốc ngân hàng trung ương đã thu hút giới tinh hoa kinh doanh và chèo lái Việt Nam theo hướng cởi mở kinh tế.

 

... Ông Nguyễn Tấn Dũng của Việt Nam là chính trị gia hiện đại đầu tiên, xét trong hoàn cảnh châu Á", Benoit de Treglode, chuyên gia nghiên cứu Việt Nam thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á đương đại ở Bangkok, bình luận. De Treglode nhận xét rằng ông Dũng là một hình mẫu kiểu như Lý Quang Diệu của Singapore, người đã hiện đại hóa Singapore.

 

De Treglode cho rằng ông Dũng thành công trong việc thu hút giới doanh nhân về phía mình, và có khả năng truyền thông với thế giới tốt hơn thế hệ trước. Trong nhiệm kỳ đầu của ông Dũng, Việt Nam đã gia nhập WTO, cũng như củng cố quan hệ kinh tế và thương mại với Mỹ.

 

Thông tấn Mỹ AP:

 

"Thủ tướng Việt Nam tái cử nhiệm kỳ hai trong khó khăn kinh tế.

 

"Ông Dũng, 61 tuổi, từng là thống đốc ngân hàng trung ương và vẫn được coi là người cải cách. Trong thời gian ông tại nhiệm kỳ một, kinh tế Việt Nam chịu nhiều khó khăn. Nước này đang vất vả chống nhập siêu và thâm hụt ngân sách, trong khi tỷ lệ lạm phát hai con số đang đánh vào người nghèo do giá cả thực phẩm tăng".

 

Bloomberg, Mỹ:

 

"Đảng đã lựa chọn duy trì ổn định" với việc chọn ông Dũng làm thủ tướng, ông Raymond Burghardt, cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam và hiện là giám đốc các chương trình hội thảo của Trung tâm Đông - Tây ở Hawaii, nói. "Giữ ổn định ban lãnh đạo sẽ giúp tránh những hệ quả khó đoán trước, nhưng cũng đồng nghĩa với việc họ đặt niềm tin vào cách tiếp cận sẽ mang lại ưu đãi cho các công ty quốc doanh.

 

"Hồi tháng hai, ông Dũng đã thông qua nghị quyết thắt chặt tiền tệ và tài chính, giảm tỷ lệ tín dụng xuống dưới 20% và cắt giảm thâm hụt ngân sách.

 

"Việc ông ấy thực thi những bước đi có thể không được lòng nhiều người lại chính là một dấu hiệu tích cực", Matt Hildebrandt, nhà nghiên cứu kinh tế của JP Morgan Chase & Co., nhận xét. "Vấn đề bây giờ là liệu ông ấy có quyết tâm sử dụng uy tín của mình để đưa ra những quyết định khó khăn nhằm giảm tốc độ lạm phát và lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư hay không?".