TNĐT- Ngày 1-8-1930, Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam đã cho xuất bản tài liệu “Ngày Quốc tế đỏ 1-8”.
Căn cứ vào những tài liệu và sự kiện lịch sử có ý nghĩa đặc biệt này, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá X) quyết định lấy ngày 1-8 hằng năm làm Ngày Truyền thống công tác Tuyên giáo của Đảng. Nhân kỷ niệm 81 năm Ngày truyền thống công tác Tuyên giáo của Đảng, TNĐT xin giới thiệu ý kiến của đồng chí Lê Quang Dực, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xung quanh lĩnh vực này.
Phóng viên: Xin đồng chí cho biết ý nghĩa lịch sử của Ngày truyền thống công tác Tuyên giáo của Đảng?
Đồng chí Lê Quang Dực: Cách đây 81 năm, ngày 1-8-1930, nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Đỏ 1-8, Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam đã cho xuất bản tài liệu "Tuyên truyền đại cương Ngày Quốc tế Đỏ Mồng Một Tháng Tám". Qua tài liệu cho thấy, công tác tuyên truyền cổ động đã được Đảng Cộng sản Việt Nam chú trọng và đã hình thành cơ quan chuyên trách của Đảng về lĩnh vực tư tưởng. Đây là tài liệu sớm nhất và duy nhất còn lưu lại cho đến nay đề rõ “Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam ấn hành”. Tài liệu này khi vừa được phát hành đã gây được dư luận lớn trong xã hội đương thời và có sức cổ vũ to lớn đối với quần chúng công nông nước ta đứng lên đấu tranh chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ Liên bang Xô viết, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc.
Xuất phát từ sự kiện có ý nghĩa chính trị to lớn trên, Bộ Chính trị Trung ương Đảng (khóa VIII) đã quyết định lấy ngày 1-8 hằng năm làm Ngày truyền thống Ngành công tác tư tưởng, văn hoá của Đảng. Năm 2007, sau khi Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương và Ban Khoa giáo Trung ương hợp nhất thành Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá X) quyết định lấy ngày 1-8 hằng năm làm Ngày truyền thống công tác tuyên giáo của Đảng.
Dù tên gọi có khác nhau nhưng hơn 8 thập kỷ qua, hệ thống tuyên giáo cả nước nói chung đã thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu với Ban Chấp hành Trung ương, với các cấp uỷ Đảng trong công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, về chủ trương, quan điểm và chính sách của Đảng trong lĩnh vực tuyên truyền, báo chí, xuất bản, văn hoá, văn nghệ, y tế, giáo dục - đào tạo và một số lĩnh vực xã hội; đồng thời là cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ về các lĩnh vực công tác này của Đảng.
Ở Thái Nguyên, bộ phận giúp việc cho cấp uỷ về công tác tư tưởng đã sớm hình thành và có nhiều hoạt động thiết thực. Theo yêu cầu thực tiễn của cách mạng, ngày 2-8-1960, Tỉnh uỷ Thái Nguyên đã ra nghị quyết thành lập Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ với 3 bộ phận: Tuyên truyền, Huấn học và Văn phòng tổng hợp. Năm 1969, hình thành thêm bộ phận Khoa giáo. Ngày 23-9-1987, Tỉnh uỷ Bắc Thái ban hành Quyết định số 278-QĐ/TU sáp nhập Tổ Nghiên cứu lịch sử Đảng (trước đó là Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng trực thuộc Tỉnh uỷ, được thành lập từ năm 1962) vào Ban Tuyên giáo. Thực hiện Quyết định số 1053-QĐ/TU, ngày 30-12-2008 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ "Về việc ban hành Quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và mối quan hệ công tác của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ", bộ máy tổ chức của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đã được kiện toàn, gồm Văn phòng Ban và 6 phòng chuyên môn là: Tuyên truyền, Giáo dục lý luận chính trị, Khoa giáo, Lịch sử Đảng, Thông tin công tác tuyên giáo, Văn hoá văn nghệ.
Phóng viên: Công tác tư tưởng, lý luận có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc góp phần giải quyết những vấn đề kinh tế - xã hội bức xúc, chống chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội, thực dụng, chặn đà suy thoái về đạo đức lối sống. Đồng chí có đánh giá gì về công tác này trên địa bàn tỉnh ta thời gian qua?
Đồng chí Lê Quang Dực: Một trong 6 nhiệm vụ chủ yếu của công tác tư tưởng, lý luận trong tình hình mới được nêu trong Kết luận Hội nghị Trung ương lần thứ 12, khoá IX là “công tác tư tưởng, lý luận phải góp phần giải quyết những vấn đề kinh tế xã hội bức xúc, chống chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội, thực dụng, chặn đà suy thoái về đạo đức, lối sống”. Thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đã chỉ đạo hệ thống tuyên giáo các cấp, các cơ quan thông tin đại chúng, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên từ tỉnh tới cơ sở tập trung tuyên truyền thực hiện có hiệu quả Kết luận số 02-KL/TW của Bộ Chính trị (Khoá XI) về tình hình kinh tế - xã hội năm 2011, Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị (Khoá XI) về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với cuộc đấu tranh chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kịp thời phát hiện và biểu dương những việc làm tốt, những tấm gương người tốt trong cuộc sống hàng ngày...
Trong thời gian qua, Ban Tuyên giáo các cấp đã chủ động nắm bắt diễn biến tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ tổ chức thường xuyên các cuộc điều tra dư luận xã hội, phát hiện, tổng hợp kịp thời và đề xuất hướng khắc phục, giải quyết những vấn đề mới phát sinh trong diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân. Ban đã coi trọng khai thác, sử dụng nhiều kênh thông tin, nhiều hình thức thông tin, tuyên truyền như đài, báo, trang tin điện tử, cuốn “Thông tin nội bộ”, hệ thống báo cáo viên...; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các ngành, các đơn vị chức năng để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động tới đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng. Hệ thống tuyên giáo trong toàn tỉnh tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt phương châm: "Đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động; nhân cái đẹp, dẹp cái xấu; lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực". Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này, trong thời gian tới cần xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện tốt Quy chế số 221 của Ban Bí thư Trung ương (khoá X) về việc phối hợp giữa Ban Tuyên giáo các cấp với cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp trong việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân.
Phóng viên: Năm 2011 là năm đầu tiên triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, theo đồng chí Ban Tuyên giáo các cấp cần làm gì để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị về chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, tạo sự thống nhất cao hơn trong Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân nhằm đưa nghị quyết vào cuộc sống?
Đồng chí Lê Quang Dực: Thực hiện Chỉ thị 01-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng; Kế hoạch số 01-KH/TU của Tỉnh uỷ Thái Nguyên về việc học tập, quán triệt, tuyên truyền và tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XVIII, thời gian qua các cấp uỷ Đảng trong toàn tỉnh đã và đang triển khai nghiên cứu, học tập đồng thời xây dựng chương trình hành động nhằm sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ, theo tôi trước hết cần kiện toàn tổ chức bộ máy tuyên giáo các cấp vì sau đại hội Đảng đội ngũ cán bộ có nhiều biến động, có đảng bộ nhiều năm nay chưa kiện toàn được tổ chức bộ máy của Ban Tuyên giáo. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới việc tham mưu cho cấp uỷ trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác tư tưởng, lý luận; nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị về chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh. Cùng với việc kiện toàn tổ chức bộ máy, cần tăng cường bồi dưỡng, nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp. Qua đó, tăng cường nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện đạo đức, lối sống cho cán bộ đảng viên; đẩy mạnh công tác phối hợp liên ngành trong thực hiện nhiệm vụ công tác tuyên giáo... Tin tưởng rằng, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, được sự ủng hộ tích cực của nhân dân, tỉnh ta sẽ hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, năm 2011, tạo tiền đề thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII.