Ngày mai (21-7) Khai mạc kỳ họp thứ nhất, quốc hội khóa XIII

07:40, 20/07/2011

Ngoài công tác tổ chức và nhân sự, Quốc hội còn xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội.

Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII sẽ khai mạc tại Hà Nội vào ngày 21-7 và bế mạc vào 6-8-2011.

 

Tại kỳ họp này, Quốc hội tập trung và dành nhiều thời gian cho việc xem xét, quyết định về công tác tổ chức và nhân sự. Đây là thông tin được Văn phòng Quốc hội đưa ra tại buổi họp báo công bố chương trình Kỳ họp diễn ra chiều 19/7, tại Hà Nội.

 

Tại kỳ họp thứ nhất này, Quốc hội sẽ nghe báo cáo của Hội đồng bầu cử về kết quả cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016; báo cáo của MTTQ Việt Nam về tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước trong cuộc bầu cử. Đặc biệt, Quốc hội sẽ tập trung và dành 11 ngày cho việc xem xét, quyết định về công tác tổ chức và nhân sự.

 

Tại kỳ họp này, Quốc hội tiến hành bầu các chức danh lãnh đạo cấp cao của các cơ quan Nhà nước, gồm: Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ; bầu Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước; phê chuẩn các thành viên Chính phủ…

 

 

Ngoài công tác tổ chức và nhân sự, Quốc hội còn xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác như: nghe, thảo luận về tình hình thực hiện và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước 6 tháng cuối năm 2011; phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2009; xem xét thông qua Nghị quyết về việc miễn, giảm, giãn thuế trong năm 2011, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012; thông qua Nghị quyết về chủ trương sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992 và thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Đồng thời, Quốc hội cũng nghe báo cáo tình hình biển Đông thời gian gần đây…

 

Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của các phóng viên về công tác chuẩn bị cho việc bầu các chức danh lãnh đạo cấp cao của các cơ quan Nhà nước, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn nêu rõ: “Quốc hội họp nhiều nội dung, nhưng trong đó có nội dung được dư luận trong và ngoài nước rất quan tâm. Đó là quyết định công tác nhân sự cấp cao: bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ... Những người được giới thiệu là những người có quá trình rèn luyện lâu dài, có đủ đức-tài để phục vụ Nhà nước và nhân dân, đặc biệt đã trải qua quá trình sàng lọc qua nhiều chức vụ khác nhau. Những đại biểu Quốc hội sẽ đại diện cho quyền lợi nhân dân, cầm lá phiếu bầu ra những người đủ đức – tài vào chức danh chủ chốt, cao cấp trong các cơ quan Nhà nước”.

 

Một nội dung quan trọng được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp lần này là chủ trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

 

Về vấn đề này, ông Trần Đình Đàn cho biết: “Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp là công việc rất khó và hệ trọng, phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, gắn với Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa Xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011)… Nội dung và phạm vi sửa đổi sẽ được các đại biểu Quốc hội trao đổi, thảo luận và quyết định”.

 

Tham dự kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII có 500 đại biểu Quốc hội, trong đó 2/3 đại biểu mới trúng cử lần đầu. Điều này khiến không ít phóng viên báo chí đặt câu hỏi về kinh nghiệm và chất lượng tham gia quyết định những vấn đề hệ trọng của đất nước tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa mới.

 

Giải đáp băn khoăn này, ông Trần Đình Đàn khẳng định: “Các đại biểu Quốc hội tuy lần đầu trúng cử nhưng đã được gắn với chất lượng ngay từ đầu, được khẳng định tài năng qua nhiều vòng hiệp thương và nhân dân tín nhiệm bầu cử. Các vị đại biểu đều có kiến thức, kinh nghiệm, hiểu biết về Quốc hội và nhân dân. Bên cạnh đó, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức 3 lớp tập huấn cho đại biểu Quốc hội mới trúng cử tại 3 miền đất nước, cung cấp những hiểu biết về Quốc hội, chương trình xây dựng luật và một số kỹ năng hoạt động như: tiếp xúc cử tri, chất vấn tại nghị trường, thảo luận tại tổ...”./.