Chiều 25-7, với 487 phiếu tán thành (chiếm 97,4%), Quốc hội đã bầu ông Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư giữ chức Chủ tịch nước.
Phát biểu sau khi được Quốc hội bầu, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bày tỏ đây là vinh dự lớn, cũng là trách nhiệm nặng nề mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin cậy giao phó.
“Tôi xin hứa với Quốc hội, đồng bào, đồng chí nguyện đem hết sức mình phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch nước được Hiến pháp và pháp luật quy định; không ngừng học tập, nâng cao trình độ, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định.
Chủ tịch nước cũng cho biết, sẽ phối hợp và cộng tác chặt chẽ với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ngành, các cấp, nghiêm túc lắng nghe, tiếp thu ý kiến, nguyện vọng của nhân dân và mong muốn nhận được sự giúp đỡ của cả hệ thống chính trị để hoàn thành trọng trách được giao.
Trên cương vị công tác của mình, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết sẽ tập trung vào những nhiệm vụ lớn, cụ thể là xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN trong sạch, vững mạnh, thật sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, quản lý có hiệu lực, hiệu quả cao; sửa đổi, bổ sung Hiếp pháp năm 1992; nâng cao chất lượng xây dựng và thực thi pháp luật. Phát huy dân chủ, thực hiện đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân trong mọi lĩnh vực của đất nước; đồng thời tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy Nhà nước và xã hội; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực và phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới; đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính, cải cách tư pháp, đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí; bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức và công nhân.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức; tập trung phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường đồng bộ với phát triển kinh tế, đặc biệt là giải quyết các vấn đề gây bức xúc xã hội trong các lĩnh vực này. Quan tâm giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo bền vững, đổi mới chính sách phân phối, tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; chăm lo củng cố quốc phòng và an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân; củng cố, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng, xóa bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần giai cấp, đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết các giai cấp, tầng lớp xã hội, đồng bào các dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Ngay sau đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đọc Tờ trình về việc giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện KSNDTC.
Theo đó, Chủ tịch nước giới thiệu và đề nghị Quốc hội bầu bà Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch nước nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII giữ chức Phó Chủ tịch nước, nhiệm kỳ khóa XIII, giới thiệu và đề nghị Quốc hội bầu ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Chính phủ khóa XII giữ chức vụ Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, bầu ông Trương Hòa Bình Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII giữ chức Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, bầu ông Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi giữ chức Viện trưởng Viện KSNDTC.
Tóm tắt tiểu sử Chủ tịch nước Trương Tấn Sang
Họ và tên khai sinh: TRƯƠNG TẤN SANG Nam
Họ và tên thường gọi: Trương Tấn Sang
Sinh ngày 21 tháng 01 năm 1949.
Quê quán: xã Mỹ Hạnh, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.
Nơi ở hiện nay: Số 51 Phan Đình Phùng, Ba Đình, Hà Nội.
Số chứng minh thư nhân dân: 020173181
Dân tộc: Kinh Tôn giáo: Không
Trình độ chuyên môn: Cử nhân luật
Nghề nghiệp, chức vụ: Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Ngày vào Đảng Cộng sản Việt Nam: 20-12-1969, Ngày chính thức: 20-12-1970
Trình độ học vấn: Cử nhân
Lý luận chính trị: Cao cấp
Ngoại ngữ: Tiếng Anh (B)
Tình trạng sức khỏa: Bình thường
Khen thưởng: Huân chương Kháng chiến hạng Ba
Kỷ luật: Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định khiển trách (2003)
Là đại biểu Quốc hội khóa: IX, X, XI, XIII.
TÓM TẮT QUÁ TRÌNH CÔNG TÁC
- 1966- 1968: Tổ trưởng thanh niên, xây dựng cơ sở mật trong sinh viên, học sinh (PK2)
- 1969- 1971: Đảng ủy viên, Bí thư Đoàn Thanh niên, phụ trách Đội võ trang mật thị trấn Đức Hòa (Long An)
- 1971- 1973: Bị địch bắt, bị giam giữ ở nhà tù Biên Hòa, Phú Quốc. Đến năm 1973, được trao trả theo Hiệp định Pa-ri
- 1973- 4/1975: Cán bộ tổ chức Ban T.72 thuộc Ủy ban thống nhất Trung ương
- 4/1975- 10/1978: Cán bộ Công đoàn Gia Định, Phó ban Xây dựng kinh tế mới thành phố, Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh các nông trường và Khu kinh tế mới Thành phố Hồ Chí Minh
- 1979- 8/1983: Huyện ủy viên, Giám đốc Nông trường Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh, Thành ủy viên dự khuyết
- 1983- 1986: Giám đốc Sở Lâm nghiệp, Thành ủy viên phụ trách lực lượng thanh niên xung phong và Ban Kinh tế mới Thành phố Hồ Chí Minh
- 1986- 1988: Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Huyện ủy Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh.
- 1988- 1990: Đi học Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc Trung ương (Hà Nội)
- 1990- 1991: Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Giám đốc Sở Nông nghiệp
- 1991- 1992: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh
- 1992- 1996: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh
- 1996- 01/2000: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh
- 01/2000- 2006: Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương
- 2006 đến nay: Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư