Bộ đội Biên phòng: Đơn giản hóa thủ tục hành chính cảng biển

08:28, 27/08/2011

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, cảng biển giữ vai trò quan trọng trong giao lưu, thông thương hàng hóa giữa Việt Nam và các quốc gia khác. Bởi vậy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) xác định cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC) là yếu tố quan trọng tạo sự thông thoáng cho công tác quản lý, kiểm soát xuất nhập cảnh nói riêng và hoạt động vận tải biển nói chung, góp phần tích cực thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế đất nước.

Cải cách để hội nhập

 

Hiện nay, Cục Cửa khẩu, Bộ Tư lệnh BĐBP được giao bảo đảm an ninh trật tự, quản lý 30 khu vực cửa khẩu cảng thuộc 24 tỉnh, thành phố với 105 cảng. Theo thống kê, hằng năm có từ 5 đến 6 triệu lượt người xuất nhập cảnh, 500 đến 600 nghìn lượt phương tiện tàu của nước ngoài đến Việt Nam. Để tạo sự thông thoáng trong công tác quản lý, kiểm soát xuất nhập cảnh, từ năm 2005 đến nay, BĐBP đã từng bước cải tiến quy trình, thủ tục, ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện khai báo thủ tục biên phòng qua thư điện tử tại 7 đơn vị biên phòng cửa khẩu cảng là Hòn Gai, Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn, Sài Gòn, Vũng Tàu. Đây là 7 cửa khẩu có lưu lượng hàng hóa lớn nhất trong số 30 khu vực cảng biển mà BĐBP quản lý.

 

Đặc biệt, năm 2006, khi Việt Nam tham gia Công ước FAL 65 về tạo thuận lợi trong giao thông hàng hải quốc tế nhằm đơn giản hóa, giảm thiểu các thủ tục, quy trình, yêu cầu về giấy tờ liên quan tới việc đến, lưu lại và rời cảng của tàu thuyền thì công tác CCTTHC tại các cửa khẩu cảng lại càng được chú trọng. Các loại giấy tờ mà người làm thủ tục tại cửa khẩu cảng phải nộp cho BĐBP đã giảm từ 9 loại xuống còn 5 loại, những thủ tục rườm rà, chồng chéo trong lĩnh vực kiểm soát xuất nhập khẩu được loại bỏ nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, công khai, minh bạch của TTHC. Nếu như trước đây rất khó xác định thời gian để hoàn tất thủ tục thì việc cải tiến đã rút ngắn xuống còn 30-60 phút mỗi tàu. Hiện tàu đến cảng chỉ nộp 9 loại giấy tờ (so với trước kia là 36 loại), xuất trình 11 loại (trước là 27 loại), đối với tàu cảng nộp 6 loại (trước là 17 loại)… Qua đó tạo điều kiện nhanh chóng, thuận lợi cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp trong tiếp cận và thực hiện TTHC; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của BĐBP tại cửa khẩu cảng biển, phù hợp với tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế.

 

Khai báo thủ tục biên phòng điện tử - bước đột phá mới

 

Việc thực hiện khai báo thủ tục biên phòng qua thư điện tử của BĐBP tại các cửa khẩu từ năm 2005 với những bước chuẩn bị cơ bản về đội ngũ cán bộ, trang thiết bị, quy trình là tiền đề cho việc thực hiện TTBPĐT (một bước nâng cao của khai báo qua thư điện tử) vào cuối năm nay. Đại tá Lê Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cửa khẩu, Bộ Tư lệnh BĐBP cho biết: "Chúng tôi đang hoàn thành những phần việc cuối cùng để triển khai thí điểm TTBPĐT tại 7 cảng biển trong cả nước. Khi áp dụng TTBPĐT, người làm thủ tục cần phải gửi tờ khai 8 giờ trước khi tàu cập cảng, còn đơn vị BĐBP cửa khẩu sẽ phải trả kết quả trong vòng 1 giờ sau khi nhận được khai báo. Như vậy, trước khi tàu cập cảng tất cả các thủ tục đã hoàn thành và sẽ tiết kiệm được từ 7 đến 10 giờ đồng hồ so với thời gian làm thủ tục trước đây. Đây là con số có ý nghĩa đối với tàu chở hàng bởi tiết kiệm thời gian tức là giúp chủ tàu tiết kiệm được chi phí đi lại, chi phí cầu bến neo đậu, hao mòn máy móc, phương tiện…". TTBPĐT còn góp phần đẩy nhanh tiến độ xếp dỡ hàng hóa tại cảng biển, tránh ách tắc, lãng phí cho cả tàu lẫn hàng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cảng khai thác hiệu quả năng lực cảng biển phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế đất nước. Hiện tại ở các cửa khẩu này có khoảng 75-80% doanh nghiệp thường xuyên có tàu hàng đã đăng ký để được sử dụng TTBPĐT.

 

Thượng tá Võ Văn Tâm, Trưởng phòng Cửa khẩu cảng, Cục Cửa khẩu, Bộ Tư lệnh BĐBP cho biết thêm: Thủ tướng Chính phủ cho phép BĐBP triển khai thí điểm TTBPĐT trong 2 năm (từ tháng 9-2011 đến tháng 6-2013), lộ trình thí điểm được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 chuẩn bị và khai trương thí điểm, giai đoạn 2 là củng cố các quy trình thực hiện. Trong quý IV- 2011, 7 đơn vị cửa khẩu cảng biển sẽ chính thức đưa hệ thống thí điểm vào hoạt động để các doanh nghiệp và chủ tàu có thể sử dụng. Khi chủ trương trên được thực hiện rộng khắp, đây sẽ là một bước CCTTHC mới, tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp, các chủ tàu tại cảng biển.