Những kinh nghiệm trong buổi đầu đầu lập nước ấy đang được kế thừa và phát huy trong quá trình hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN theo đường lối của Đảng.
Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng Cộng sản Việt Nam dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa dân tộc Việt Nam từ thân phận nô lệ rũ bùn đứng dậy làm chủ nhân đất nước. Dẫu buổi đầu đầy cam go thách thức nhưng người dân Việt Nam đã tự tay thực hiện quyền làm chủ, cầm lá phiếu bầu nên Quốc hội, chọn những người ưu tú nhất vào bộ máy nhà nước để lãnh đạo nhân dân chống thù trong giặc ngoài giữ vững nền độc lập. Những kinh nghiệm trong buổi đầu đầu lập nước ấy đang được kế thừa và phát huy trong quá trình hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN theo đường lối của Đảng.
Năm nay đã vào tuổi 93, Giáo sư Lưu Văn Đạt, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam dường như gắn trọn đời mình với sự nghiệp cách mạng mà ông đã nhiệt tình tham gia từ những năm đầu của cuộc kháng chiến kiến quốc. Mấy mươi năm công tác, dù ở cương vị nào, Giáo sư Lưu Văn Đạt cũng thể hiện sự uyên bác của một chuyên gia về pháp luật. Việc ra đời một nhà nước dân chủ ngay sau khi lật đổ ách thống trị thực dân phong kiến là một thành công vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên cương vị người cầm lái con thuyền cách mạng. Chính Người đã đặt những viên gạch đầu tiên cho đường lối xây dựng nhà nước pháp quyền khi giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc. Bằng mục tiêu trong sáng, bằng uy tín, tài năng, đạo đức và tinh thần quyết tâm “dù có đốt cháy cả dải Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại một di sản quí giá về tình thần đoàn kết, hòa hợp dân tộc trong quá trình xây dựng nhà nước cách mạng.
Giáo sư Lưu Văn Đạt chia sẻ: “Điều mà tôi tâm đắc nhất là tinh thần đại đoàn kết dân tộc, trọng nhân tài của Hồ Chủ tịch. Bác nói là ai có tâm huyết thì Bác sẵn sàng tiếp nhận để làm việc cho đất nước. Lúc bấy giờ Đảng viên có bao nhiêu đâu, những người ngoài Đảng thì rất đông. Nhưng những người ngoài Đảng đều là những người ủng hộ Việt Minh, ủng hộ Đảng và Hồ Chủ tịch. Hầu hết trí thức lúc bấy giờ đều đứng dưới lá cờ của Hồ Chủ tịch, sẵn sàng làm mọi việc giúp ích cho đất nước”.
Nhờ vậy mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây dựng được một chính phủ đủ sức lãnh đạo công cuộc kháng chiến kiến quốc thành công. Những trí thức phong kiến như Phạm Khắc Hòe, Huỳnh Thúc Kháng, Bùi Bằng Đoàn… rồi những trí thức mới như Vũ Đình Hòe, Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Minh Giám, Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa, Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng... đều là nhân tài Việt Nam được đào tạo ở nước ngoài cũng trở về góp sức xây dựng đất nước.
Giáo sư Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng - Học viện Chính trị hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh phân tích: Thắng lợi lớn nhất, triệt để nhất của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là đánh đổ chế độ nô lệ, xây dựng nhà nước kiểu mới, nhà nước do dân và vì dân. Cuộc bầu cử Quốc hội tháng 1/1946 và sau đó là thành lập chính phủ liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu là một bước đi có tính chiến lược, thể hiện sự tài ba của Bác. Bài học lớn trong xây dựng nhà nước của cuộc Cách mạng tháng Tám là sự thay đổi bản chất nhà nước. Nói như Bác Hồ là: “Nhà nước ấy không phải để đè đầu cưỡi cổ dân như chế độ thực dân phong kiến, mà bộ máy chính phủ từ trung ương đến địa phương phải là công bộc của dân, phục vụ nhân dân”.
Theo Giáo sư Nguyễn Trọng Phúc, tư tưởng xây dựng nhà nước pháp quyền đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nói đến khi Người gửi bảng yêu sách 8 điều đến Hội nghị Versaill xây năm 1919. “Tám điểm yêu sách, đầu tiên Cụ chú ý vấn đề pháp luật, trong đó có một câu là “trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Trong tác phẩm Đường Cách Mệnh thì Cụ lại nói là cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều. Đấy chính là quyền làm chủ, quyền lợi, quyền lực. Cuộc bầu cử tháng Giêng năm 46 để khẳng định cơ sở pháp lý của nhà nước. Nhà nước này là Nhà nước hợp hiến, hợp pháp, do dân cử, xác định không những cơ sở thực tế mà còn là cơ sở pháp lý của Nhà nước trong đối nội và đối ngoại” - Giáo sư Nguyễn Trọng Phúc nói.
Phó Giáo sư Sử học Lê Mậu Hãn cho rằng thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã khẳng định tư thế của một dân tộc khát khao tự do, một quốc gia khát khao độc lập. Cả đời bôn ba tìm đường cứu nước, lãnh đạo cách mạng thành công đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ là để thực hiện cho được hoài bão xây dựng một nhà nước của dân, do dân và vì dân. Tư tưởng ấy là bài học rất quí. Phó Giáo sư Lê Mậu Hãn cho rằng: “Thắng lợi đó là thắng lợi của tư tưởng nhà nước pháp quyền của Hồ Chí Minh mà Đảng tổ chức lãnh đạo. Và trong cuộc bầu cử đó toàn dân có quyền ứng cử và bầu cử. Cho nên đó là thắng lợi của tư tưởng dân tộc bình đẳng, dân chủ và đại đoàn kết. Đó là một bài học kinh nghiệm có giá trị đặc biệt khi hiện nay đặt vấn đề phải tích cực phát huy quyền dân chủ tự do cho nhân dân để thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới đang tiến lên trong điều kiện khó khăn”.
Theo Giáo sư Lưu Văn Đạt, để xây dựng nhà nước pháp quyền vững mạnh, không phải ở luật pháp - tức pháp trị, mà cái chính là đạo đức của người cán bộ cách mạng - tức đức trị. Tính vì dân của nhà nước phải được thể hiện bằng những việc hết sức cụ thể: “Có một phương châm Hồ Chủ tịch đề ra là cái gì có lợi cho dân thì hết sức làm, cái gì có hại cho dân thì hết sức tránh. Điều này Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong kỳ nhậm chức cũng đã nhắc lại. Tôi nghĩ rằng nếu như tất cả công chức viên chức của nhà nước, các nhà lãnh đạo luôn suy nghĩ đến phương châm đó chắc chắn là nhà nước pháp quyền của chúng ta sẽ thực sự là của dân, do dân và vì dân. Bởi vì cuối cùng là vì dân, vì dân là vì lợi ích của nhân dân, cái gì có lợi cho nhân dân thì làm”.
Nghị quyết Đại hội toàn quốc của Đảng lần thứ XI xác định: Không ngừng hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân. Việc nhanh chóng tổ chức bầu cử Quốc hội khóa XIII và hoàn thiện bộ máy nhà nước vừa qua đã thể hiện quyết tâm ấy của toàn Đảng toàn dân ta.
Đất nước đang kỳ vọng ở đường lối đổi mới của Đảng, vào quyết tâm của Chính phủ nói không với nạn quan liêu tham nhũng, quyết tâm xây dựng bộ máy công quyền hết lòng phục vụ dân, để nhà nước ta thực sự là nhà nước pháp quyền, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, vì nhân dân mà phục vụ.