Đại biểu 5 châu dự Hội nghị quốc tế nạn nhân dioxin

07:40, 09/08/2011

Hội nghị quốc tế nạn nhân chất độc da cam lần thứ 2 ở Việt Nam đã khai mạc ngày 8/8, tại Hà Nội, với sự tham dự của 100 đại biểu thuộc 30 tổ chức đến từ 25 quốc gia, vùng lãnh thổ ở khắp 5 châu lục.

Hội nghị này là một hoạt động thiết thực do Hội Nạn nhân chất độc da cam/đioxin Việt Nam tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam ở Việt Nam.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gửi lẵng hoa chúc mừng hội nghị. Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch danh dự Hội Nạn nhân chất độc da cam/đioxin Việt Nam đã tới dự hội nghị cùng nhiều nạn nhân Việt Nam. Đến dự còn có sự hiện diện của nhiều vị Đại sứ, đại diện các Đại sứ quán ở Việt Nam; các nhà khoa học, người hoạt động xã hội, đại diện các tổ chức quốc tế...

 

Hội nghị quốc tế lần thứ 2 này, các đại biểu sẽ được nghe phát biểu của các nhà khoa học, luật sư, nạn nhân của chiến tranh hóa học, nạn nhân da cam, nạn nhân các sự cố khảm khốc xảy ra trong thập kỷ qua, các nhà hoạt động xã hội giúp đỡ các nạn nhân. Họ đến hội nghị chia sẻ kinh nghiệm, hành động cần thống nhất để giúp các nạn nhân, đặc biệt là nạn nhân chất độc da cam vượt qua nỗi đau.

 

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam Nguyễn Văn Rinh nhấn mạnh: Việc giải quyết chất vấn đề chất độc da cam ngày nay gắn với nguyện vọng của toàn thế giới mong muốn được sống trong môi trường lành mạnh; không chỉ là vấn đề công lý còn là vấn đề nhân đạo; hòa giải và phát triển quan hệ giữa các dân tộc có quá khứ liên quan đến chiến tranh. Nhiều vết thương chiến tranh đã được hàn gắn cho cả Việt Nam lẫn Hoa Kỳ, song nỗi đau da cam rất dai dẳng.

 

Mỗi ngày qua đi, lại có thêm nhiều nạn nhân qua đời, ốm đau, nghèo đói, tuyệt vọng với những người phơi nhiễm trực tiếp mà còn với những đứa trẻ vô tội sinh ra sau chiến tranh. Không chỉ có nạn nhân Việt Nam mà còn có hàng triệu nạn nhân ở nhiều nước khác trên thế giới phải gánh chịu hậu quả này.

 

Họ là cựu binh Hoa Kỳ, Australia, New Zealand, Hàn Quốc trực tiếp tham chiến; người dân vô tội ở Lào, Campuchia, Thái Lan sống gần biên giới Việt Nam; người dân Canada, châu Mỹ Latinh, các nước châu Âu, châu Á sống gần, làm thuê tại những nơi sản xuất chất da cam, thí nghiệm, tàng trữ hoặc phục vụ cho chiến tranh ở Việt Nam. Với các nạn nhân Việt Nam, thời gian chờ đợi 50 năm đã là quá lâu, tất cả chúng ta cần hành động ngay.

 

Đây là cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới. Điều này khẳng định bằng hoạt động của hàng loạt các tổ chức vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam ra đời, hoạt động hiệu quả, hỗ trợ cả vật chất, tinh thần và cả vụ kiện mà các nạn nhân đang tiến hành. Nhân dân Việt Nam, đặc biệt là các nạn nhân rất trân trọng, đánh giá cao sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế trong vấn đề da cam.

 

Chính phủ Việt Nam với sự giúp đỡ của một số tổ chức quốc tế đã xây dựng được 17 trung tâm điều dưỡng, phục hồi chức năng cho các nạn nhân trong cả nước (được gọi là các làng Hòa Bình, làng Hữu Nghị), cơ sở bán trú và hàng chục trung tâm khác đang được tiếp tục xây dựng.

 

Ngay trong hội nghị này, các đại biểu đều lên tiếng ủng hộ Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam tiếp tục hành trình giành công lý chính đáng cho các nạn nhân.

 

Bà Jeanne Mirer, Chủ tịch Hội Luật gia dân chủ quốc tế, đồng Điều phối Ban vận động cứu trợ, trách nhiệm chất độc da cam Việt Nam khẳng định rằng, các nạn nhân chất độc da cam đã đi đầu trong đấu tranh giành công lý và quyền được bồi thường cho bản thân họ. Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam với hàng trăm ngàn hội viên đủ nói lên sức mạnh và nhân phẩm của tất cả các nạn nhân chất độc da cam.

 

Hội nghị quốc tế nạn nhân chất độc da cam lần thứ 2 ở Việt Nam sẽ kết thúc vào ngày 9/8, các đại biểu sẽ thông qua lời kêu gọi quốc tế. Trước đó, các đại biểu sẽ tới thăm các nạn nhân ở làng Hữu Nghị và thăm cuộc triển lãm, tuần lễ sách về chủ đề da cam của Hội./.