Đổi mới Quốc hội để phục vụ nhân dân tốt hơn

08:27, 07/08/2011

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Không phải đổi mới chức năng mà là đổi mới cách làm để công việc hiệu quả hơn, phục vụ nhân dân tốt hơn. 

Chiều 6/8, Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII đã hoàn tất chương trình làm việc. Sau lễ bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã chủ trì cuộc họp báo thông báo về kết quả kỳ họp vừa qua, đồng thời trả lời các câu hỏi của báo chí về nhiều vấn đề, đặc biệt là hướng đổi mới Quốc hội trong nhiệm kỳ mới.

 

PV: Trên cương vị người đứng đầu cơ quan quyền lực cao nhất, Chủ tịch có thể cho biết hướng đổi mới để nâng cao hơn nữa vai trò của Quốc hội?

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Quốc hội có 3 chức năng lớn: Lập hiến, lập pháp; quyết định những vấn đề quan trọng và giám sát. Dù đổi mới gì cũng phải xoay quanh các chức năng này, trên cơ sở kế thừa những ưu điểm của 12 khóa trước và khắc phục những hạn chế còn tồn tại.

 

 

Về lập hiến, lập pháp, chúng ta cần đổi mới trong việc xây dựng các chương trình pháp luật cho tốt hơn, chu đáo hơn, phải lựa chọn đúng, sát yêu cầu thực tiễn của công cuộc đổi mới để có sự sắp xếp ưu tiên.

 

Muốn vậy, phải đổi mới quy trình làm luật và đổi mới các bước từ soạn thảo cho đến lúc thảo luận, thông qua Uỷ ban, qua Thường vụ đến Quốc hội. Chúng ta ban hành một Luật hay một Pháp lệnh thì đồng thời cũng phải chỉ đạo để Luật, Pháp lệnh đó đi vào cuộc sống.

 

Về chức năng quyết định vấn đề quan trọng, chúng ta phải xác định rằng những vấn đề được đưa ra Quốc hội là quan trọng thực sự, chứ không phải vấn đề nào cũng đưa ra Quốc hội.

 

Quy trình chuẩn bị, xem xét phải được thực hiện tốt thì mới  sàng lọc được vấn đề quan trọng. Chuẩn bị không kỹ thì không thể quyết định chính xác. Do đó, có thể qua thẩm tra, tham khảo ý kiến rộng rãi để xác định đúng.

 

Đối với chức năng giám sát thì có giám sát tối cao, giám sát của các đại biểu, đoàn đại biểu, của các cơ quan của Quốc hội, của Thường vụ và tập thể. Phải lọc đúng việc mà giám sát. Cần giám sát vấn đề gì thì phải làm đến nơi đến chốn, tuỳ theo điều kiện mà tổ chức giám sát một cách tốt nhất.

 

Muốn giám sát được thì người giám sát phải có trình độ, có năng lực. Mỗi tháng giám sát một vài việc tại Thường vụ Quốc hội có thể sâu hơn là thi thoảng mới thực hiện.

 

Có những vấn đề được đưa ra giám sát nên mời các đại biểu chuyên trách hoặc chuyên sâu thuộc lĩnh vực đó tham gia. Từng đại biểu, đoàn đại biểu có cách giám sát nội dung phù hợp tùy theo từng địa phương. Vấn đề giám sát rộng thì phải đi nhiều nơi, không chỉ ở địa phương mình.

 

Đổi mới trước tiên phải là đại biểu, rồi đoàn đại biểu, các ủy ban Quốc hội, Ủy ban Thường vụ. Khóa XIII có 390/500 vào các Ủy ban của Quốc hội, vậy những người còn lại sẽ ở đâu? làm gì? Các đại biểu phải vào các ủy ban thì mới thực hiện công việc tốt được.

 

Ngoài ra, tuỳ theo năng lực, sở trường của mình, các đại biểu nên đến các uỷ ban khác để sinh hoạt về những vấn đề quan tâm, không cứ phải uỷ ban mình.

 

PV: Vậy Chủ tịch Quốc hội nhận định như thế nào về cơ hội và thách thức trong quá trình mới trong tình hình cụ thể hiện nay?

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Cuộc sống đặt ra yêu cầu phải đổi mới. Quốc hội khóa XIII có thuận lợi là kế thừa những kết quả của khoá XII cũng như sự tổng kết cả 12 khóa.

 

Các đại biểu Quốc hội lần này cũng có trình độ học vấn cao hơn, 1/3 trong số 500 đại biểu là chuyên trách. Thuận lợi này biết nắm bắt sẽ thành cơ hội.

 

Mỗi nhiệm kỳ có nhiệm vụ riêng, nhưng tựu chung là sự nghiệp đổi mới của Đảng, Nhà nước phải tiếp tục đẩy mạnh.

 

Đổi mới Quốc hội không phải đổi mới chức năng mà là đổi mới cách làm để công việc hiệu quả hơn, phục vụ nhân dân tốt hơn.

 

Muốn thực hiện đổi mới phải có bài bản, không phải nói mà làm được, phải có quyết định về chủ trương, lập ban công tác và có Nghị quyết, nhưng phải khẩn trương. Nếu cuối năm nay có được Nghị quyết về đổi mới thì rất tốt.

 

PV: Ông có thể cho biết khó khăn và thuận lợi mà mình sẽ gặp phải trên cương vị mới?

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Tôi có thuận lợi khi từ công tác ở Chính phủ sang nhận nhiệm vụ ở Quốc hội. Bám sát chức năng nhiệm vụ mà thực hiện thì tôi tin sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ.

 

Tất nhiên, về tính chất công việc có cái khác. Khi làm Bộ trưởng Tài chính tôi là thủ trưởng, khi nhận nhiệm vụ Phó Thủ tướng thì là giúp việc cho Thủ tướng, giờ được bầu làm Chủ tịch Quốc hội, tôi sẽ cố gắng thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình.

 

PV: Xin Chủ tịch cho biết Quốc hội có đánh giá và chỉ đạo như thế nào về tình hình Biển Đông?

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Chúng ta mong muốn hòa bình, hữu nghị, hợp tác song phương, đa phương để phát triển đất nước.

 

Chủ quyền, quyền chủ quyền của chúng ta thì chúng ta phải bảo vệ, đây vừa là nguyện vọng, trách nhiệm của dân tộc ta, đồng thời phù hợp với luật pháp và cam kết quốc tế. Về Biển Đông thì đã có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982, Tuyên bố về cách ứng xử ở biển Đông (DOC), và chúng ta đang hướng đến Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).

 

Giữa Việt Nam và Trung Quốc có mối quan hệ truyền thống, hữu nghị, cùng nhau phát triển. Nhiều vấn đề đã được giải quyết tốt đẹp như vấn đề phân giới đất liền, vấn đề Vịnh Bắc Bộ. Về Biển Đông còn có những khúc mắc thì các bên tiếp tục thảo luận trong khuôn khổ chung của khu vực và thế giới.

 

Trong Di chúc, Bác Hồ mong muốn toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu xây dựng nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.

 

Mục đích của sự nghiệp cách mạng thế giới cũng là để đi tới hòa bình. Chúng ta cũng mong muốn điều đó./.