Gặp người tham gia đánh chiếm Phủ Phú Bình

08:34, 25/08/2011

Một mùa Thu nữa lại về, bầu trời trong xanh hơn mang theo ánh nắng vàng chói chang của mùa thu Cách mạng tháng Tám, thời điểm Việt Nam trở thành một nước độc lập, người dân Việt Nam được tự do. Trong những ngày này, tôi có dịp trở lại Phú Bình, địa danh từng là ATK II và được nghe cụ Nguyễn Đình Phúc, xóm Trung Tâm, xã Kha Sơn, lão thành cách mạng từng trực tiếp tham gia đánh chiếm Phủ Phú Bình kể về những kí ức không thể nào quên của đời mình…

Đúng giờ hẹn, tôi có mặt tại nhà cụ Nguyễn Đình Phúc - căn nhà nhỏ nhưng thoáng mát với nhiều cây và hoa. Ở tuổi 89, mái tóc của cụ đã bạc phơ màu thời gian nhưng cụ lại có một nụ cười tươi hóm hỉnh và một trí nhớ đáng nể cùng giọng nói hào sảng, tạo nên sức hút đặc biệt với những người xung quanh. Trò chuyện với tôi, cụ nhớ lại những tháng ngày quê hương lầm than trong tay giặc. Cụ sinh ra ở Văn Giang (Hưng Yên), nhưng chỉ được vài tháng tuổi, Văn Giang bị vỡ đê, lụt lội, mất mùa, thiếu đói khắp nơi, gia đình cụ phải di tản lên Phú Bình, chọn đây là nơi để sinh sống lâu dài. Thế nhưng cuộc sống của gia đình cụ vẫn không hết cơ hàn, thiếu đói triền miên. Không thể cầm cự được nữa, cha mẹ buộc phải cho cụ làm con nuôi một gia đình hiếm muộn khi cụ mới được vài tuổi. Nhà cha mẹ nuôi của cụ cũng chẳng khấm khá hơn. Cụ kể: Cảnh nông dân thiếu sưu bị bắt bớ, bị đánh đập, phải bán lúa non, bán đất hoặc vay nặng lãi diễn ra ở khắp nơi. Người dân không những không được học hành mà còn bị đầu độc bằng ma túy, rượu cồn cùng với nhiều hủ tục lạc hậu… Cảnh nước nhà lầm than, nhân dân cực khổ, gia đình ly tán đã khơi dậy trong thế hệ thanh niên như Nguyễn Đình Phúc lòng yêu nước, căm thù giặc và ý chí đấu tranh để giải phóng quê hương. Nó như ngọn lửa cháy âm ỉ, chỉ chờ thời cơ là bùng lên mạnh mẽ. Và rồi, thời cơ ấy đã đến vào cuối những năm 30 của thế kỉ trước, phong trào cách mạng ở Hiệp Hòa (Bắc Giang) đòi tự do, dân chủ, cơm áo và hòa bình lên cao, tác động không nhỏ tới những thanh niên yêu nước ở Phú Bình, trong đó có Nguyễn Đình Phúc. Năm 1939, nhiều cán bộ của Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc kỳ được cử về hoạt động trên địa bàn hai huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) và Phú Bình (Thái Nguyên), tập hợp, tuyên truyền, bồi dưỡng thanh niên và chỉ đạo mở rộng Cách mạng. Các tổ chức Thanh niên phản đế được lần lượt thành lập ở Thanh Vân (Hiệp Hòa), Kha Sơn Hạ, Kha Sơn Thượng, Mai Sơn, Bằng Cầu (Phú Bình), chàng thanh niên 17 tuổi, Nguyễn Đình Phúc cũng là một thành viên trong đó.

 

Dù đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng cụ vẫn nhớ như in những ngày tháng lịch sử ấy. Với giọng trầm hùng, đầy tự hào, cụ kể: Không khí chính trị thời điểm này rất sôi nổi, hoạt động của nhóm Thanh niên phản đế ở Kha Sơn đã công khai như nhóm đọc báo, nhóm truyền bá quốc ngữ… Những hoạt động này đã có nhiều ảnh hưởng tới quần chúng, giúp mở rộng phong trào, cơ sở cách mạng ở khu vực phía Nam huyện. Đến năm 1941, Trung ương có chủ trương giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, thành lập Mặt trận Việt Minh. Tại Kha Sơn Thượng, Kha Sơn Hạ, Mai Sơn…, các tổ chức phản đế nhanh chóng chuyển sang Mặt trận Việt Minh. Các Hội: Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Nông dân cứu quốc, Phụ lão cứu quốc được thành lập, thu hút nhiều người tham gia. Đội Tự vệ cứu quốc ở các làng, xã cũng được thành lập, ngày đêm ráo riết luyện tập, tích cực tham gia đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, tổ chức rải truyền đơn kêu gọi đả đảo Pháp - Nhật… Lúc này, Nguyễn Đình Phúc là Đội trưởng Đội Tự vệ cứu quốc của Kha Sơn Thượng. Đội đã tham gia khởi nghĩa, giành chính quyền tại Kha Sơn sáng ngày 14-3-1945. Sau đó Đội còn được giao nhiệm vụ tìm diệt bọn tay sai, tổ chức canh gác, chống càn quét, bắt bớ để bảo vệ quần chúng và chính quyền cách mạng ở Kha Sơn.

 

Đội Tự vệ cứu quốc Kha Sơn Thượng do Nguyễn Đình Phúc phụ trách tập hợp quần chúng, tuần hành thị uy qua làng Đình Cả, Xuân La, Phương Độ. Những tiếng hô khẩu hiệu: “Đả đảo chính quyền bù nhìn”, “Mặt trận Việt Minh muôn năm”... vang lên càng làm tăng thêm không khí sục sôi của mùa Thu cách mạng. Trận đánh đầu tiên không thành công, ngay đêm hôm sau, ông và Đội Tự vệ Kha Sơn Thượng được nhận mỗi người một khẩu súng và hai băng đạn, tiếp tục bao vây quanh phủ. Sau khi bắn mỗi người 3 viên đạn (theo lệnh) và gọi loa yêu cầu Tri phủ ra hàng nhưng bên trong không có động tĩnh gì, cũng không bắn trả, cấp trên quyết định xây dựng công sự, tiếp tục bao vây phủ, không cho địch ra khỏi đồn… Kế hoạch đánh phủ tiếp tục được chuẩn bị khẩn trương, dự kiến là đêm 23-8. Thế nhưng, ngay sáng 23-8, quân Nhật đóng tại đây được Phái bộ Nhật đến đưa về tỉnh theo một thỏa thuận giữa Bộ Chỉ huy quân giải phóng và Tư lệnh quân Nhật ở Bắc kì. Thấy bị bỏ rơi, Tri phủ Nguyễn Đăng Tám cùng toàn bộ thuộc hạ đã đầu hàng quân cách mạng và giao nộp toàn bộ vũ khí, sổ sách. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Phú Bình đã hoàn toàn thắng lợi. Tin này đã nhanh chóng lan tỏa đi các xã. Hàng ngàn quần chúng kéo về sân vận động huyện (khu vực chợ Cầu, xã Nhã Lộng ngày nay) để chia sẻ niềm vui, hạnh phúc và dự mít tinh ra mắt Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời của huyện do ông Nguyễn Đức Xương làm Chủ tịch.

 

Sau ngày đó, cụ Nguyễn Đình Phúc lần lượt tham gia Ban Xây dựng kiến thiết, Ban Bình dân học vụ của xã, Chính trị viên xã đội, Công an xã… Năm 1948, cụ chính thức được đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng Sản Đông Dương, rồi được cử tham gia học tập nghiệp vụ và công tác trong ngành công an từ năm 1955 đến khi nghỉ hưu (năm 1981). Với những cống hiến của mình, cụ đã được nhận nhiều phần thưởng cao quý như: Huy chương kháng chiến chống Pháp hạng Nhất; Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất; Huân chương chiến công hạng Nhất… Hiện nay, tuy tuổi đã cao nhưng cụ luôn gương mẫu trong các phong trào, là người có uy tín tại địa phương.

 

Tạm biệt cụ, tôi hoà mình trong dòng xe ngược xuôi để trở về với nhịp sống hối hả của thành phố đang vươn mình mà lòng cảm thấy đầy tự hào, bởi quê hương đã có những người đi trước như cụ Phúc, thế hệ “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”, làm nên mùa Thu lịch sử, mở ra thời đại mới cho dân tộc Việt Nam.