Tiếp tục chương trình giám sát, hôm nay (30-8), Đoàn công tác của Ban Văn hoá - Xã hội (VHXH) HĐND tỉnh tiếp tục chương trình giám sát về công tác dạy nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) tại huyện Phú Bình và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH).
Tham dự có các đồng chí: Đoàn Thị Hảo, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Triệu Minh Thái, Uỷ viên Thường trực HĐND tỉnh; các thành viên trong Ban VHXH; lãnh đạo huyện Phú Bình và Sở LĐ-TB&XH. Đồng chí Nguyễn Thị Thuý Nga, Phó trưởng ban chuyên trách, Ban VHXH, HĐND tỉnh chủ trì cuộc giám sát.
Tại huyện Phú Bình: Đoàn đã nghe lãnh đạo huyện báo cáo tình hình dạy nghề LĐNT. Đây là huyện có tới 90% hộ làm nông nghiệp, số lao động cần được đào tạo nghề để chuyển đổi nghề nghiệp do thu hồi đất thực hiện các dự án những năm gần đây đang tăng lên. Từ khi thực hiện Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án :” Đào tạo nghề cho LĐNT”, huyện đã có nhiều cố gắng trong công tác lãnh đạo chỉ đạo, triển khai thực hiện và tạo được sự chuyển biến đáng kể. Thông qua kết quả điều tra khảo sát, đã có 15.162 người (chiếm 18,6% số người trong độ tuổi lao động) có nhu cầu được dạy nghề và đăng ký học 59 danh mục ngành nghề, trong đó có 20 nhóm danh mục nghề có nhiều người đăng ký phù hợp với quy hoạch phát triển của huyện trong những năm tới. Từ đó huyện đã tổ chức các lớp đào tạo nghề trên cơ sở chỉ tiêu do Sở LĐTBXH phân giao. Giai đoạn 2008-2010 và 6 tháng đầu năm 2011, huyện đã tổ chức dạy nghề cho 2.438 lao động với các ngành nghề: may công nghiệp, trồng nấm, nấu ăn, mộc kỹ nghệ, gò hàn, chăn nuôi thú y... Đi đôi với công tác dạy nghề, huyện đã chú trọng giới thiệu việc làm cho học sinh. Vì vậy, đa số học viên học nghề nông nghiệp sau khi đào tạo đã áp dụng kiến thức vào trồng trọt, chăn nuôi có hiệu quả, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi trong gia đình; đối với lao động học các ngành nghề phi nông nghiệp đều có việc làm ở các doanh nghiệp. Qua đây, huyện cũng nêu một số vấn đề còn khó khăn về thiếu biên chế quản lý; kinh phí đào tạo, trang thiết bị cho trung tâm dạy nghề (TTDN) còn thiếu. Đồng thời, đề nghị tỉnh quan tâm tháo gỡ khó khăn trên và có cơ chế xã hội hoá TTDN nhằm đảm bảo nhu cầu đào tạo nghề của huyện.
Tại Sở LĐTB&XH: Đoàn đã nghe lãnh đạo Sở báo cáo về tình hình triển khai, thực hiện công tác dạy nghề trên địa bàn tỉnh. Tính đến hết tháng 7-2011, trên địa bàn tỉnh hiện có 52 cơ sở dạy nghề. Cơ sở vật chất và thiết bị của các trường luôn được quan tâm đầu tư. Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề thường xuyên được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nhằm đáp ứng chất lượng dạy nghề. Quy mô tuyển sinh dạy nghề tăng nhanh hàng năm và luôn đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Chỉ tính từ năm 2009 đến tháng 7-2011 toàn tỉnh đã tuyển sinh, tổ chức dạy nghề cho 87.098 người, trong đó luôn quan tâm đến đối tượng chính sách, lao động nghèo, người tàn tật. Riêng lao động nông thôn chiếm 73% tổng số người học nghề. Từ đó góp phần nâng tỷ lệ người lao động được đào tạo nghề từ 20,34% (năm 2009) lên 23,58% (năm 2010), dự kiến đạt 26,45% vào năm 2011. Số lao động học nghề nông nghiệp đã có việc làm trên đồng ruộng, trang trại của mình; khoảng 80% học viên học nghề phục vụ công nghiệp đã tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm. Một số ngành nghề có việc làm cao là: nghề hàn, điện dân dụng, may công nghiệp. Đối với thực hiện Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ triển khai Đề án “Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020”, Sở đã triển khai đến các cấp, các ngành và được các cấp, ngành liên quan triển khai tích cực. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng còn nhiều bất cập...
Kết luận tại cuộc họp, đồng chí Đoàn Thị Hảo, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đã đánh giá cao kết quả trong công tác dạy nghề của Sở LĐTB&XH. Đồng thời đề nghị các ban, ngành chức năng xem xét biên chế cho quản lý dạy nghề ở các địa phương; bổ sung kinh phí để xây dựng 2 trường trung cấp nghề của tỉnh; tăng định mức kinh phí đào tạo nghề cho người lao động để Sở thực hiện tốt hơn nữa công tác dạy nghề trên địa bàn tỉnh.