Hành vi gian lận đo lường có thể bị phạt nặng

18:33, 23/08/2011

Chiều 23/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận và cho ý kiến về một số vấn đề lớn của dự thảo Luật Đo lường trình.

Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội nêu rõ: Chính sách của Nhà nước về đo lường và về việc xã hội hóa hoạt động đo lường, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung trách nhiệm đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất để duy trì hệ thống chuẩn đo lường quốc gia; cần có chính sách đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực, máy móc, thiết bị chuẩn.

 

Một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định nguyên tắc về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đo lường; có chính sách đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong đo lường, tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức trong cộng đồng, đồng thời ngăn ngừa các hành vi gian lận.

 

Nhiều ý kiến cho rằng cần phải thể hiện rõ nét nội dung xã hội hóa các hoạt động đo lường vì đo lường rất gần gũi với cuộc sống hàng ngày; Đề nghị Nhà nước tập trung xây dựng các phòng thí nghiệm về chuẩn đo lường, còn các lĩnh vực như kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo lường, còn các lĩnh vực như kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường, thậm chí cả việc giữ chuẩn quốc gia đối với một số lĩnh vực đo... thì cần đầy mạnh xã hội hóa để các tổ chức độc lập tham gia thực hiện.

 

Có ý kiến cho rằng, hiện nay các tổ chức kinh doanh điện, nước… tự kiểm định phương tiện đo nên có thể thiếu khách quan và đề nghị bổ sung quy định kiểm định bằng tổ chức kiểm định độc lập khác.

 

Tiếp thu các ý kiến đại biểu, việc bổ sung quy định về điều kiện hoạt động và việc thành lập các tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm để đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động này và bảo vệ quyền lợi của người dân, doanh nghiệp đã được thể hiện trong dự thảo Luật.

 

Về thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, một số ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng việc kiểm tra theo kế hoạch định trước thì không phát hiện được các sai phạm nên cần quy định cho phép kiểm tra đột xuất và có sự tham gia chứng kiến của chính quyền địa phương, của các tổ chức xã hội- nghề nghiệp hoặc của bên thứ ba.

 

Có ý kiến cho rằng, mức xử phạt các hành vi gian lận còn quá nhẹ, cần phải nâng cao hơn nữa, có thể xử phạt lên 40-50 lần số tiền thu lợi bất chính; chế tài xử phạt phải nghiêm minh, cần áp dụng phương pháp xử phạt kép, ngoài xử phạt còn đình chỉ hoạt động đối với cơ sở cố tình vi phạp pháp luật về đo lường; sau khi xử phạt cần công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để bảo đảm tính răn đe nhằm ngăn chặn các trường hợp tái phạm.

 

Nghiên cứu tiếp thu các ý kiến nêu trên, trong dự thảo Luật Đo lường, các quy định về thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm được tách ra khỏi Chương quản lý nhà nước về đo lường; đồng thời bổ sung quy định thẩm quyền xử phạt trong trường hợp mức phạt vượt quá mức phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; một số biện pháp xử lý vi phạm, cách tính số tiền xử phạt sẽ được quy định trong các văn bản dưới luật.

 

Về đơn vị đo lường, nhiều ý kiến của Ủy ban Thường vụ cho rằng, cần nghiên cứu kỹ cho phù hợp với quy định quốc tế, song cũng phải có hình thức diễn đạt dễ hiểu, gần gũi.

 

Nhiều ý kiến đặt vấn đề về việc quy định các đơn vị đo lường mà trong dân gian đã sử dụng lâu nay như: Chục, tá, sào… Về điều này, đại diện ban soạn thảo cho biết, những đơn vị truyền thống nhưng ít có điểm chung giữa các khu vực, vùng miền sẽ hạn chế đưa vào Luật.

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, ban soạn thảo cần tiếp thu và nghiên cứu kỹ những ý kiến của đại biểu Quốc hội cũng như của các thành viên Ủy ban Thường vụ, tiếp tục hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét vào kỳ họp thứ hai.