Bàn về chủ trương đổi mới Quốc hội khóa XIII, ý kiến các đại biểu cho rằng cần triển khai từng bước, việc nào có thể làm thì nên thực hiện ngay.
Sáng nay, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII khai mạc phiên họp thứ nhất.
Kỳ hợp thứ nhất thành công
Sau khi nghe Báo cáo Đánh giá kết quả kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XII, các thành viên UBTVQH đều cho rằng, kỳ họp diễn ra vào thời điểm có ý nghĩa quan trọng và đã hoàn thành tốt chương trình đề ra.
Quốc hội đã xem xét, quyết định về công tác tổ chức, nhân sự cấp cao của Bộ máy nhà nước, trong đó, kết quả bầu và phê chuẩn các chức danh cụ thể đều đạt tỷ lệ tán thành rất cao, được dư luận xã hội và cử tri đặc biệt quan tâm, ủng hộ.
Quốc hội đã thảo luận, đóng góp ý kiến và thông qua Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992; đồng thời dành thời gian đánh giá sâu sắc, toàn diện tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm; những diễn biến phức tạp trong 6 tháng cuối năm 2011 và năm 2012.
Quốc hội thống nhất quyết định ban hành Nghị quyết bổ sung một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế năm 2011 và những năm tiếp theo.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, một số hạn chế cần còn tồn tại cần được khắc phục để nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của kỳ họp thứ hai. Điều đó đòi hỏi công tác chuẩn bị cần phải được triển khai ngay một cách tốt nhất, có sự phối hợp chặt chẽ, khoa học vì kỳ họp tới sẽ quyết định nhiều vấn đề lớn, lại là thời điểm những tháng cuối năm.
Theo dự kiến chương trình của kỳ họp thứ 2, Quốc hội sẽ làm việc khoảng 31 ngày, trong đó dành 17 ngày cho công tác xây dựng pháp luật với việc xem xét thông qua 6 dự án luật và 1 Nghị quyết; thảo luận, cho ý kiến 13 dự án luật.
Về nội dung làm việc của kỳ họp thứ 2, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội Phan Xuân Dũng nêu ý kiến: Đến năm 2014, nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận số 1 sẽ khởi công. Vì vậy, đề nghị trong nội dung kì họp tới cần phải thông qua nghị quyết về cơ chế đặc biệt đối với việc triển khai dự án này.
Đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động
Cũng trong sáng nay, UBTVQH cũng đã nghe và cho ý kiến về Tờ trình Về chủ trương xây dựng Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Các ý kiến thống nhất cho rằng, Đề án là rất lớn và có nội dung khá rộng, do đó cần có những bước đi thích hợp. Đối với những việc có thể làm ngay thì nên được thực hiện ngay trong kỳ họp tới.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng, Báo cáo đã bao quát được hết nội dung cần phải làm, đồng thời nhấn mạnh vào việc nâng cao hiệu lực giám sát của Quốc hội và tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội.
Hiệu quả hiệu lực giám sát của Quốc hội chưa cao. Do đó cần đổi mới để nâng cao hiệu quả, hiệu lực và thể hiện rõ chức năng lớn quan trọng Quốc hội.
Đề cập đến việc đổi mới các kỳ họp, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng có cái có thể sửa đổi ngay trong kỳ họp tới như cách thức tiến hành họp tại hội trường (cần tóm lại những ý kiến trùng nhau), cách chất vấn nhiều khi quá rộng, không đúng vấn đề trọng tâm
Về tiếp xúc cử tri, đại biểu cho rằng phải có sự nghiên cứu để đổi mới, từ đó đại biểu mới lắng nghe một cách thấu đáo nhất ý kiến của cử tri.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thì cho rằng, mặc dù phiên họp chỉ mới dừng lại ở việc cho ý kiến về chủ trương thực hiện Đề án, song nhiều ý kiến đã có tính gợi mở, cần được nghiên cứu áp dụng trong thời gian tới.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, đổi mới là nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động chứ không phải thay đổi chức năng của Quốc hội. Vấn đề đổi mới là yêu cầu thực tế và cần nghiên cứu thực hiện ngay. Các cơ quan liên quan cần chủ động phối hợp đổi mới, rút ngắn thời gian nhưng chất lượng vẫn phải được nâng cao./.