Thực hiện Quy định 115-QĐ/TW: Đôi điều trăn trở

15:55, 29/08/2011

Đánh giá việc thực hiện Quy định 115-QĐ/TW ngày 07-12-2007 của Bộ Chính trị (khóa X) về những điều đảng viên không được làm (Quy định 115-QĐ/TW), Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ rõ: Một số cấp ủy cơ sở, chi bộ nhận thức chưa đầy đủ ý nghĩa và tầm quan trọng của Quy định 115-QĐ/TW nên còn coi nhẹ công tác củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện Quy định đối với đảng viên; chưa phát huy được vai trò tham mưu của ủy ban kiểm tra các cấp trong việc nắm bắt tình hình, kiểm tra, giám sát thực hiện.

 

Trải nghiệm thực tế

 

Trước Quy định 115-QĐ/TW, từ khi có Nghị quyết Trung ương 6 lần 2 (khóa VIII), Quy định số 55-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII) và Quy định số 19-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về những điều đảng viên không được làm, đại đa số cán bộ, đảng viên đều có nhận thức đúng và hưởng ứng thực hiện. Điều đó đã góp phần không nhỏ vào lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh. Sau khi Quy định 115-QĐ/TW ra đời, cán bộ, đảng viên và các tổ chức Đảng tiếp tục đồng tình ủng hộ, tạo nên đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng bộ. Quy định 115-QĐ/TW đã trở thành tiêu chuẩn, là thước đo cho mỗi cán bộ, đảng viên nghiên cứu và áp dụng trong quá trình tu dưỡng, rèn luyện và thực thi nhiệm vụ được giao; có ý nghĩa thiết thực trong việc nâng cao trách nhiệm, vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên trong tình hình mới.

 

Trong chương trình kiểm tra, giám sát của cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp đã chú trọng đến nhiệm vụ kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và xử lý kịp thời. Cấp ủy các cấp đã đưa nội dung thực hiện Quy định 115-QĐ/TW vào sinh hoạt định kỳ của các tổ chức Đảng và tự kiểm điểm của đảng viên; gắn Quy định với việc thực hiện chế độ phê bình và tự phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII và quy chế dân chủ ở cơ sở. Từ khi triển khai thực hiện Quy định 115-QĐ/TW đến nay, cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp đã phát hiện 596 đảng viên vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, đã xử lý kỷ luật 570 đảng viên, trong đó khiển trách 284 trường hợp, cảnh cáo 175 trường hợp, cách chức 34 trường hợp, khai trừ ra khỏi Đảng 77 trường hợp. Các vi phạm đã xử lý kỷ luật tập trung chủ yếu vào các điều: Điều 1 là 79 trường hợp, Điều 3 là 53 trường hợp, Điều 4 là 08 trường hợp; Điều 6 là 19 trường hợp; Điều 8 là 110 trường hợp; Điều 9 là 114 trường hợp; Điều 12 là 08 trường hợp; Điều 17 là 135 trường hợp; Điều 18 là 34 trường hợp… 

 

Có nhiều nguyên nhân vi phạm, song nguyên nhân chủ yếu nhất vẫn là do một số cơ chế, chính sách, nhất là trong lĩnh vực đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, chi tiêu tài chính công, công tác cán bộ còn sơ hở; một số địa phương, đơn vị chưa thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, công khai, minh bạch trong cơ quan, đơn vị… Việc xử lý các sai phạm, khuyết điểm có nơi, có lúc còn chưa nghiêm; công tác tuyên truyền, giáo dục chưa tạo được quyết tâm cao trong Đảng và toàn xã hội; chưa khắc phục triệt để được tình trạng bao che, nương nhẹ hoặc “nhẹ trên, nặng dưới” trong phát hiện và xử lý đối với đảng viên vi phạm.

 

Đôi điều trăn trở

 

Có thể khẳng định Quy định 115-QĐ/TW đã có tác dụng thiết thực trong việc giúp đảng viên rèn luyện, tu dưỡng, giữ gìn phẩm chất chính trị, hạn chế những hành vi vi phạm. Đồng thời cũng giúp nhân dân có cơ sở để giám sát việc làm của cán bộ, đảng viên hiệu quả hơn; góp phần phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật của đảng viên; nâng cao sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của Đảng, xây dựng Đảng bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh. Đây cũng là căn cứ pháp lý của Đảng, đảm bảo kỷ cương, kỷ luật trong Đảng, pháp luật của Nhà nước được thực hiện nghiêm minh.

 

Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đúng đắn về mục đích ý nghĩa của Quy định 115-QĐ/TW, do đó có thái độ thờ ơ trong học tập, rèn luyện và tu dưỡng, coi việc thực hiện Quy định này là của Trung ương, của tỉnh, huyện và cán bộ lãnh đạo, quản lý; còn bản thân mình không có vấn đề gì liên quan, nên không cần phải quan tâm, học tập và thực hiện. Một số cấp ủy chưa nhận thức đầy đủ Quy định 115-QĐ/TW nên chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện một cách thường xuyên, liên tục. Trong quá trình thực hiện kiểm tra, xử lý vi phạm còn gặp những bất cập, khó hoặc không rõ cách xử lý. Ví dụ như: Vấn đề đảng viên làm kinh tế tư nhân, hiện nay có một số đảng viên là cán bộ quản lý, cán bộ cơ quan bảo vệ pháp luật góp cổ phần vào cơ quan sản xuất kinh doanh, dịch vụ có biểu hiện “bảo kê” cho cơ sở đó; việc cán bộ, đảng viên tổ chức cưới tảo hôn cho con thì mức độ vi phạm được đánh giá ra sao?... Ứng với mỗi nội dung vi phạm cần có hình thức kỷ luật Đảng tương ứng, bởi đã vi phạm những điều đảng viên không được làm là vi phạm kỷ luật Đảng.

 

Để đảm bảo tính khả thi trong hoạt động thực tiễn, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, vững mạnh, thiết nghĩ cần sửa đổi, bổ xung quy định theo hướng vừa bao quát các lĩnh vực, vừa có thể cụ thể hóa những hành vi mà các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước chưa đề cập, tránh sự chồng chéo hoặc vừa thừa lại vừa thiếu. Đồng thời cần bám sát những yếu tố tiêu cực dễ nảy sinh trong điều kiện thực tiễn hiện nay, nghiên cứu để xây dựng và ban hành những quy định sát với tình hình thực tế hơn. Và khi triển khai thực hiện, ngoài việc làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên, vấn đề xây dựng quy chế cụ thể để tiếp nhận, xử lý ý kiến của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân nhận xét, phê bình đảng viên cũng cần quan tâm đúng mức.