Về lại Bảo Biên…

15:09, 24/08/2011

Trong những ngày tháng 8 lịch sử, chúng tôi có dịp trở lại xóm Bảo Biên, xã Bảo Linh (Định Hóa). Đây từng là nơi ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và cơ quan Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp, giai đoạn 1949-1954. Hơn 60 năm đã trôi qua, mảnh đất cách mạng đã có nhiều thay đổi nhưng tấm lòng kiên trung, một lòng hướng về Đảng, Bác và những ký ức năm xưa vẫn còn vẹn nguyên trong tâm thức của những người dân nơi đây.  

Vẹn nguyên ký ức

 

Từ UBND xã Bảo Linh, vượt qua những dốc nhỏ ngoằn ngoèo của con đường liên xã, chúng tôi đến được xóm Bảo Biên. Đi giữa mầu xanh mướt mát của những cánh đồng lúa Bao thai đang thì con gái, cái nắng nóng oi bức cuối hè dường như tan biến. Chếch về phía Tây, đồi Đỏn Mỵ như chiếc bát úp được che phủ bởi những tán cây cổ thụ xum xuê. Trên các triền đồi, những vườn chè xanh biếc mầu ngọc, thấp thoáng những mái nhà sàn xen lẫn những ngôi nhà xây còn tươi mầu ngói. Điều này phần nào cho thấy sự thanh bình, đổi thay của người dân nơi đây.

 

Những nhà lãnh đạo cách mạng xưa quả có con mắt “tinh tường” khi chọn đây là nơi đặt Đại bản doanh của Bộ Tổng Tư lệnh và Quân ủy. Nằm ở vị trí kẹp giữa những dãy núi điệp trùng, Bảo Biên có vị trí đắc địa “tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ” (tiến có thể đánh, lui có thể thủ), vừa đảm bảo bí mật, rất xa thị xã, thị trấn nhưng tiện đường sang xã Điềm Mặc (nơi Bác Hồ và các cơ quan Trung ương Đảng đóng quân) và xã Định Biên (nơi đặt cơ quan Bộ Tổng tham mưu, Tổng Cục chính trị Quân đội), lại vừa tiện đường rút sang Tuyên Quang, Bắc Kạn khi có trường hợp khẩn cấp. Đặc biệt, cơ quan được bà con bản địa, những người dân tộc Tày kiên trung theo Đảng, theo kháng chiến hết lòng che chở, đùm bọc.

 

Đã hơn 60 năm nhưng những kỷ niệm xưa vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí của ông Ma Hữu Thành, một trong số ít người từng được phục vụ Đại tướng và Bộ Tổng Tư lệnh. Năm 1949, khi đó ông mới 10 tuổi đã được giao nhiệm vụ làm liên lạc và cảnh giới cho nhiều cuộc họp. Địa điểm họp thường ở căn nhà lá lớn trên đồi Đỏn Mỵ, đôi khi được tổ chức ngay tại nhà dân, trong đó có căn nhà sàn 50 cột nơi ông đang sống. Ông nhớ lại: “Từ năm 1948, bắt đầu có một số đơn vị bộ đội về xóm khảo sát và đóng quân. Năm 1949, Bộ Tổng Lệnh quân đội đã chuyển hẳn về đây. Biết bộ đội về đóng quân, bà con dân bản hết sức vui mừng, có củ khoai hay buồng chuối chín cũng mang đến tặng. Bản thân tôi được giao nhiệm vụ liên lạc và cảnh giới nhưng hoàn toàn không biết thành phần tham dự và nội dung làm các buổi làm việc. Chủ trì cuộc họp là một người tầm thước, có đôi mắt sắc và giọng nói trầm ấm đi vào lòng người. Mãi sau này tôi mới biết đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp”. Trong giai đoạn 1949-1954, Bảo Biên còn được gọi bằng cái tên trìu mến là Bản Khen bởi tình cảm gắn bó, hết lòng che chở, đùm bọc bộ đội của bà con dân bản. Theo như ông Thành, cuối năm 1952, căn cứ Quân ủy bị lộ, máy bay đã ném bom làm cháy 3 nhà sàn ở xóm. Sau đó, để đảm bảo bí mật và thực hiện nhiệm vụ cách mạng, Bộ Tổng Tư lệnh và Quân ủy đã từng bước di chuyển địa điểm. Đến năm 1954 thì chuyển hoàn toàn. Trước khi đi, các đồng chí lãnh đạo còn tặng lại cho bà con nhiều vật dụng sinh hoạt như: Ấm pha nước, nồi đồng… Năm 2004, những vật dụng này được xóm tặng lại cho Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), một số vật dụng hiện đang được trưng bày tại Nhà Trưng bày ATK Định Hóa.

 

Ngày một đổi thay

 

Tìm hiểu thông tin về đời sống nhân dân trong xóm, chúng tôi được trưởng xóm Ma Công Tiến vui mừng thông báo: “Chỉ cần so sánh với 5 năm trước đây, đời sống bà con đã được cải thiệt rất nhiều. Hiện xóm chỉ còn 17/58 hộ nghèo (theo tiêu chí mới). Hơn 100ha đất đồi rừng đã được phủ xanh bằng cây keo và mỡ sắp tới tuổi khai thác, cùng với gần 10ha chè (trong đó có 1/3 là diện tích chè cành giống mới) hứa hẹn đem lại cho bà con nguồn thu nhập lớn hơn nhiều trong tương lai gần. Phát huy truyền thống anh hùng, nhân dân Bảo Biên đã và đang không ngừng học hỏi, sáng tạo trong lao động sản xuất. Trong xóm đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế gia đình cho thu nhập hàng trăm triệu đồng như: Mô hình trồng rừng kết hợp với chăn nuôi của gia đình ông Triệu Văn Luân; mô hình trồng chè kết hợp với vườn rừng của gia đình bà Hà Thị Sâm… Cùng với đó, bà con cũng chú ý hơn việc chăm lo học hành của con em mình. Đến nay, cả xóm có 7 em đã tốt nghiệp đại học, 4 em tốt nghiệp cao đẳng trở về làm việc, công hiến tại huyện, hầu hết con em học hết bậc học THPT.

 

Đời sống ngày một nâng cao nhưng người dân Bảo Biên vẫn luôn nhắc nhở nhau phải giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống, đặc biệt là các giá trị lịch sử. 45/58 gia đình của xóm hiện vẫn giữ được nếp nhà sàn nguyên mẫu. Căn nhà sàn 50 cột của gia đình ông Ma Hữu Thành tuy đã dựng được gần “70 tuổi” nhưng vẫn được ông giữ gìn và thường xuyên tu sửa với mong muốn lưu giữ như một dấu tích lịch sử nhằm giáo dục truyền thống cho con cháu mình…