Bản anh hùng ca về chủ nghĩa yêu nước

07:48, 23/09/2011

Cách đây 66 năm (23-9-1945), nhân dân Sài Gòn - Gia Định đã thay mặt quân dân cả nước nổ phát súng đầu tiên mở đầu cuộc kháng chiến hào hùng chống thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta lần thứ hai.

Lịch sử Nam bộ kháng chiến của nhân dân ta được xem là bản anh hùng ca đẹp nhất về chủ nghĩa yêu nước được cả nước và thế giới biết đến, ca ngợi và ngưỡng mộ.

 

Ngày 2-9-1945, khi đồng bào Sài Gòn - Chợ Lớn tưng bừng mít tinh, biểu tình mừng ngày độc lập, thì hàng trăm lính Pháp, được quân Nhật thả ra từ các trại giam, đã nấp trong nhà thờ và trên một số nhà cao tầng bắn vào đồng bào ta. 47 người đã ngã xuống ngay trong ngày độc lập đầu tiên của dân tộc. Kẻ thù đã không từ bỏ dã tâm cướp nước ta một lần nữa. Bốn ngày sau ngày Tuyên ngôn độc lập, quân Anh đến Sài Gòn với danh nghĩa tước khí giới quân đội Nhật. Một thỏa thuận giữa Anh và Pháp để đi đến mục đích cướp nước ta của chủ nghĩa thực dân, một đại đội lính Pháp, thuộc Trung đoàn thuộc địa số 5, khoác quân phục Anh được Anh mang theo đã nhanh chóng chiếm giữ những vị trí trọng yếu ở Sài Gòn, thay thế quân đội Nhật.

 

Ngày 11-9-1945, Tướng Gracey, Tư lệnh Sư đoàn 20 của quân đội Hoàng gia Anh cùng một Lữ đoàn quân Anh đổ bộ xuống Tân Sơn Nhất. Trong lữ đoàn này có thêm hai đại đội biệt kích Pháp. Gracey đã yêu cầu quân Nhật thả hết tù binh Pháp và tù nhân dân sự Pháp vốn bị Nhật bắt giữ từ ngày đảo chính 9-3-1945, đồng thời lấy vũ khí tước được của Nhật trao cho quân Pháp. Như vậy, được sự hỗ trợ đắc lực từ quân Anh với bình phong hợp pháp là tước vũ khí của quân đội Nhật, quân đội viễn chinh Pháp đã có một lực lượng không nhỏ tại miền Nam Việt Nam. Trong khi đó, lực lượng của ta tại Nam Bộ còn hết sức mỏng manh. Xứ ủy mới được phục dựng sau những năm bị khủng bố từ khởi nghĩa Nam Kỳ tháng 11-1940, phong trào quần chúng mới được khôi phục trước ngày Tổng khởi nghĩa. Lực lượng ta chưa mạnh. Nếu chỉ nhìn nhận về vũ khí và lực lượng thiện chiến thì lực lượng của Anh và Pháp ở thế thượng phong.

 

Ngày 23-9-1945, sau 21 ngày kể từ ngày Bác Hồ tuyên ngôn độc lập, thực dân Pháp nổ súng tấn công ta. Cuộc kháng chiến không cân sức giữa ta và Pháp bắt đầu. Nhân dân Nam Bộ chỉ có gậy tầm vông, dao phay, súng kíp, mã tấu chống lại xe tăng, máy bay, tàu chiến và lực lượng tinh nhuệ của Anh, Pháp. Cuộc chiến giữa một bên là các thế lực thù địch, cướp nước, gây ra cuộc chiến tranh phi nghĩa, một bên là đông đảo quần chúng cách mạng tiêu biểu cho cả dân tộc mới từ bùn đen đứng dậy với ý chí và quyết tâm bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc.

 

Cuộc trường chinh của dân tộc bắt đầu từ ngày 23-9, cuộc trường chinh của ý chí, của sức mạnh quật cường đó là tinh thần đoàn kết của cả một dân tộc khao khát độc lập tự do. Sau này, trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, khi chúng đem quân viễn chinh vào miền Nam và mở rộng chiến tranh, đem máy bay, tàu chiến đánh phá dã man miền Bắc nước ta, ngày 17-7-1966, Bác Hồ đã ra lời kêu gọi: Chiến tranh có thể kéo dài năm năm, mười năm, hai mươi năm hoặc lâu hơn nữa, Hà Nội, Hải Phòng và các thành phố khác có thể bị tàn phá. Nhưng nhân dân Việt Nam quyết không sợ, không có gì quý hơn độc lập tự do, đến ngày thắng lợi, chúng ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

 

 

Ngày Nam Bộ kháng chiến 23-9 trở thành một trong những dấu ấn không thể phai mờ trong hành trình phát triển của dân tộc ta - ngày của chân lý: Không có gì quý hơn độc lập tự do.