Để tổ chức cơ sở đảng thực sự là hạt nhân chính trị

09:31, 08/09/2011

Đó là cái đích mà tất cả các cấp bộ Đảng luôn hướng tới. Với Đảng bộ tỉnh, nhiệm vụ đó đã được cụ thể hóa thông qua Đề án 07-ĐA/TU với chủ đề “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên giai đoạn 2011-2015 ”.

Nhiều chuyển biến tích cực

 

Những năm gần đây, các TCCSĐ thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, vừa tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, vừa làm tốt công tác xây dựng, củng cố TCCSĐ trong sạch, vững mạnh gắn với nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở. Thông qua triển khai thực hiện Đề án của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của TCCSĐ xã, phường, thị trấn” giai đoạn 2005-2010, các TCCSĐ đã tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân; chú trọng xây dựng và thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ, quy chế làm việc của cấp ủy, làm rõ mối quan hệ lãnh đạo của TCCSĐ đối với chính quyền, các tổ chức đoàn thể ở địa phương, đơn vị.

 

Các cấp bộ đảng đã quan tâm nhiều đến xây dựng và làm việc theo chương trình công tác, nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ; công tác tạo nguồn và phát triển đảng viên mới, củng cố cơ sở đảng yếu, kém được chú trọng. Chất lượng hoạt động, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của nhiều TCCSĐ được nâng lên rõ rệt. Năm 2010, tỷ lệ TCCSĐ trong sạch, vững mạnh đạt 77,28%, tăng 12% so với năm 2008, trong đó TCCSĐ đạt tiêu chuẩn trong sạch vững mạnh tiêu biểu đạt 29,05%, tăng 5,69%. Đa số các TCCSĐ đều giữ vững vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở. Phần lớn đảng viên thể hiện được vai trò tiên phong, gương mẫu, có đạo đức và lối sống trong sạch, có tinh thần trách nhiệm, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Số lượng, cơ cấu đội ngũ đảng viên phát triển theo hướng tích cực, quân bình mỗi năm kết nạp được gần 3 nghìn đảng viên.

 

Song chưa đủ mạnh

 

Tuy vậy, đi vào từng hoạt động cụ thể, vẫn còn TCCSĐ chưa thể hiện rõ nét vai trò hạt nhân của mình. Có TCCSĐ thực hiện việc quán triệt và triển khai nghị quyết của Đảng tới cán bộ, đảng viên còn qua loa, hời hợt; phương thức lãnh đạo chậm đổi mới; năng lực vận dụng, cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng và các nghị quyết của cấp ủy cấp trên còn yếu, chưa đủ sức giải quyết những vấn đề mới, phức tạp nảy sinh ở cơ sở; chất lượng xây dựng, ban hành nghị quyết để lãnh đạo, chỉ đạo hạn chế, nhất là các lĩnh vực về quản lý nhà nước, phát triển kinh tế thị trường, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn…

 

Một số TCCSĐ chưa thực hiện nghiêm túc chế độ sinh hoạt Đảng theo quy định. Công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đảng viên chưa được coi trọng đúng mức; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn xẩy ra, chậm được phát hiện, ngăn chặn và đẩy lùi. Công tác phát triển đảng ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo chưa được coi trọng. Việc đánh giá, phân loại chất lượng TCCSĐ và đảng viên ở một số địa phương, đơn vị vẫn còn biểu hiện bệnh thành tích, mang tính hình thức, kết quả chưa thực chất.

 

Hệ thống và mô hình TCCSĐ, các tổ chức trong hệ thống chính trị ở nhiều cơ sở còn thiếu thống nhất, không đồng bộ, sắp xếp chưa hợp lý. Ở một số TCCSĐ, sự lãnh đạo chưa gắn chặt với lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và hoạt động của các đoàn thể quần chúng. Bởi vậy, vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của TCCSĐ bị hạn chế. Trong xu hướng phát triển kinh tế nhiều thành phần, nhiều tổ chức doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, công ty cổ phần, hợp tác xã xuất hiện, song việc phát triển tổ chức Đảng, đảng viên trong các tổ chức này chưa được quan tâm đúng mức.

Trong nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, không thể không nói đến sự nhận thức chưa đầy đủ của một số cấp ủy cùng với chế độ chính sách bất cập, chưa đủ sức thu hút cán bộ giỏi, cán bộ được đào tạo cơ bản về công tác tại cơ sở.

 

Chăm lo xây dựng đội ngũ

 

Với quan điểm lấy sự chuyển biến trong tổ chức và hiệu quả hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở là thước đo công tác Xây dựng Đảng, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã thông qua Đề án “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của TCCSĐ và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên giai đoạn 2011-2015 ”. Mục tiêu tổng quát là: Tập trung xây dựng, củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của TCCSĐ. Thực hiện trẻ hóa, tiêu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ cơ sở, chăm lo xây dựng đội ngũ đảng viên thực sự tiên phong, gương mẫu, tạo được sự chuyển biến rõ rệt về chất lượng hoạt động của các loại hình TCCSĐ…

 

Phấn đấu đến năm 2015, cơ cấu cấp ủy viên cơ sở dưới 35 tuổi trong toàn Đảng bộ tỉnh đạt 18% trở lên; tỷ lệ cấp ủy viên cơ sở là nữ khoảng 25%, là dân tộc ít người khoảng 25%; cấp ủy viên cơ sở có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên đạt trên 90%, trình độ lý luận từ trung cấp trở lên đạt 80% trở lên. Riêng đối với 4 chức danh cán bộ chủ chốt cấp xã (gồm bí thư, phó bí thư, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND) phải có trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên, trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên. Phấn đấu trong nhiệm kỳ 2010-2015, mỗi huyện, thị có trên 20%, riêng Thành phố Thái Nguyên có trên 40% số xã, phường, thị trấn có cán bộ cấp huyện, thành, thị luân chuyển về làm cán bộ chủ chốt cấp xã và ngược lại…

 

Các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể đã được đề ra. Trong giai đoạn cách mạng mới, cùng với cả nước hội nhập và phát triển, hơn lúc nào hết chúng ta rất cần sự vào cuộc, ủng hộ của toàn Đảng, toàn dân để TCCSĐ thực sự là hạt nhân chính trị ở cơ sở, lãnh đạo thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng.