Đồng chí Võ Chí Công - Người chiến sỹ cách mạng kiên chung

14:53, 11/09/2011

Đồng chí Võ Chí Công, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nguyên Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhắc tới đồng chí Võ Chí Công là nhắc tới người đã cất tiếng nói và có hành động để góp phần quan trọng vào sự nghiệp ra đời của Chỉ thị 100 với nội dung cơ bản là khẳng định và cho mở rộng khoán cũng như bảo vệ tinh thần Chỉ thị này trong những ngày sóng gió ban đầu.

Cuộc đời hoạt động cách mạng, sự nghiệp và công lao của ông gắn liền với những sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước và dân tộc, từ cách mạng tháng Tám, hai cuộc kháng chiến lâu dài, từ Liên khu Năm, Hạ Lào, Đông Bắc Campuchia, Nam Bộ, đến giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Bản lĩnh của người lãnh đạo cao cấp thể hiện nổi bật ở sự quyết đoán, năng động và dám chịu trách nhiệm trong những thời khắc có tính chuyển biến quyết định của cách mạng và chiến tranh, tận dụng triệt để thời cơ một đi không trở lại để mang lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân.

 

Ngày 8/9/2011 tại Thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Chí Công đã từ trần để lại sự tiếc thương vô hạn cho nhân dân cả nước. Chúng tôi xin giới thiệu đến bạn đọc đôi nét về cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Võ Chí Công -  người chiến sỹ cách mạng kiên trung được nhân dân yêu mến và kính trọng.

 

Đồng chí Võ Chí Công (tức Võ Toàn), sinh ngày 7-8-1913, tại phủ Tam Kỳ - Quảng Nam, trong một gia đình trí thức yêu nước và cách mạng. Ông nội của đồng chí Võ Chí Công tham gia phong trào Cần vương chống Pháp, thân phụ là liệt sĩ Võ Nghiệm (tức Võ Dương) - một yếu nhân của phong trào Duy Tân ở tỉnh Quảng Nam, đồng thời là một trong những đảng viên cộng sản đầu tiên của Đảng trên dẻo đất miền Trung ác liệt. Cụ vừa là thầy dạy chữ, vừa là người truyền dạy tinh thần yêu nước cho các con em trong gia đình. Sau này, cụ Võ Dương là đảng viên trong cùng chi bộ do đồng chí Võ Chí Công làm bí thư. Thực dân Pháp đã nhiều lần bắt, giam cầm, tra tấn cụ, hòng lung lạc tinh thần yêu nước và cách mạng của cụ và gia đình. Nhưng đòn roi và ngục tù đế quốc không thể lay chuyển được ý chí của người cách mạng, cụ vẫn động viên con cái tiếp tục đi theo con đường của Đảng, một lòng một dạ giữ vững khí tiết cộng sản, hy sinh đến hơi thở cuối cùng.

 

Đồng chí Võ Chí Công về thăm các địa phương

 

Được thừa hưởng dòng máu yêu nước cách mạng của gia đình, lại được nuôi dưỡng trên mảnh đất quê hương có bề dày truyền thống văn hiến, kiên cường bất khuất chống giặc ngoại xâm, tuổi thơ của đồng chí Võ Chí Công được rèn đúc trong các phong trào đấu tranh yêu nước sục sôi chống Pháp ở Trung kỳ lúc đó, và đã sớm trở thành một thanh niên yêu nước, giàu nhiệt huyết cách mạng.

 

Năm 1932, khi mới 19 tuổi, đồng chí được kết nạp vào Đảng cộng sản Đông Dương, và chỉ ít lâu sau đồng chí trở thành người lãnh đạo chủ chốt của tổ chức Đảng ở phủ Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.

 

Trong suốt những năm hoạt động cách mạng thời kỳ tiền khởi nghĩa, (trước Cách mạng Tháng Tám 1945), đồng chí liên tục bám dân, trực tiếp lãnh đạo của các cấp bộ Đảng địa phương, xây dựng và phát triển lực lượng quần chúng rộng khắp. Nhờ đó, hàng loạt cơ sở cách mạng và các tổ chức, đoàn thể yêu nước đã ra đời, tập hợp được đông đảo lực lượng nhân dân tham gia, tạo nên phong trào cách mạng sôi nổi trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ (1936-1939) trên địa bàn các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi và nhiều tỉnh khác ở miền Trung.

 

Năm 1940, đồng chí trực tiếp đảm nhận cương vị Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam - một địa bàn địch thường xuyên khủng bố, đánh phá ác liệt, nhưng với tinh thần không quản hy sinh, vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, đồng chí thường xuyên đi sâu đi sát cơ sở, kịp thời chỉ đạo phong trào cách mạng. Giữa năm 1943, đồng chí bị mật thám Pháp bắt và bị đưa đi đày tại Buôn Ma Thuật với mức án 25 năm cấm cố. Sau khi Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), đồng chí được trả tự do, trở về quê nhà và tham gia Uỷ ban khởi nghĩa, lãnh đạo nhân dân giành chính quyền nhanh gọn ở Quảng Nam- Đà Nẵng.

 

Sau Cách mạng tháng Tám, đồng chí Võ Chí Công được phân công đảm trách nhiệm vụ mới, là một trong những người lãnh đạo chủ chốt của Khu uỷ khu V, lãnh đạo nhân dân khu V kháng chiến chống Pháp. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và Quân khu uỷ khu V, nhân dân các tỉnh duyên hải miền Trung đã kiên cường chiến đấu, chia lửa với chiến trường chính Điện Biên Phủ, góp phần vào thắng lợi chung của cả nước, buộc Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ (7-1954), lập lại hoà bình ở Việt Nam.

 

Đầu năm 1953, đồng chí Võ Chí Công được Trung ương triệu tập ra Việt Bắc tham dự Hội nghị toàn quốc của Đảng để bàn về cải cách ruộng đất. Sau đó, đồng chí được giữ lại ở miền Bắc tham gia công tác phát động quần chúng đấu tranh giảm tô, cải các ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức. Với tư cách là người trong cuộc, đồng chí phê phán cách làm rập khuôn, giáo điều dựa vào kinh nghiệm nước ngoài một cách máy móc, dẫn đế những sai lầm, tổn thất cho cách mạng. Từ kinh nghiệm đau xót và bài học được rút ra, sau này cách mạng miền Nam đã tránh được nhiều tổn thất trong việc giải quyết vấn đề ruộng đất và chính sách đối với nông dân ở vùng giải phóng.

 

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Liên Khu V bao gồm cả Nam Trung Bộ và Tây Nguyên là chiến trường khốc liệt. Lực lượng quân Mỹ và chư hầu có lúc tập trung trên chiến trường này tới trên 22 vạn binh lính và sĩ quan, cùng với 17 vạn nguỵ quân và hàng vạn cảnh sát, dân vệ có vũ trang. Chúng tập trung đánh phá, càn quét, không từ một thủ đoạn dã man nào để xoá sổ các căn cứ cách mạng, lập ra “vành đai trắng” hòng ngăn cản sự chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam.

 

Trên cương vị Bí thư Khu uỷ kiêm Chính uỷ Quân khu V, đồng chí Võ Chí Công đã bám trụ kiên cường, tổ chức chỉ đạo quân và dân Khu V chiến đấu không lùi bước. Trong những ngày đen tối của cách mạng miền Nam, Trung ương Đảng đã nhận được những ý kiến nhận định, đánh giá sát thực về tình hình cách mạng miền Nam của đồng chí Võ Chí Công. Trên cơ sở ý kiến của đồng chí, cùng với bản Đề cương về cách mạng miền Nam của đồng chí Lê Duẩn, Ban Chấp hành Trung ương đã xây dựng nên Nghị quyết 15 lịch sử, tạo ra phong trào “Đồng khởi”, mở đầu thời kỳ đấu tranh vũ trang, dùng bạo lực cách mạng để chống lại bạo lực phản cách mạng của kẻ thù ở miền Nam.

 

Đồng chí Võ Chí Công chụp ảnh với các cháu thiếu niên, nhi đồng

 

Dưới sự chỉ đạo của Đảng bộ khu V, trực tiếp là đồng chí Võ Chí Công - Bí thư Khu uỷ, địa bàn khu V luôn đi đầu trong phong trào thi đua diệt Mỹ, góp phần tạo thế đứng quan trọng của ta trên chiến trường miền Nam. Trong cuộc đối đầu ác liệt giữa quân và dân các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên với lực lượng quân sự của Hoa Kỳ và bè lũ tay sai (có gần bốn chục vạn quân Mỹ -Nam Triều Tiên và quân Nguỵ), quân và dân ta đã thể hiện chủ nghĩa anh hùng cách mạng vô song. Mảnh đất Quảng Nam Đà Nẵng quê hương của đồng chí Võ Chí Công được tặng danh hiệu: “Trung dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ.” Chúng ta đã làm thất bại mọi mưu đồ chiến lược và chiến thuật của quân viễn chinh Hoa Kỳ, cho đến khi chúng phải chấp nhận ký Hiệp định Pari (1973), rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam, tạo tiền đề cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mùa Xuân1975.

 

Sau ngày đất nước thống nhất, đồng chí Võ Chí Công được Đảng và Nhà nước phân công giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách khối công-nông-ngư nghiệp. Đây là công việc mới mẻ, phức tạp và nặng nề, nhưng với tác phong làm việc luôn đi sâu đi sát cơ sở, đồng chí đã xuống nhiều địa phương như Vĩnh Phúc, Hà Nam Ninh...để tìm hiểu thực tiễn khó khăn, nhưng vấn đề về cơ chế “trói buộc” nông dân, từ đó có những kiến nghị cụ thể với Trung ương, từng bước tháo gỡ, tạo đà cho việc hình thành tư tưởng “khoán” trong nông nghiệp, mở đầu cho thời kỳ đổi mới diệu kỳ của đất nước. Với những cống hiến quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá VIII, đồng chí Võ Chí Công được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước - nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

 

Trên cương vị nguyên thủ quốc gia, đồng chí Võ Chí Công đã có sự chỉ đạo và hoạt động tích cực, hiệu quả trên lĩnh vực lập hiến và lập pháp, nhằm bổ sung, hoàn thiện hệ thống Hiến Pháp và luật pháp, tạo điều kiện thuận lợi về khung pháp lý và môi trường sản xuất cho công cuộc đổi mới của nhân dân ta thắng lợi.

 

Trên cương vị Chủ tịch Uỷ ban sửa đổi Hiến pháp, dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, đồng chí đã trực tiếp chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hoàn thành việc sửa đổi Hiến pháp 1980 thành Hiến pháp mới - Hiến pháp 1992, Hiến pháp của thời kỳ đổi mới, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên hội nhập và phát triển.

 

Nhìn lại chặng đường hoạt động cách mạng gian khổ, nhưng vô cùng vẻ vang của đồng chí Võ Chí Công, Đảng ta và nhân dân ta rất tự hào, vì đã đào tạo, giáo dục và bồi dưỡng được một đảng viên kiên trung cách mạng, một nhà cách mạng có nghị lực và bản lĩnh phi thường, nhà lãnh đạo đầy tài trí của cách mạng Việt Nam. Đồng chí Võ Chí Công với phẩm chất đạo đức trong sáng: cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, người lãnh đạo được nhân dân kính trọng, yêu mến, đã và sẽ mãi mãi là tấm gương sáng cho các thế hệ người Việt Nam về tinh thần trung thành với tổ quốc, tận tuỵ với công việc, suốt đời phấn đấu hy sinh phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân./.