Ba kinh nghiệm phát triển của Trung Quốc

08:57, 01/10/2011

Đó là: kiên trì sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản; con đường đi lên xã hội chủ nghĩa và chính sách cải cách mở cửa 

Nhân dịp kỷ niệm Quốc khánh nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa (1/10/1949), Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa tại Việt Nam Khổng Huyễn Hựu đã có cuộc trả lời phỏng vấn của báo giới về những thành tựu của Trung Quốc 62 năm qua và quan hệ hai nước Việt Nam-Trung Quốc:

 

PV: Thưa Đại sứ, trong những năm qua, thực hiện chính sách cải cách và mở cửa, nước CHND Trung Hoa đã đạt được những thành tựu to lớn. Xin ông cho biết cụ thể về điều này.

 

Đại sứ Trung Quốc Khổng Huyễn Hựu


Đại sứ Trung Quốc Khổng Huyễn Hựu: Nhìn lại lịch sử 62 năm qua, tôi cho rằng, thành tựu lớn nhất mang tính lịch sử mà Trung Quốc đạt được là, thông qua nỗ lực không biết mệt mỏi của các thế hệ lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc, chúng tôi đã từng bước tìm ra con đường phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa mang đặc sắc Trung Quốc.

 

Trong hơn 30 năm thực hiện chính sách cải cách mở cửa, kinh tế phát triển nhanh chóng, đời sống người dân từng bước được nâng cao. Đến nay, Trung Quốc đã vươn lên là nền kinh tế có tỷ trọng GDP đứng thứ hai thế giới. Tổng kim ngạch thương mại và dự trữ ngoại hối đứng hàng đầu thế giới.

 

Đặc biệt trong thời kỳ suy thoái kinh tế 2008, Chính phủ Trung Quốc áp dụng nhiều biện pháp đúng đắn, kịp thời khắc phục khó khăn, thúc đẩy kinh tế phát triển, đóng góp tích cực vào quá trình phục hồi của nền kinh tế thế giới.

 

Bên cạnh đó, Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với các nước phát triển trên thế giới góp phần thúc đẩy kinh tế thế giới thoát khỏi suy thoái. Hiện nay, kinh tế thế giới tiềm ẩn nhiều rủi ro và thách thức, tuy nhiên Trung Quốc tin tưởng và tiếp tục kiên trì chính sách cải cách mở cửa, đặt mục tiêu đến giữa thế kỷ này, trở thành nước phát triển trung bình của thế giới.

 

PV: Đảng Cộng sản và Nhà nước Trung Quốc luôn sáng tạo, kiên trì giương cao và phát triển Chủ nghĩa Xã hội mang đặc sắc Trung Quốc. Vậy, Trung Quốc đã rút ra những kinh nghiệm và bài học gì, đặc biệt là về phát triển kinh tế.

 

Đại sứ Trung Quốc Khổng Huyễn Hựu: Trong quá trình phát triển, Trung Quốc cũng đã gặp không ít khó khăn, có thành công, cũng có những bài học thất bại. Trong quá trình cải cách mở cửa, đất nước đông dân, kinh tế còn lạc hậu so với các nước phát triển, chất lượng phát triển kinh tế còn lạc hậu. Trung Quốc tiếp tục thực hiện chính sách cải cách mở cửa, chuyển đổi mô hình kinh tế.

 

Đảng chúng tôi nhận thấy, do các địa phương có nhiều đặc điểm riêng, nên cũng gặp một số khó khăn. Do đó thông qua giáo dục, thực hiện thống nhất ý trí trong Đảng là nhiệm vụ quan trọng hiện nay. Trong quá trình xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chúng tôi không ngừng đúc rút kinh nghiệm và rút ra các bài học.

 

Tôi cho rằng, những kinh nghiệm quan trọng của Trung Quốc trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước là: kiên trì sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản; con đường đi lên xã hội chủ nghĩa và chính sách cải cách mở cửa. Đây là 3 kinh nghiệm giải quyết một cách căn bản con đường phát triển của Trung Quốc.

 

Lễ ký một số thoả thuận hợp tác giữa tỉnh Quảng Ninh và Hải Nam và một số tập đoàn kinh tế Việt Nam và Hải Nam, năm 2009

 

PV: Việt Nam và Trung Quốc đều là 2 nước xã hội chủ nghĩa, đã và đang tiến hành công cuộc đổi mới, cải cách và mở cửa vì mục tiêu xây đựng đất nước phồn vinh. Theo ông, 2 nước cần bổ sung cho nhau những điểm gì để cùng phát triển?

 

Đại sứ Trung Quốc Khổng Huyễn Hựu: Trung Quốc và Việt Nam núi liền núi, sông liền sông. Chúng ta đều là các nước xã hội chủ nghĩa, đang ở trong thời kỳ quan trọng xây dựng xã hội chủ nghĩa. Tôi nhận thấy, sau hơn 20 năm cải cách mở cửa, xây dựng xã hội chủ nghĩa, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Nhưng hai nước còn lạc hậu, và đứng trước nhiệm vụ khó khăn về phát triển kinh tế. Nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều bất ổn, thách thức như hiện nay.

 

Chúng tôi cho rằng, chúng ta cần tiếp tục sự nghiệp xã hội chủ nghĩa, hai bên cùng nhau hợp tác để phát triển, trên tất cả các lĩnh vực. Cho dù là Trung Quốc hay Việt Nam, chúng ta đều là các thành viên đại gia đình thế giới, có trách nhiệm đóng góp vào hòa bình và ổn định và phồn vinh của thế giới. Hai bên cần xử lý thỏa đáng các điểm còn tồn tại không nên để ảnh hưởng đến quan hệ hai nước, cũng như khu vực và thế giới.

 

Sau một thời gian đảm nhiệm cương vị Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, tôi nhận thấy Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam hết sức coi trọng phát triển quan hệ với Trung Quốc. Tôi rất tin tưởng vào tương lai phát triển của hai nước, tin tưởng hai nước sẽ đạt được các mục tiêu đã đặt ra trong công cuộc đổi mới và phát triển.

 

*Xin cảm ơn Đại sứ!/.