Gia tăng người trẻ tuổi phạm tội

17:37, 26/10/2011

Sáng 26/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận ở Hội trường về báo cáo công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; Báo cáo công tác của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Báo cáo công tác thi hành án, công tác đặc xá và thảo luận về tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.

Ý kiến của các đại biểu đều đánh giá cao Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các lĩnh vực này. Tuy nhiên, một số đại biểu nêu băn khoăn về tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, cử tri bày tỏ lo ngại thời gian gần đây, đối tượng phạm tội có xu hướng ngày càng ít tuổi, manh động, thậm chí chống lại người thi hành công vụ.

 

Đối với xử lý vi phạm hành chính, đại biểu Trịnh Thị Thanh Bình, đoàn Bến Tre cho rằng còn có nhiều vướng mắc, thể hiện rõ nét là chúng ta chưa có hệ thống văn bản pháp luật đầy đủ, đặc biệt là trong công tác thống kê, xử lý vi phạm hành chính.

 

Về hoạt động xét xử của ngành Tòa án, đại biểu Trương Thái Hiền (đoàn Kiên Giang) nêu băn khoăn về thực trạng số vụ án năm sau luôn cao hơn năm trước, đặc biệt là án dân sự liên quan đến tranh chấp đất đai, chiếm tỷ lệ hơn 30%. Rõ nhất là việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thiếu chính xác. Đại biểu Trương Thái Hiền đề nghị, Bộ Tài nguyên và Môi trường nên xem xét, cho đo đạc lại vùng đất mới khai thác, nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

 

Cùng với đó là chú trọng việc hòa giải ở cơ sở, tăng tình làng nghĩa xóm. Bởi, theo đại biểu Trương Thái Hiền: “Qua thực tiễn công tác xét xử, công tác hòa giải cơ sở là nhệm vụ rất quan trọng và quyết định cho bản án chính xác hay không. Chúng tôi thấy rằng Mặt trận Tổ quốc đã có nhiều cố gắng, nhưng như thế vấn chưa đủ mà phải nỗ lực hơn nữa”.

 

Để hạn chế sự gia tăng của tội phạm, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị các cơ quan pháp luật cần kiên quyết hơn trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, đề xuất nhiều giải pháp tăng cường hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm.

 

Đại biểu Lưu Thị Huyền (đoàn Ninh Bình) nêu ý kiến: “Cần tiếp tục tục đổi mới công tác tuyên truyền nâng cao giáo dục pháp luật, nhất là giáo dục đạo đức, ý thức chấp hành pháp luật cho mọi người. Cần tăng cường sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Ngoài ra, cần có chế tài xử phạt, đủ sức răn đe, ngăn chặn, hạn chế tội phạm”.

 

Các đại biểu cũng nêu nhiều giải pháp đẩy mạnh hơn nữa phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, gắn với cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, nhằm huy động sức mạnh tổng hợp trong công tác đấu tranh phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm; Tăng cường bảo đảm an ninh trật tự và an toàn xã hội ở những vùng, miền trọng điểm về an ninh trật tự.

 

Các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần có cơ chế để các khu dân cư hình thành các mô hình tự quản, đảm bảo an ninh, trật tự; Tăng cường kiểm tra giám sát dịch vụ trò chơi internet, nhà hàng, vũ trường là những nơi dễ tác động đến lớp trẻ và tiềm ẩn nguy cơ phạm tội.

 

Chiều 26/8, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Hội trường về các Báo cáo của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao./.