Tiếp tục xây dựng tổ chức cơ sở Đảng vững mạnh

09:12, 13/10/2011

Năm 1936, tại xã La Bằng, Đại Từ, cơ sở Đảng đầu tiên của tỉnh được thành lập, khi ấy mới chỉ có 4 đảng viên, đến nay tổ chức Đảng và đảng viên không ngừng lớn mạnh về mọi mặt…

Ngày 14-10-1930, Hội nghị Ban Chấp hành TW lâm thời của Đảng tại Hương Cảng (Trung Quốc) thông qua Luận cương chính trị, đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Đông Dương, thông qua Điều lệ Đảng và các nghị quyết về tình hình và nhiệm vụ cấp kíp của Đảng. Tại Hội nghị này, Bộ Tổ chức kiêm giao thông (tiền thân của Ban Tổ chức TW Đảng) được thành lập đánh dấu sự chuyển biến mới trong công tác Tổ chức xây dựng Đảng. Với ý nghĩa lịch sử đó, Ban Bí thư TW Đảng (khoá IX) đã đồng ý lấy ngày 14-10 hàng năm là ngày truyền thống ngành Tổ chức xây dựng Đảng.

 

Ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta thường xuyên chăm lo xây dựng về mọi mặt, trong đó có công tác tổ chức cán bộ. Với Thái Nguyên - Trung tâm Thủ đô kháng chiến năm xưa, ngành Tổ chức xây dựng Đảng không ngừng trưởng thành và phát triển, đóng góp vào sự lớn mạnh của Đảng bộ. Năm 1936, tại xã La Bằng, huyện Đại Từ, cơ sở Đảng đầu tiên của tỉnh được thành lập, khi ấy mới chỉ có 04 đảng viên, đến nay tổ chức Đảng và đảng viên không ngừng lớn mạnh về mọi mặt. Trong những năm qua, ngành Tổ chức xây dựng Đảng của Đảng bộ đã tập trung triển khai toàn diện các nghiệp vụ về công tác Tổ chức xây dựng Đảng, tích cực, chủ động tham mưu cho Đảng bộ không ngừng đổi mới nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng (TCCSĐ); tham mưu cho cấp uỷ các cấp xây dựng các Nghị quyết, đề án củng cố tổ chức Đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên và thực hiện tốt công tác phát triển đảng viên.

 

Tính đến ngày 30-6-2011 Đảng bộ tỉnh có trên 71.000 đảng viên sinh hoạt trong 779 TCCSĐ (đảng bộ cơ sở 345, chi bộ cơ sở 425) được chia thành 06 loại hình đó là: Loại hình TCCSĐ xã, phường, thị trấn; loại hình cơ quan hành chính; loại hình trong đơn vị sự nghiệp; loại hình doanh nghiệp Nhà nước; loại hình công ty cổ phần, công ty TNHH, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và loại hình TCCSĐ trong công an, quân đội.

 

Công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên được quan tâm chú trọng. Trong 5 năm (2006 - 2010) toàn tỉnh đã tổ chức 294 lớp bồi dưỡng nhận thức cho 24.755 quần chúng ưu tú (trong đó có 14.740 quần chúng ưu tú được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng). Trung bình mỗi năm kết nạp được 2.948 đảng viên mới, vượt chỉ tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra (bình quân mỗi năm tăng trên 4% so với tổng số đảng viên). Trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị của đảng viên mới đều tăng qua các năm đã góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên (tính riêng 06 tháng đầu năm 2011 đã kết nạp 1.390 đảng viên tăng 14% so với cùng kỳ năm 2010, trong đó 14,68% có trình độ cao đẳng, 75,75% có trình độ đại học trở lên, 698 đảng viên nữ đạt 50,2%, dân tộc thiểu số 279 đạt 20,07%, dưới 30 tuổi có 902 đảng viên đạt 64,89%, số TCCSĐ có kết nạp đảng viên là 355/779 đạt 45,57%). Công tác kết nạp đảng viên luôn gắn với củng cố tổ chức cơ sở Đảng, thành lập chi bộ, nhất là ở xóm, tổ dân phố hiện còn sinh hoạt ghép. Nếu như năm 2006 toàn tỉnh có 701 xóm, tổ dân phố chưa có chi bộ, 18 xóm, tổ dân phố chưa có đảng viên thì đến nay chỉ còn 304 (giảm được 397 đơn vị chưa có chi bộ) và 04 xóm, tổ dân phố chưa có đảng viên (giảm được 14 đơn vị).

 

Bên cạnh việc hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển đảng viên, hệ thống Tổ chức xây dựng Đảng của Đảng bộ tỉnh không ngừng được củng cố, phát triển. Ghi nhận những cống hiến đó, ngành Tổ chức xây dựng Đảng tỉnh đã được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba và nhiều phần thưởng cao quý khác. Phát huy truyền thống đã đạt được, trong thời gian tới, ngành Tổ chức xây dựng Đảng tỉnh xác định: tiếp tục đổi mới, chủ động, sáng tạo phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tham mưu cho cấp uỷ về chủ trương, chính sách thuộc lĩnh vực tổ chức, cán bộ, đảng viên và bảo vệ chính trị nội bộ của cả hệ thống chính trị, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của đảng, đặt biệt là công tác phát triển Đảng. Để thực hiện tốt công tác kết nạp đảng viên, trong thời gian tới cần tập trung làm tốt các giải pháp sau: Thường xuyên lãnh đạo công tác tư tưởng, giáo dục chính trị cho toàn thể cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức - lao động; Thường xuyên lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, xây dựng TCCSĐ và chi bộ trong sạch, vững mạnh; gắn công tác kết nạp đảng viên với việc củng cố, kiện toàn tổ chức cơ sở Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên.

 

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khoá VIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; thực hiện phòng chống tham nhũng có hiệu quả, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đảng viên, củng cố niềm tin của quần chúng đối với Đảng; nắm vững điều kiện, nguyên tắc, thủ tục kết nạp đảng viên; làm tốt công tác thẩm tra xác minh hồ sơ của người xin vào Đảng theo đúng quy định của Trung ương; đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng sinh hoạt của chi uỷ, đảng uỷ, chi bộ, đảng bộ trọng tâm là sinh hoạt chi bộ trong các loại hình TCCSĐ, thực hiện nghiêm túc công tác phê bình và tự phê bình trong Đảng, thực hiện tốt công tác phát triển đảng viên, phấn đấu hàng năm các TCCSĐ kết nạp đảng viên tăng trên 4% so với tổng số đảng viên. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, tập trung chỉ đạo công tác kết nạp đảng viên, sớm khắc phục tình trạng các xóm, tổ dân phố, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, đơn vị trường học, doanh nghiệp chưa có tổ chức đảng, có ít hoặc chưa có đảng viên.