Ưu tiên giảm lạm phát, phát huy hiệu quả đầu tư công

14:32, 27/10/2011

Giảm lạm phát, quản lý chặt nợ công, đưa ra những chính sách tài chính ổn định là nội dung trọng tâm Quốc hội thảo luận sáng 27/10. 

Sáng 27/10, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội làm việc tại hội trường với phần thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015; Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2011 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2012.

 

Trong phần thảo luận, đa số các đại biểu tập trung đưa ra các giải pháp nhằm giảm lạm phát, nợ công, chính sách tài chính-tài khoá phù hợp.

 

Giảm lạm phát xuống 1 con số

 

Đại biểu Nguyễn Cao Sơn (đoàn Hòa Bình) cho rằng: Năm 2011, nền kinh tế chịu tác động nhiều của nhiều yếu tố trong và ngoài nước. Trong nước, tình hình lạm phát tăng cao, lũ lụt diễn biến phức tạp, hoạt động sản xuất của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn đã ảnh hưởng tới đời sống của nhân dân.

 

Với sự điều hành linh hoạt của Chính phủ, nỗ lực của các ngành, các cấp, tình hình phát triển kinh tế-xã hội năm 2011 đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Đến nay, lạm phát đã giảm xuống 18,7%; chỉ số CPI tháng 9 tăng 0,82% (thấp nhất trong vòng 12 tháng qua), thu ngân sách đảm bảo tiến độ kế hoạch, mức nhập siêu giảm, xuất khẩu đạt tốc độ tăng trưởng hơn năm 2010, an sinh xã hội được đảm bảo. Tuy nhiên, nền kinh tế vĩ mô tăng trưởng chưa vững chắc, lạm phát tuy đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao, xu hướng nợ xấu trong tín dụng gia tăng, lãi suất tại ngân hàng vẫn ở mức cao đã ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Những bất cập này cần được Chính phủ và các Bộ, ngành quan tâm và đưa ra những giải pháp mạnh mẽ hơn.

 

Theo đại biểu Nguyễn Cao Sơn, Chính phủ cần đưa ra những giải pháp trong điều hành kinh tế những tháng cuối năm, tiếp tục thực hiện Nghị quyết XI. Muốn ngăn chặn lạm phát phải có chính sách đồng bộ về chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ.

 

Kinh tế nước ta luôn lặp lại chu kỳ: Lạm phát-suy giảm-lạm phát. Do đó, Chính phủ cần có những giải pháp hài hòa giữa ổn định kinh tế vĩ mô với kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô với tăng trưởng bền vững. Ngoài ra, Chính phủ cần tập trung mục tiêu phát triển kinh tế dài hạn. Trước tiên, có thể chấp nhận giải pháp hạ lạm phát từ từ để gắn thúc đẩy phát triển kinh tế. Hiện nay, chỉ số ICO của Việt Nam đã cải thiện đáng kể nhưng vẫn còn ở mức cao so với các nước trong khu vực và thế giới. Chính phủ cần có giải pháp giảm dần lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng vì đến cuối năm, cần nhiều vốn để sản xuất kinh doanh. Nếu nút thắt này không được tháo gỡ thì nguy cơ thiếu nguồn cung hàng hoá sẽ xảy ra.

 

Thời gian qua, các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải chịu tác động rất lớn từ bất ổn của nền kinh tế thế giới và trong nước. Các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng thương mại và tổ chức tài chính. Theo số liệu từ Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, chỉ có khoảng 20% doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn nước ngoài thường xuyên. Để gỡ khó cho các doanh nghiệp, các Bộ, ngành liên quan cần phối hợp hoàn thiện đề án Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.

 

Ưu tiên của Chính phủ là giảm lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP HCM) nhận định: Do chính sách thắt chặt tiền tệ và tài khoá, chúng ta đã giảm được chỉ số CPI nhưng mức giảm hàng hoá vẫn chưa khả quan. Do đó, trong năm 2012, Chính phủ cần phấn đấu giảm lạm phát xuống còn 1 con số, còn nếu như chỉ số CPI vẫn ở mức 2 con số như hiện nay thì chúng ta sẽ mất hết những thành quả kinh tế đã đạt được trong nhiều năm qua.

 

Xung quanh vấn đề này, đại biểu Trương Minh Hoàng (đoàn Cà Mau) nêu ý kiến: Chính phủ cần đưa ra quyết tâm chống lạm phát năm 2012 xuống dưới 1 con số, trước mắt là chưa đưa ra con số tăng trưởng kinh tế quá cao.

 

Song song với vấn đề giảm lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, Chính phủ cần nghĩ tới tái cấu trúc nền kinh tế. Đó là quan điểm của đại biểu Hà Ngọc Chiến (đoàn Cao Bằng). Theo đó, tái cấu trúc nền kinh tế phải phù hợp, trong đó có tái cơ cấu ngân hàng phải có lộ trình cụ thể nhằm tránh ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế vĩ mô.

 

Dự án đầu tư công chưa hiệu quả

 

 Cần phát huy hiệu quả các dự án đầu tư công

 

Quản lý nợ công và sử dụng hiệu quả đầu tư công là vấn đề cũng cần quan tâm trong thời gian tới. Đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP HCM) đưa ra nhận định như vậy.

 

 

Theo đại biểu Trần Du Lịch, 6 nhóm giải pháp của Nghị quyết XI đề ra là phải đồng bộ nhưng khi tiến hành triển khai trong thực tiễn, vẫn còn những bất cập.

 

Chính sách tiền tệ và tài khoá, thắt chặt đầu tư công vẫn chưa đạt được như kế hoạch đề ra. Đầu tư công vẫn tăng tới 15%, với 23.000 tỷ đồng. Cụ thể là trong một năm, chúng ta phê duyệt trên 20.000 dự án, trong đó có 15.000 dự án tiếp tục đầu tư, hơn 5.400 dự án đầu tư mới. Những dự án này chủ yếu là do nước ta phải vay tiền nước ngoài. Vì vậy, cần quản lý, siết chặt nợ công.

 

Đại biểu Trần Du Lịch cho rằng, Chính phủ cần đưa ra quy định nợ công đến mức nào, ngưỡng nào là an toàn. Với điều kiện kinh tế như nước ta hiện nay, không thể không vay tiền nước ngoài để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, điều chúng quan tâm hiện nay là thất thoát trong đầu tư xây dựng không hiệu quả. Hiện nay, không chỉ có nhiều dự án đầu tư trong khối doanh nghiệp Nhà nước kém hiệu quả mà ở doanh nghiệp ngoài Nhà nước cũng chậm phát triển. Nguyên nhân là do sự hấp thụ, phát huy các dự án kém hiệu quả; nguồn nhân lực, năng lực quản lý các dự án còn yếu kém. Nếu không nâng cao năng lực quản trị các dự án đầu tư, nợ công của nước ta sẽ ngày càng tăng lên. Vì vậy, Nhà nước cần cân nhắc đầu tư vào đâu có hiệu quả, việc đầu tư phải huy động được nguồn vốn trong xã hội.

 

Đồng ý với quan điểm trên, đại biểu Lê Phước Thanh (đoàn Quảng Nam) cho rằng: Cần phải rà soát đầu tư công. Trong thời gian qua, đầu tư công cho các công trình còn dàn trải nhưng hiệu quả chưa cao.

 

Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Cao Sơn nêu ý kiến, Chính phủ cần đưa ra các giải pháp điều hành các dự án đang thi công thực hiện bằng nguồn ngân sách. Với giá nguyên vật liệu biến động như đầu năm 2011 đã tăng trên 20%, trong khi đó mức dự phòng cho việc trượt giá 10% thì các doanh nghiệp xây dựng sẽ không bù đắp được chi phí dẫn đến việc thi công kéo dài, gây lãng phí.

 

Tập trung cắt giảm đầu tư công, ưu tiên cho phát triển nông nghiệp-nông dân-nông thôn, các công trình trọng điểm, ưu tiên cho các tỉnh nghèo. Đại biểu Hoàng Đăng Quang (tỉnh Quảng Bình) đề xuất như vậy và cho rằng, việc giảm đầu tư công phải đảm bảo năm 2012, mức tăng trưởng kinh tế là 6-6,5% GDP. Việc cắt giảm không nên cào bằng ở các địa phương để vẫn đảm bảo an sinh xã hội./.