600 người tham nhũng bị phát hiện mỗi năm

08:26, 30/11/2011

Cơ quan tố tụng đã khởi tố bình quân mỗi năm khoảng 280 vụ với hơn 600 bị can về các tội tham nhũng. Tuy nhiên, số vụ việc được phát hiện và xử lý còn thấp so với thực tế.

Tại buổi đối thoại về phòng, chống tham nhũng lần thứ 10 được tổ chức tại Hà Nội ngày 29/11, Văn phòng Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng cho biết trong 5 năm (2007-2011), các cơ quan tố tụng đã khởi tố bình quân mỗi năm khoảng 280 vụ với hơn 600 bị can về các tội tham nhũng.

 

Ông Cấn Đức Quyết (Vụ trưởng Vụ nghiên cứu tổng hợp) cho rằng, công tác phòng chống tham nhũng đang có chuyển biến. Các biện pháp phòng ngừa được triển khai rộng rãi; nhiều án nghiêm trọng phức tạp được phát hiện xử lý... Có được những kết quả đó, Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng trung ương đã thực hiện nhiều giải pháp phòng ngừa như: công khai minh bạch hoạt động của các cơ quan, tổ chức (tập trung nhiều ở các lĩnh vực đầu tư xây dựng, quản lý đất đai, sử dụng ngân sách...); minh bạch tài sản thu nhập; xử lý trách nhiệm của người đứng đầu... Đặc biệt, việc hợp tác quốc tế về phòng chống tham nhũng được mở rộng.

 

"Vụ nhận hối lộ của ông Huỳnh Ngọc Sĩ (cựu giám đốc ban quản lý Dự án Đại lộ Đông Tây và Môi trường nước TP HCM) và một số vụ việc khác liên quan nước ngoài đang được các cơ quan chức năng tích cực xem xét thông qua con đường ngoại giao, tương trợ tư pháp để tiếp cận, chuyển hóa hồ sơ", đại diện Văn phòng Ban chỉ đạo dẫn chứng.

 

Dù đã nỗ lực, Ban chỉ đạo cũng thẳng thắn nhìn nhận, số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện và xử lý còn thấp so với tình hình thực tế đang diễn ra.

 

Tại buổi đối thoại lần thứ 10, VnExpress.net ghi nhận nhiều đại sứ các nước đánh giá cao công tác phòng chống tham nhũng của Việt Nam. Họ cho rằng, Việt Nam muốn kêu gọi các nước đầu tư cần coi tính minh bạch là việc đương nhiên phải làm trong phòng, chống tham nhũng. "Thời gian tới, mọi việc đều phải thể hiện qua hành động chứ không chỉ dừng lại ở các văn bản mang tính pháp lý chung chung", đại diện New Zealand nói.

 

Theo đại diện Ngân hàng Thế giới, cuộc chiến chống tham nhũng ở quốc gia nào cũng rất quan trọng, đặc biệt với những nước đang phát triển. Tuy nhiên, để làm được điều này việc minh bạch ở ngành y tế, chi tiêu công, giao thông vận tải... phải được thực hiện thường xuyên.

 

Đại diện Liên hiệp quốc đề nghị đã đến lúc công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam nói phải đi đôi với hành động để người dân cảm nhận được nỗ lực của các bộ ngành trong lĩnh vực này. Liên hiệp quốc cũng cho rằng những đóng góp của các đại biểu trong buổi đối thoại này là cơ hội để Ban chỉ đạo nhìn nhận những bất cập để từ đó đưa ra giải pháp thích hợp trong thời gian tới.

 

Trong lần thứ 10 tổ chức đối thoại về phòng, chống tham nhũng này, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá Việt Nam đang nỗ lực vượt qua nhiều thức thách để tiếp tục phát triển.

 

Phó thủ tướng cho rằng, không thể có hình mẫu thích hợp cho mọi quốc gia. Mỗi chính phủ để ổn định và phát triển đất nước phải tìm tòi, lựa chọn con đường thích hợp cho mình trên cơ sở tiếp thu những kinh nghiệm, những bài học thành công và thất bại của các nước khác.

 

"Chúng tôi muốn nhận được sự đóng góp, chia sẻ những sáng kiến kinh nghiệm của bạn bè, đối tác để ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng...", Phó thủ tướng nói.