APEC đẩy mạnh tự do hóa thương mại và đầu tư

07:55, 11/11/2011

Hành động này sẽ góp phần tạo ra công ăn việc làm, phục hồi nền sản xuất.

Hôm nay (10/11), các nhà lãnh đạo và quan chức cấp cao của 21 quốc gia thành viên Diễn đàn kinh tế châu Á- Thái Bình Dương (APEC) đến Hawaii để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh APEC lần thứ 19 do Mỹ đăng cai tổ chức. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự hội nghị. Đây là cơ hội để Việt Nam thúc đẩy quan hệ chính trị, thương mại và đầu tư với các đối tác trong APEC, đồng thời chứng tỏ vai trò thành viên tích cực của Việt Nam tại Diễn đàn này.

 

Diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vẫn phục hồi chậm chạp sau khủng hoảng, trong khi “căn bệnh” nợ công đang hoành hành tại châu Âu và Mỹ, Hội nghị thượng đỉnh APEC 19 được xem là một trong những cơ chế hợp tác kinh tế quan trọng để vượt lên những khó khăn trước mắt, thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu.

 

Với chủ đề “Tăng cường liên kết kinh tế khu vực và mở rộng thương mại”, APEC 19 tập trung vào 3 nội dung: liên kết kinh tế khu vực và mở rộng thương mại, tăng trưởng xanh và tăng cường đồng bộ chính sách.

 

Có thể thấy rằng, những vấn đề được đặt lên bàn nghị sự của Diễn đàn lần này không nằm ngoài mục tiêu đáp ứng những yêu cầu cấp bách nhất của các nền kinh tế hiện nay. Đẩy mạnh tự do hóa thương mại và đầu tư vẫn ưu tiên số một, để từ đó tạo ra công ăn việc làm, phục hồi nền sản xuất.

 

Việc Mỹ- với tư cách nước chủ nhà – sẽ công bố khung Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương cũng là tín hiệu mới cho tương lai của một khu vực tự do thương mại mà APEC đang hướng tới.

 

Năm 2010, tại Hội nghị thượng đỉnh APEC 18 ở Nhật Bản, các thành viên đã lên kế hoạch cho “Tầm nhìn Yokohama”, theo đó ủng hộ sự hội nhập sâu rộng kinh tế và tăng cường an ninh, thông qua việc cụ thể hóa dự án Khu vực mậu dịch tự do ở châu Á-Thái Bình Dương.

 

Hiện chiếm hơn một nửa sản lượng kinh tế thế giới và chiếm hơn 40% thương mại toàn cầu, APEC tiếp tục khẳng định là cơ chế hợp tác hiệu quả sau hơn 20 năm hình thành và phát triển. Tuy nhiên, APEC vẫn đang tích cực đẩy mạnh các nỗ lực cải cách nhằm nâng cao vị thế trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế thế giới và trước sự nổi lên của một số cơ chế như Cấp cao Đông Á hay G20. Và mặc dù ấp ủ những ý tưởng lớn, song APEC cũng còn phải bước trên con đường chông gai để tiến tới mục tiêu xóa bỏ hàng rào thuế quan tại khu vực vô cùng rộng lớn này.

 

Từ khi gia nhập APEC tháng 11/1998, Việt Nam luôn tham gia một cách tích cực, chủ động và có trách nhiệm vào Diễn đàn APEC. Có thể kể đến đóng góp nổi bật của Việt Nam khi tổ chức thành công Năm APEC 2006. Hội nghị thượng đỉnh APEC 2006 đã phê chuẩn Chương trình Hành động Hà Nội; thông qua các khuyến nghị cải cách APEC với nhiều biện pháp cụ thể nhằm làm cho APEC ngày càng có sức sống mạnh mẽ, năng động, hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, Việt Nam còn tích cực xây dựng các nội dung hợp tác, các Chiến lược và Kế hoạch hành động của APEC trong tất cả các lĩnh vực, thực hiện nghiêm túc các cam kết của APEC, chủ động đề xuất nhiều sáng kiến mới và đã triển khai thành công khoảng 70 sáng kiến trên hầu hết các lĩnh vực thương mại, đầu tư, kỹ thuật, y tế, đối phó với tình trạng khẩn cấp, đảm bảo an ninh…

 

Tham gia APEC, Việt Nam cũng có điều kiện tiếp cận tốt hơn với nguồn vốn, công nghệ hiện đại và kinh nghiệm quản lý thông qua các hoạt động đầu tư, thương mại với các thành viên APEC, trong đó có những nền kinh tế hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Canada.

 

Trong bối cảnh vị thế của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế và khu vực không ngừng được nâng cao, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao APEC 19 là nhằm tiếp tục triển khai đường lối của Nghị quyết XI về chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Tham dự các hội nghị cấp cao APEC là dịp để Việt Nam tranh thủ các chương trình hợp tác phù hợp của APEC để thiết thực góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới mô hình tăng trưởng ở Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam thúc đẩy quan hệ chính trị, thương mại, đầu tư với các đối tác, làm sâu sắc hơn quan hệ giữa Việt Nam với các thành viên APEC.

 

Việt Nam cũng như các thành viên khác trong APEC kỳ vọng Hội nghị cấp cao lần này sẽ đề ra những bước đi mới giúp các nền kinh tế tăng trưởng và hướng tới phát triển bền vững. Điều đó là hết sức quan trọng đối với tương lai của APEC, cũng như của mỗi quốc gia thành viên./.