- Cần phải đuổi ra khỏi Đảng những kẻ gian giảo, những đảng viên cộng sản đã quan liêu hóa, không trung thực, nhu nhược - Lênin tuyên bố.
Cuộc Cách mạng tháng Mười năm 1917 do Đảng của giai cấp vô sản Nga lãnh đạo, đưa tới sự ra đời một kiểu nhà nước mới. Nhà nước ấy - Liên bang CHXHCN Xô Viết (gọi tắt là Liên Xô) - chỉ tồn tại 74 năm (1917-1991); nhưng những bài học về đảng cộng sản lãnh đạo nhân dân làm cách mạng giành chính quyền và xây dựng chính quyền; về vấn đề quản lý nhà nước, quản lý xã hội... khi đảng cộng sản đã trở thành đảng cầm quyền thì sẽ trường tồn.
Sự tan rã của hệ thống XHCN ở cuối thế kỷ XX và những thành công cũng như sai lầm, khuyết điểm của Đảng ta trong lãnh đạo xây dựng CNXH sau khi thống nhất đất nước (1975) càng chứng tỏ: Cuộc cách mạng Nga tuy đã lùi xa nhưng bài học của nó vẫn còn nguyên giá trị.
1- Thanh đảng
Xây dựng Đảng không thể xuất phát từ ý muốn chủ quan, cũng không thể chỉ bằng vào những kinh nghiệm của thời kỳ Đảng lãnh đạo chiến tranh mà phải xuất phát từ tình hình kinh tế - xã hội đang biến chuyển theo quy luật tất yếu của nó.
Về nguyên tắc, lãnh đạo bao giờ cũng phải tính đến hiệu quả và thành quả. Vì thế Đảng Cộng sản lãnh đạo cách mạng trong tình hình mới phải nhận thức sâu sắc rằng “ngày nay những thành quả của cách mạng không thể nào giống với những thành quả trước kia nữa. Tất nhiên, những thành quả đó phải thay đổi tính chất vì mặt trận quân sự đã nhường chỗ cho mặt trận kinh tế, vì chúng ta đang chuyển sang chính sách kinh tế mới...”.
Theo Lênin, cách mạng cần phải hiểu theo nghĩa là đấu tranh khắc phục mọi sự trì trệ, bảo thủ, sự ngu dốt, xa rời quần chúng, quan liêu, tham nhũng, hám danh, cơ hội, gian manh, mọi biểu hiện của sự tha hóa đạo đức và lối sống làm ô danh Đảng... vì nó có thể dẫn tới “làm tan rã giai cấp vô sản và đảng”.
Xây dựng Đảng phải làm tích cực, ráo riết, quyết liệt, phải bắt đầu từ việc thanh đảng. Lênin tuyên bố: “Cần phải đuổi ra khỏi Đảng những kẻ gian giảo, những đảng viên cộng sản đã quan liêu hóa, không trung thực, nhu nhược...”.
Nhiều năm qua, chúng ta vẫn xác định xây dựng Đảng là then chốt. Chúng ta tìm được ba điều mấu chốt rất đơn giản, đúng đắn, chắc chắn, rõ ràng như một công thức toán học, rút ra từ kinh nghiệm của cuộc Cách mạng tháng Mười Nga do Lênin lãnh đạo. Ba điều mấu chốt đó là: 1) dựa chủ yếu vào chỉ dẫn của quần chúng lao động ngoài đảng; 2) thanh đảng từ lãnh đạo tối cao đến cơ sở; 3) không vì nể cá nhân, trọng sự trong sạch vững mạnh, uy tín , danh dự của Đảng và lợi ích của nhân dân, dân tộc chứ không phải trọng chức vụ.
Ở nước ta, ngay từ buổi đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, ngày 18/1/1949, trong lần nói chuyện với hội nghị cán bộ của Đảng, Hồ Chủ tịch đã chỉ rõ: “Muốn làm được những việc trên (lãnh đạo kháng chiến, kiến quốc, chấn chỉnh bộ máy chính quyền và các đoàn thể... - NV), trước hết phải chỉnh đốn nội bộ Đảng... Đảng ví như cái máy phát điện, các công việc trên ví như những ngọn đèn, máy mạnh thì đèn sáng”.
2- Chấn chỉnh tổ chức, nhân sự và giải quyết tốt mối quan hệ giữa Đảng với các cơ quan chính quyền
Thực hiện chính sách kinh tế mới thì một vấn đề cực kỳ quan trọng là phải chấn chỉnh bộ máy nhà nước, phải làm cho nó tinh gọn, hoạt động có hiệu lực và hiệu quả. Đã qua rồi cái thời cứ nói mãi về canh tân, về đổi mới vì vấn đề bây giờ là thực hiện nó như thế nào chứ không cần “nói những lời rỗng tuếch, những lời ba hoa... chạy ngược, chạy xuôi tíu tít... cải tổ các cơ quan và lập ra các cơ quan mới”, như Lênin từng chỉ ra.
Khi mà công việc quản lý nhà nước có nhiều bê trễ, tình trạng quan liêu, thói a dua chạy theo hình thức, xa hoa, lãng phí, không có kiểm kê, kiểm soát, không biết tính toán tiền nong cho kỹ lưỡng, tình trạng tham nhũng, ăn hối lộ lây lan như bệnh dịch thì không những không thực hiện được chính sách kinh tế mới vì mục tiêu tốt đẹp của CNXH mà còn làm cho những người lao động mất cảm hứng, mệt mỏi và họ sẽ chê trách, nhạo báng những người cộng sản.
Lênin thẳng thắn nhận định: “Hiện nay, nông dân và công nhân sẽ cười, nếu người ta cứ ra lệnh cho họ thành lập, cải tổ cơ quan này hay cơ quan khác. Người công nhân và nông dân bình thường sẽ không thiết tha đến việc đó nữa, và họ làm như thế là phải, vì trọng tâm không phải là ở đấy”.
Mấu chốt vấn đề là ở chỗ quần chúng nhìn thấy rất rõ nhiều cán bộ không tương xứng với chức quyền, tổ chức đã sai lầm trong công tác nhân sự, đặt người không đúng chỗ, giao cho những người cộng sản không biết làm việc nhưng lại cản trở không cho quần chúng biết rõ sự thật vì đằng sau những người ấy “là cả một bọn ăn cắp và bọn con buôn lẩn lút rất tài”.
Điểm căn bản, theo Lênin, là “hãy chọn những người xứng đáng và phải kiểm tra việc chấp hành thực tiễn: làm như thế nhân dân sẽ tán thành. Vì trong quần chúng nhân dân, chúng ta chỉ tựa như một giọt nước trong đại dương, và chỉ khi nào biểu hiện được đúng ý nguyện của nhân dân, thì chúng ta mới quản lý nhà nước được”.
Tổ chức bộ máy và nhân sự của chính phủ ở nước Nga khi đó quá cồng kềnh và bất lực. Đọc báo cáo tình hình tại Đại hội XI Đảng Cộng sản Nga, Lênin chỉ rõ: Chính phủ Nga có 18 bộ thì ít nhất là 15 bộ quá kém, không thể tìm đâu ra một vị bộ trưởng tốt. Về các ban thuộc Hội đồng bộ trưởng thì nhiều vô hạn, trước đó có 120 ban, theo Lênin thì chỉ cần 16 thôi, Nhiều vị bộ trưởng không thấy trách nhiệm cá nhân mà chỉ ẩn nấp, du đẩy.
“Đến thánh cũng không biết đâu mà lần trong các ban đó, không làm thế nào mà tìm ra được người chịu trách nhiệm cả; mọi cái đều rối tung và cuối cùng, người ta đưa ra một nghị quyết trong đó tất cả mọi người đều chịu trách nhiệm”. Bài học này với chúng ta hẳn vẫn còn nguyên giá trị, ví như việc đổ vỡ của Vinashin vừa qua, chúng ta kết luận do nguyên nhân chủ quan, nhưng chủ quan là ai thì không rõ.
Vấn đề quan trọng nữa là về mặt thực tiễn mối quan hệ giữa các cơ quan Xô-viết, các cơ quan cao cấp và thái độ của Đảng đối với các cơ quan đó. Lênin cho rằng đây là một vấn đề khó vì ở nước Nga chỉ có một đảng cầm quyền duy nhất đang lãnh đạo, và Người cũng thừa nhận: “Giữa đảng và các cơ quan Xô-viết, hiện đã có những quan hệ không đúng... Đó cũng là lỗi lớn của tôi”.
Người cho rằng cần phải sửa chữa, Bộ Chính trị nên tập trung vào công tác giáo dục chính trị, không nên ôm đồm, giải quyết công việc thay cho cơ quan nhà nước mà “phải chú ý nhiều hơn nữa đến kiểm tra tình hình chấp hành”, cần phải tập trung vào công tác giáo dục đảng viên và lựa chọn cán bộ vì “mấu chốt và thực chất của tình hình chính trị hiện nay: đặt trọng tâm vào việc lựa chọn người, vào việc kiểm tra sự chấp hành công tác thực tế”.
Tại Đại hội XI của Đảng Cộng sản (B) Nga, tháng 3/1922, tức là Đảng chỉ mới cầm quyền được hơn 4 năm sau cuộc Cách mạng Tháng Mười, người đứng đầu Đảng đồng thời là chủ tịch Hội đồng bộ trưởng dân ủy đã công khai và thẳng thắn tự chỉ trích rằng: “Cần phải thừa nhận, và không nên sợ phải thừa nhận rằng trong 100 trường hợp thì có đến 99 trường hợp là những người cộng sản phụ trách không được sử dụng đúng theo khả năng của họ; họ không biết tiến hành công việc của họ...”.
Thiết nghĩ, bài học nói trên không phải là điều xưa cũ mà nó vẫn đang còn nguyên giá trị thực tiễn cho Đảng ta để đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước - một vấn đề đã từng được ghi vào Nghị quyết không dưới 5 kỳ Đại hội.
Hãy học Lênin và Hồ Chí Minh, nhìn thẳng vào sự thật để hiểu được tâm trạng của nhân dân xem hiện nay họ đang nghĩ gì về những yếu kém, trì trệ của cấp lãnh đạo, về không ít cán bộ đảng viên các cấp không được đặt đúng chỗ, về tác phong ngông nghênh, ba hoa sáo rỗng, như Hồ Chí Minh từng chỉ rõ, “nói mênh mông trời đất. Nói gì cũng có. Nhưng chỉ chừa một điều không nói đến là những việc thiết thực cho địa phương đó, những việc mà dân chúng ở đó cần biết, cần hiểu, cần làm, thì không nói đến” hoặc hứa hão, hứa rồi lờ đi, nói không đi đôi với làm.