Chính phủ bàn giải pháp vượt khó

08:12, 05/11/2011

- Thủ tướng lưu ý các thành viên Chính phủ cần phải tính toán đến độ trễ của chính sách, để tính toán phương án điều hành ngay từ bây giờ.

Trong hai ngày 3 và 4/11, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 nhằm đánh giá tình hình kinh tế xã hội tháng 10 và 10 tháng qua, cũng như tiếp tục đánh giá cụ thể tác động của Nghị quyết 11 của Chính phủ đến nền kinh tế.

 

Dù còn nhiều khó khăn và thách thức, nhưng Chính phủ kiên định tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt và linh hoạt các biện pháp đề ra trong Nghị quyết 11 nhằm đạt mục tiêu kiềm chế lạm phát và tăng trưởng kinh tế đã đề ra.

 

Theo đánh giá chung của các thành viên Chính phủ: Tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng qua đã dần đi vào ổn định, lạm phát tháng 10 tiếp tục được kiềm chế ở mức tăng thấp nhất 0,36% kể từ tháng 9 năm ngoái; kim ngạch xuất khẩu tính chung 10 tháng đạt trên 78 tỷ USD, cao hơn 3 lần chỉ tiêu kế hoạch đề ra, nhập siêu tiếp tục giảm mạnh; tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ cũng tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước; nhiều chính sách xã hội được triển khai quyết liệt, góp phần giảm bớt khó khăn và từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân…

 

Các thành viên Chính phủ cũng phân tích những thách thức trước mắt đối với nền kinh tế cần tập trung giải quyết, nhất là nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; lãi suất bước đầu tuy đã giảm nhưng chưa giảm được theo tốc độ giảm của lạm phát; áp lực tăng giá trong những tháng cuối năm; tốc độ sản xuất công nghiệp giảm dần; hàng tồn kho tăng cao…

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý thêm với các thành viên Chính phủ cần phải tính toán đến độ trễ của chính sách, nhất là việc thắt chặt tiền tệ sẽ tác động đến những tháng cuối năm và đầu năm tới để tính toán phương án điều hành ngay từ bây giờ.

 

Thủ tướng nêu rõ: Trong 2 tháng cuối năm nay tiếp tục kiên định Nghị quyết 11 của Chính phủ, thực hiện đồng bộ các giải pháp, chặt chẽ, linh hoạt và phù hợp nhằm kiểm soát lạm phát khoảng 18% và tăng trưởng ít nhất cũng phải 6% trong cả năm nay.

 

Trên tinh thần này, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước năng động linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng với các phương án cụ thể nhằm đạt mục tiêu lạm phát và tăng trưởng không chỉ trong năm nay và cả năm tới; đồng thời kiểm soát tỷ giá và kéo giảm lãi suất giảm theo tốc độ giảm của lạm phát. Có như vậy mới tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

 

Cùng với tăng cường công tác quản lý giá gắn với cân đối đủ hàng hóa thiết yếu, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành cần tính toán ngay các biện pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh như tăng thêm thời gian miễn giảm thuế cho doanh nghiệp, ưu đãi thuế cho các sản phẩm đang lợi thế, tăng tín dụng ưu tiên cho các lĩnh vực thiết yếu phù hợp với nhu cầu thực tế…

 

Thủ tướng cũng yêu cầu tăng cường kiểm tra đảm bảo tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng, nhất là liên quan đến bất động sản, gắn với khẩn trương hoàn thành xây dựng đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và các định chế tài chính một cách chặt chẽ theo hướng tăng quy mô hợp lý so với nền kinh tế và lộ trình, đồng thời kiên quyết giảm những ngân hàng yếu kém, làm ăn sai trái, gian lận…, dứt khoát không để ngân hàng nào đổ vỡ ngoài tầm kiểm soát của Chính phủ, đi liền với đó là bảo đảm lợi ích của người gửi tiền chính đáng….

 

Thủ tướng cũng tái khẳng định quyết tâm tái cơ cấu đầu tư công và doanh nghiệp nhà nước. Nhiệm vụ trước mắt, các bộ, ngành, địa phương tăng cường giám sát đầu tư từ vốn NSNN và trái phiếu Chính phủ, bảo đảm bố trí vốn tập trung, cơ cấu lại vốn đầu tư tập trung cho các dự án hoàn thành sớm đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả, đồng thời, huy động các nguồn vốn khác để đầu tư vào các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính sớm trình đề án cơ cấu DNNN ngay trong tháng 11 với phương án cụ thể đối với từng doanh nghiệp.

 

Từ nay đến cuối năm các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, trong đó chú ý hỗ trợ kịp thời các vùng bị lũ lụt, đồng thời đẩy nhanh tiến độ các chương trình, dự án phòng chống lũ dài hạn; tăng cường kiểm soát bệnh chân tay miệng; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại tố cáo và chỉ đạo quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực thuế và phá sản doanh nghiệp.

 

Thủ tướng cũng yêu cầu tăng cường các biện pháp quyết liệt giảm ùn tắc và tai nạn giao thông; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền chính thống tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội cùng thực hiện các mục tiêu phát triển KTXH đã đề ra…

 

Cũng trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10, các thành viên Chính phủ cũng đã tập trung góp ý hoàn thiện Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ khóa XIII; Đề án xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và Chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu..../.