Chuyện bỏ chè trồng keo ở Sông Công

15:06, 26/11/2011

Trong mấy năm gần đây trên địa bàn T.X Sông Công xuất hiện tình trạng người dân bỏ dần cây chè để trồng keo. Theo số liệu thống kê của Phòng kinh tế thị xã đến nay trên địa bàn có khoảng gần 30ha chè chuyển sang trồng keo. Vậy thực hư chuyện bỏ chè trồng keo ở T.X Sông Công ra sao? Phóng viên báo Thái Nguyên đã có cuộc tìm hiểu thực tế về vấn đề này.  

Một ngày giữa tháng 11, chúng tôi đến xã Vinh Sơn, T.X Sông Công - một địa phương có diện tích chè chuyển sang trồng keo lớn nhất thị xã. Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Biên, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: hiện xã Vinh Sơn có khoảng 80 ha chè, trong đó, đa phần là chè hạt, chỉ có trên 10ha chè cành. Từ năm 2005, bắt đầu có hiện tượng người dân trên địa bàn trồng keo xen vào các nương chè, sau 3-5 năm khi cây keo lớn người dân chặt hẳn cây chè để cây keo phát triển. Tính từ năm 2005 đến nay, xã có khoảng 20ha chè chuyển sang trồng keo, trong đó tập trung nhiều nhất ở bốn xóm là Sơn Tía, Vinh Quang, Tân Sơn và Bờ Lở. Qua điều tra của UBND xã về vấn đề chuyển đổi cây chè của người dân cho thấy, có đến 95% diện tích chè chuyển đổi là các nương chè hạt già cỗi trồng ở các chân, sườn núi dốc có hiệu quả kinh tế kém. Tuy nhiên, cũng có một diện tích nhỏ người dân chuyển sang trồng keo là do thiếu lao động làm chè”.

 

Để hiểu rõ thêm về vấn đề này, chúng tôi đến gia đình chị Phạm Thị Nguyên, xóm Tân Sơn, một hộ có 100% diện tích chè chuyển sang trồng keo. Trao đổi với chúng tôi chị Nguyên cho biết: Nhà chị có 9 sào chè hạt trồng ở các sườn đồi, núi quanh nhà. Trước đây,  mỗi năm gia đình chị thu được 7 lứa chè, mỗi lứa đạt 1,2-1,5 tạ, tính thu nhập đạt trên 20 triệu/năm. Tuy nhiên, mấy năm gần đây năng xuất cây chè cũng giảm do cây già cỗi và đất trồng chè cũng bạc màu, trong khi các con chị đã trưởng thành đi công tác nên không có người làm chè. Hiện, giá thuê lao động thu hái chè cũng khá cao trung bình khoảng 50.000 đồng/ngày. Nếu tính tổng chi phí đầu tư cho cây chè từ chăm sóc đến thuê người thu hái, sao, sấy thì hầu như không có lãi. Do đó, từ năm 2008 chị bắt đầu trồng xen keo vào các diện tích chè già cỗi, đến nay cả 9 sào chè đã được chị trồng xen keo. Theo tính toán của chị Nguyên thì 3-4 năm đầu khi cây keo còn nhỏ thì vẫn có thể tận dụng để thu hái chè, sau 7 năm cây keo có thể cho thu hoạch. Tính trung bình mỗi cây keo cũng được khoảng 80-100 nghìn đồng/cây, như vậy là vẫn có lãi.

 

Rời nhà chị Nguyên chúng tôi đến nhà chị Dương Thị Hồng, xóm Vinh Quang 3 một hộ trồng chè giỏi nhất nhì của xã. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà khang trang đầy đủ tiện nghi chị Hồng chia sẻ: Tất cả cơ ngơi này có được là nhờ cây chè, với 7000 m2 chè mỗi năm gia đình chị thu khoảng 80-100 triệu đồng. Tuy nhiên, việc trồng chè hiện nay khó khăn nhất vẫn là thuê lao động thu hái chè, vì chè đúng lứa là phải hái để đảm bảo chất lượng của sản phẩm nhưng việc thuê nhân công rất khó. Với 7.000m2 chè nhiều đợt gia đình tôi không thuê đủ người để thu hái chè cho đúng lứa, do đó, năm 2009 tôi quyết định chuyển 2.400m2 chè sang trồng keo. Cũng theo chị Hồng, xóm Vinh Quang 3, hiện có khoảng 20 ha chè, hầu hết các hộ trong xóm đều trồng chè nhà nào nhiều có vài nghìn m2, nhà ít có 1-2 sào. Tuy nhiên, đa phần vẫn là trồng chè hạt nên năng suất thấp, đối với những hộ trồng ít thì nếu tính chi phí chăm sóc và công thuê nhân công, sao, sấy chè thì hầu như hòa vốn nên những hộ này đa phần chuyển sang trồng keo. Còn những hộ có diện tích trồng nhiều thì vẫn duy trì bởi so với cây lúa thì cây chè vẫn cho thu nhập cao gấp nhiều lần.

 

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Trần Minh Tâm, Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã cho biết: hiện thị xã có khoảng 700 ha chè, trong đó, chỉ có trên 200 ha là chè cành còn lại chè hạt chè hạt. Trước việc người dân chuyển đổi cây chè sang trồng keo, thị xã đã có điều tra cụ thể về vấn đề này, qua đó cho thấy việc chuyển đổi các diện tích chè hạt già cỗi trên các sườn núi dốc bạc màu sang trồng keo là phù hợp. Còn đối với những diện tích vườn, đồi khác thị xã đang khuyến khích người dân chuyển từ chè hạt sang trồng chè cành để nâng cao năng suất và giá trị sản phẩm chè. Để giải quyết vấn đề lao động thu hái chè, T.X đã yêu cầu các hội đoàn thể, đặc biệt là phụ nữ, đoàn thanh niên…thành lập các mô hình, các tổ đổi công để giúp đỡ nhau trong sản xuất nhằm huy động nguồn nhân lực để thu hái chè đúng thời vụ. Đồng thời khuyến khích người dân đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật về làm chè vào áp dụng để giảm công lao động và tăng hiệu quả sản xuất. Tuy nhiên, hiện nay thị xã đang gặp khó khăn về nguồn cung cấp giống chè cành. Theo kế hoạch năm 2011, thị xã được giao trồng 20 ha chè cành, nhưng đến nay Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới cung cấp cho thị xã được lượng giống chè để trồng 11,5 ha (đạt trên 50% kế hoạch). Do vậy, để phát triển cây chè bền vững thị xã rất mong được tỉnh quan tâm về giống để người dân từng bước chuyển đổi các diện tích chè hạt sang chè cành, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm chè và mang lại thu nhập cao cho người dân./.