Công nghệ lạc hậu gây tổn thất khoáng sản

08:00, 06/11/2011

Chính phủ quyết tâm chấn chỉnh toàn diện công tác quản lý tài nguyên khoáng sản.

Triển khai Nghị quyết số 02 ngày 25/4/2011 của Bộ Chính trị về Định hướng Chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, sáng 5/11, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp lấy ý kiến đóng góp của các thành viên Chính phủ hoàn thiện dự thảo Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ trong lĩnh vực này…

 

Thực trạng nổi cộm trong công tác quản lý khoáng sản ở nước ta là công nghệ chủ yếu lạc hậu dẫn đến tổn thất khoáng sản, lãng phí tài nguyên; quy hoạch khoáng sản còn chung chung; cấp dự án tràn lan, ô nhiễm môi trường, khai thác trái phép, xuất lậu, mất an toàn lao động diễn ra ở nhiều nơi; xuất khẩu khoáng sản chủ yếu vẫn ở dạng sản phẩm thô, quy mô manh mún, thiếu tổ chức dẫn đến tranh mua, tranh bán và hiệu quả thấp...

 

Một số ý kiến thành viên Chính phủ đề nghị phải xây dựng cụ thể quy hoạch khoáng sản, không nhất thiết cứ có là phải khai thác; nghiêm cấm tận thu khoáng sản; đưa vào quy hoạch dự trữ quốc gia những loại khoáng sản chưa thể chế biến sâu; định hướng từng loại khoáng sản khai thác và sử dụng cho từng giai đoạn; phân định rõ trách nhiệm quản lý tài nguyên khoáng sản; ban hành rõ tiêu chí khai thác và chế biến sâu theo hướng công nghệ cao, ít tiêu hao năng lượng, bảo vệ môi trường; tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm với chế tài mạnh sau cấp phép; tăng thuế xuất tài nguyên, khoáng sản gắn với nâng cao hiệu quả công tác đấu thầu thông qua tăng mức phí quyền khai thác khoáng sản...

 

Đồng tình với nhiều ý kiến của các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị trước hết các bộ liên quan xây dựng ngay các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thực thi Luật khoáng sản, đồng thời tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ tại phiên họp này để sớm hoàn thiện Chiến lược và Chương trình hành động của Chính phủ về khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

 

Thủ tướng nêu rõ: Khoáng sản là tài nguyên không tái tạo phải tiến hành điều tra nắm chắc trữ lượng từng loại khoáng sản để xây dựng quy hoạch, kế hoạch khai thác đảm bảo hiệu quả cao nhất đồng thời cả 3 mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường. Chúng ta không sốt ruột, nếu chưa làm được thì để mai sau con cháu chúng ta làm - Thủ tướng nêu rõ như vậy.

 

Thủ tướng nhấn mạnh: Chính phủ không khuyến khích xuất khẩu tài nguyên và dứt khoát không xuất khẩu thô khoáng sản... Chính phủ cũng sẽ ưu tiên kinh phí tập trung điều tra cơ bản trữ lượng tài nguyên khoáng sản; tập trung rà soát, bổ sung quy hoạch đã có và quy hoạch mới, trong đó làm rõ loại nào chế biến sâu tới đâu chứ không nói chung chung như hiện nay.

 

Thủ tướng yêu cầu cấp phép mới dự án phải hết sức chặt chẽ, phải nằm trong quy hoạch đã được phê duyệt, có dự án khả thi thực sự hiệu quả về kinh tế, xã hội và môi trường và được chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ. Các bộ liên quan và các địa phương tiến hành kiểm tra các dự án đã cấp phép đang khai thác, dự án nào không đảm bảo môi trường, gây bức xúc trong dân, không đúng quy hoạch phải dừng lại ngay. Bộ Tài chính rà soát lại thuế xuất khẩu tài nguyên theo hướng khuyến khích các sản phẩm chế biến sâu.

 

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan và chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng xuất lậu tài nguyên khoáng sản…Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành Chỉ thị chấn chỉnh toàn diện công tác quản lý tài nguyên khoáng sản./.