Hội nghị Cấp cao ASEAN đang được kỳ vọng là sẽ mang lại luồng gió mới cho các nền kinh tế khu vực và thế giới.
Để hoàn tất công việc chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 19 và các hội nghị liên quan, ngày 15/11 tại Bali (Indonesia), Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 44 (AMM-44) đã khai mạc trọng thể. Những nội dung quan trọng cấp thiết đã được đưa vào chương trình nghị sự.
ASEAN kết nối khu vực
Các nội dung nghị sự được AMM xem xét, đệ trình lãnh đạo cấp cao còn có Tuyên bố Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) về các nguyên tắc của mối quan hệ cùng có lợi, Tuyên bố EAS về kết nối ASEAN. Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ASEAN, Diễn đàn Hàng hải ASEAN; thành lập Viện Hòa bình và Hòa giải ASEAN, Trung tâm Điều phối ASEAN về hỗ trợ nhân đạo và quản lý thảm họa.
Ngoài các lĩnh vực hội nhập truyền thống, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN cũng nhất trí sẽ tập trung nguồn lực phát triển trụ cột thứ 3 trong Kế hoạch tổng thể về Cộng đồng Kinh tế ASEAN.
Để đối phó với những khó khăn và thách thức đang đặt ra trong quá trình hội nhập kinh tế khu vực và hội nhập kinh tế khu vực với kinh tế toàn cầu, các bộ trưởng nhất trí sẽ tiếp tục phối hợp với Viện Nghiên cứu Kinh tế Đông Á và Đông Nam Á để hoàn thiện hệ thống đánh giá, tính điểm cũng như xây dựng cơ chế rà soát giữa kỳ để đánh giá chính xác về tình hình và mức độ hội nhập kinh tế ASEAN.
Tại cuộc họp báo, các quan chức Ngoại giao nước chủ nhà Indonesia cho biết, quan chức cấp cao ASEAN và các nước đối tác đối thoại cũng đã dành nhiều quan tâm cho nội dung kết nối khu vực ASEAN, trong đó có kết nối về đường biển.
Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN cũng được cập nhật về việc thực thi Hiến chương ASEAN và tình hình triển khai những mục tiêu về xây dựng cộng đồng ASEAN trong năm 2011, chính sách thị thực chung cho ASEAN nhằm giúp việc đi lại trong khu vực dễ dàng hơn, hướng tới “Một visa ASEAN”.
DOC và COC
Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã trao đổi nhiều ý kiến về vấn đề biển Đông. Nhìn chung, các nước đều nhìn nhận sự cần thiết phải duy trì động lực triển khai Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) theo những quy tắc hướng dẫn đã nhất trí đồng thời bắt đầu xác định những yếu tố cơ bản ban đầu của Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC).
Các chuyên gia tới từ các nước thành viên ASEAN đã đề cập đến sự cần thiết phải phát huy chủ động trong việc xúc tiến xây dựng một văn bản có tính ràng buộc pháp lý cao hơn nhằm điều chỉnh các hành vi ứng xử của các bên liên quan trên biển Đông.
Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Marty Natalegawa cho biết các quy tắc hướng dẫn thực thi DOC mà ASEAN và Trung Quốc đạt được vào tháng 7/2011 đã và đang giúp các bên liên quan tháo gỡ dần những vướng mắc, không cần phải đợi hoàn tất triển khai DOC trước khi bắt đầu tiến trình xây dựng COC.
Hội nghị này có ý nghĩa quan trọng thể hiện sự tập trung về ý chí và nỗ lực của ASEAN nhằm thúc đẩy tiến trình xây dựng COC, đưa nội dung và lộ trình này báo cáo các nhà lãnh đạo tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-19.
Hợp tác thực chất và chiều sâu
Vấn đề triển khai những mục tiêu xây dựng cộng đồng ASEAN trong năm 2011 cũng được các bộ trưởng kinh tế xem xét, những kết quả đạt được thời gian qua về thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư trong tiến trình hội nhập kinh tế; nhất trí cho rằng hợp tác kinh tế ASEAN đang đi vào thực chất và chiều sâu, dựa trên khuôn khổ pháp lý của Hiến chương ASEAN; Kế hoạch Tổng thể về Cộng đồng Kinh tế ASEAN và Lộ trình chiến lược về thực hiện Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015.
Về thương mại hàng hóa, các nước thành viên ASEAN mới gồm Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam đã xây dựng Lộ trình cam kết giảm thuế, hoàn tất về cơ bản nghĩa vụ tự do hóa thuế quan đề ra trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN.
Các bộ trưởng cũng nhất trí sẽ tiếp tục ưu tiên xử lý các vấn đề về vệ sinh kiểm dịch, thuận lợi hóa thương mại, hoàn thiện quy chế cấp chứng nhận xuất xứ và các hàng rào phi thuế quan, để làm sâu sắc hơn hội nhập kinh tế ASEAN trong lĩnh vực thương mại hàng hóa.
Về thương mại dịch vụ, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN nhất trí áp dụng mức độ linh hoạt cần thiết để các nước thành viên có thể kết thúc đàm phán Gói cam kết thứ 8 về mở cửa thị trường dịch vụ trong ASEAN vào cuối năm 2011, đáp ứng tiến độ tự do hóa dịch vụ đề ra trong Kế hoạch Tổng thể về Cộng đồng Kinh tế ASEAN.
Về lĩnh vực đầu tư, các bộ trưởng thành viên Hội đồng Khu vực Đầu tư ASEAN đã nhất trí đề nghị các nước còn lại thúc đẩy quá trình tham vấn trong nước, hướng tới việc chính thức đưa Hiệp định Đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA) và 10 Danh mục các biện pháp hạn chế đầu tư của các nước thành viên ASEAN, vào cuối năm 2011.
Đặc biệt, Hội nghị đã thông qua việc đưa vào thực thi Mô hình cắt giảm/xóa bỏ các hạn chế đầu tư trong ASEAN, nhằm đưa ASEAN trở thành Khu vực đầu tư tự do vào năm 2015.
Các bộ trưởng cũng đã ghi nhận tình hình đàm phán và thực thi Hiệp định tự do thương mại (FTA) giữa ASEAN và các nước đối tác, như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand, Ấn Độ và thảo luận hướng xử lý các vấn đề còn tồn tại trong đàm phán, cũng như các biện pháp để duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình.
Việt Nam trong lòng ASEAN
Việt Nam khẳng định hội nhập kinh tế ASEAN luôn là một bộ phận quan trọng trong chính sách kinh tế đối ngoại, cam kết luôn tích cực đóng góp nhằm xây dựng một Cộng đồng Kinh tế ASEAN vững mạnh, hội nhập sâu rộng, khẳng định vai trò quan trọng của ASEAN trong khu vực và quốc tế.
Hiện ASEAN là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn thứ 3 của các doanh nghiệp Việt Nam, sau Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), và cũng giữ vị trí đối tác thương mại cung cấp nguồn hàng hoá lớn thứ 2 cho các doanh nghiệp Việt Nam, sau Trung Quốc.
Việt Nam đã xây dựng Lộ trình cam kết giảm thuế, hoàn tất về cơ bản nghĩa vụ tự do hóa thuế quan đề ra trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN.
Với nội dung được Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN chuẩn bị, trong bối cảnh trung tâm kinh tế quốc tế đang chuyển dịch mạnh mẽ sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương thì sự thành công của Hội nghị Cấp cao ASEAN đang được kỳ vọng là sẽ mang lại luồng gió mới cho các nền kinh tế khu vực và thế giới./.