Một kỳ họp Quốc hội có nhiều ấn tượng

08:40, 27/11/2011

Thời gian và chương trình nghị sự có lẽ cũng không khác với các kỳ họp trước, nhưng kỳ họp này đã để lại trong tâm trí của cử tri và nhân dân cả nước những ấn tượng riêng.

Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XIII vừa khép lại.  Kỳ họp diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế đất nước đang đương đầu với nhiều khó khăn thách thức. Lạm phát tăng cao, doanh nghiệp đình đốn sản xuất; đời sống, sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng, nhiều lĩnh vực đời sống xã hội vẫn đang bức xúc…, nên được coi là dịp để cử tri cả nước chứng kiến sự thể hiện tinh thần trách nhiệm của những người đại biểu mà chính tay họ cầm lá phiếu để bầu vào Quốc hội cách đây 8 tháng, cũng như đối với các thành viên Chính phủ đang giữ trọng trách quản lý, điều hành đất nước.

 

Với tinh thần thẳng thắn, nghiêm túc, Quốc hội đã phân tích sâu sắc, đánh giá khách quan, toàn diện những thuận lợi, khó khăn, những thành tựu, yếu kém, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế- xã hội thời gian qua. Trên cơ sở đó, Quốc hội đã xác định mục tiêu của năm 2012 và trong thời gian tới. Trong đó, khẳng định tiếp tục dành ưu tiên cho kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Đồng thời, tăng cường hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại…

 

Các phiên họp chất vấn của đại biểu Quốc hội đối với 4 vị Bộ trưởng và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, với sự tham gia giải trình của một số Bộ trưởng và Phó Thủ tướng; cũng như Thủ tướng Chính phủ báo cáo trước Quốc hội để làm rõ thêm một số vấn đề lớn trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn, dù chỉ chiếm chưa đầy 1/10 so với tổng thời gian của kỳ họp, nhưng đã thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri cả nước. Những vấn đề nóng nhất đã được đặt ra: chống lạm phát,  tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, quản lý giá, nợ công; chống ùn tắc và tai nạn giao thông; chính sách đầu tư cho nông nghiệp nông dân hay nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo...

 

Không những thế, đây là lần đầu tiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dõng dạc tuyến bố trước quốc dân đồng bào qua phát thanh, truyền hình trực tiếp về vấn đề lớn đang được dư luận xã hội quan tâm là chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa. Một lần nữa, Thủ tướng nêu rõ lập trường nhất quán của chúng ta là quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, chúng ta có đủ căn cứ lịch sử và pháp lý để khẳng định điều này. Nhưng chúng ta chủ trương đàm phán giải quyết đòi hỏi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa bằng biện pháp hoà bình.

 

Trước diễn đàn Quốc hội, vấn đề xây dựng Luật Biểu tình cũng được Thủ tướng chỉ rõ: Luật đó phù hợp với Hiến pháp, với đặc điểm lịch sử văn hoá, điều kiện cụ thể của Việt Nam, luật đó cũng phù hợp với thông lệ quốc tế và để đảm bảo quyền tự do dân chủ của người dân theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật.

 

Đối với một kỳ họp Quốc hội, cử tri và người dân trông đợi những phân tích chính xác, có căn cứ khoa học và sâu sắc về nguyên nhân của những diễn biến xấu trong đời sống kinh tế, cũng như thái độ nghiêm túc trong việc nhìn nhận sự yếu kém về năng lực dự báo và quản lý vĩ mô. Và cao hơn cả là ai cũng muốn nghe các thành viên Chính phủ cam kết thiết thực, cụ thể về việc thực thi các biện pháp nhằm đưa đất nước ra khỏi thời kỳ khó khăn, trở về với lộ trình phát triển ổn định.

 

Dấu ấn dễ nhận thấy là tại kỳ họp này, hoạt động chất vấn tiếp tục có những cải tiến, đổi mới và thiết thực, tập trung vào một số vấn đề quan trọng, bức xúc được các vị đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm. Không khí các phiên chất vấn đảm bảo dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm và xây dựng. Nhiều vị Bộ trưởng, Trưởng ngành đã nghiêm túc thừa nhận hạn chế, yếu kém của ngành mình, thấy rõ trách nhiệm cá nhân và đề xuất biện pháp cụ thể để khắc phục trong thời gian tới. Nhưng cũng thật đáng tiếc là có không ít những cuộc trao đổi trong quá trình chất vấn vẫn hỏi và trà lời chung chung, hay theo kiểu “hỏi một đàng - trả lời một nẻo”. Thậm chí, vẫn còn một số câu trả lời thể hiện tư tưởng đối phó cho qua chuyện nhiều hơn là hợp tác để làm rõ và giải toả những băn khoăn, trăn trở của cử tri.

 

Kết thúc kỳ họp, điều đọng lại ở cử tri là đã được nghe những lời hứa của những người quản lý, điều hành đất nước trong việc giải quyết những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong đời sống kinh tế- xã hội hiện nay. Chắc chắn, cử tri sẽ lấy đó làm căn cứ để đánh giá năng lực điều hành của bộ máy hành pháp trong giai đoạn khó khăn của đất nước. Và chắc chắn, người dân cả nước không thể chấp nhận những người nói nhiều mà không làm hoặc làm không đến nơi đến chốn./.