Quốc hội thông qua 4 dự án Luật

08:31, 12/11/2011

Các Luật: Lưu trữ, Khiếu nại, Tố cáo, Đo lường được Quốc hội thông qua với đa số phiếu tán thành

Chiều 11-11, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội biểu quyết thông qua 4 dự án Luật là Luật Lưu trữ, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và Luật Đo lường.

 

Thống nhất một Phông lưu trữ quốc gia

 

Quốc hội đã biểu thông qua Luật Lưu trữ, với 435 đại biểu tán thành trên tổng số 436 đại biểu tham gia (đạt tỷ lệ 87%). Trước đó, Quốc hội cũng biểu quyết thông qua 3 điều của Luật này.

 

Theo Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTV) giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lưu trữ, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự án Luật lưu trữ. Có 14 đại biểu phát biểu ý kiến tại Hội trường và một số đại biểu góp ý bằng văn bản. Các đại biểu đều tán thành với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của UBTV Quốc hội, đồng thời đóng góp thêm ý kiến về các điều khoản cụ thể, tập trung vào một số nội dung chủ yếu như phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; quản lý tài liệu thuộc phông lưu trữ…

 

Có ý kiến đề nghị chỉ quy định một Phông lưu trữ ở Việt Nam, nên coi lưu trữ của Đảng như lưu trữ của ngành đặc biệt, như lưu trữ của Công an, Quốc phòng. Có ý kiến đề nghị nhập cơ quan Lưu trữ Nhà nước và Lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam làm một để giảm bớt đầu mối, tập trung thống nhất quản lý, hướng dẫn.

 

UBTV Quốc hội đã giải trình việc lưu trữ đối với tài liệu lưu trữ được thực hiện theo một phông lưu trữ thống nhất là Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam. Quy định Phông lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam và Phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam chỉ nhằm phân biệt nơi nộp lưu và bảo quản tài liệu lưu trữ lịch sử của cơ quan, tổ chức. Còn về nghiệp vụ lưu trữ và quản lý về lưu trữ được thực hiện theo quy trình nghiệp vụ và một cơ chế quản lý thống nhất. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về vấn đề này như dự thảo Luật.

 

Không quy định công dân phải nộp phí khi thực hiện quyền khiếu nại

 

Luật Khiếu nại gồm 8 chương, 70 điều, được Quốc hội biểu quyết thông qua với 434 đại biểu tán thành trên tổng số 436 đại biểu tham gia (đạt tỷ lệ 86,80%). Trước đó, Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua 3 điều của Luật này là: Áp dụng pháp luật về khiếu nại và giải quyết khiếu nại (Điều 3); Về trình tự khiếu nại (Điều 7); Về hình thức khiếu nại (Điều 8).

 

Theo Báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khiếu nại của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật khiếu nại, có 24 đại biểu phát biểu và 2 đại biểu góp ý bằng văn bản. Về cơ bản, các đại biểu tán thành với những nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, đồng thời góp ý về nhiều điều, khoản cụ thể của dự thảo Luật. Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, UBTV Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra, cơ quan trình dự án Luật và các cơ quan hữu quan tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật để trình Quốc hội thông qua.

 

Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khiếu nại có 16 nội dung chỉnh sửa, bổ sung cho ý kiến tập trung vào một số vấn đề như: Về các trường hợp đơn khiếu nại không được thụ lý giải quyết (Điều 11)…

 

Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định người khiếu nại phải nộp một khoản lệ phí nhất định; sau khi giải quyết, nếu khiếu nại đúng thì được hoàn trả để tránh tình trạng khiếu nại tràn lan, không đúng người, đúng việc, gây tốn kém, lãng phí cho Nhà nước và công dân. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, khiếu nại là quyền cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp. Nếu quy định công dân phải nộp một khoản lệ phí khi thực hiện quyền khiếu nại có thể làm hạn chế việc thực hiện quyền hiến định của công dân. Vì vậy, đề nghị Quốc hội không bổ sung vấn đề này vào dự thảo Luật. 

 

Cũng trong chương trình làm việc chiều nay, Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua dự án Luật Tố cáo và Luật Đo lường với sự nhất trí cao./.