Sẽ tăng mức xử phạt vi phạm hành chính

08:15, 19/11/2011

Đa số các đại biểu Quốc hội đồng tình với việc tăng mức xử phạt tiền vi phạm hành chính trong dự thảo Luật xử lý vi phạm hành chính.

Chiều 18/11, tiếp tục kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 13, các đại biểu thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật xử lý vi phạm hành chính.

 
Mặc dù đồng ý với việc tăng mức xử phạt, nhưng các đại biểu cũng lưu ý Quốc hội cân nhắc tới yếu tố vùng miền và khả năng chấp hành hình phạt của đối tượng vi phạm.

 

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, các vụ vi phạm hành chính ngày càng đa dạng về hình thức và biểu hiện, ảnh hưởng lớn hiệu quả quản lý của nhà nước, mất trật tự an toàn xã hội, gây bức xúc trong dư luận. Dự thảo Luật xử lý vi phạm hành chính khi ban hành sẽ là công cụ quan trọng trong hoạt động quản lý Nhà nước nhằm duy trì kỷ luật kỷ cương trong quản lý hành chính Nhà nước.

 

Điểm mới của dự thảo Luật này là tăng mức xử phạt tiền tối thiểu là 50.000 đồng và tối đa là 2 tỷ đồng. Các đại biểu cho rằng, mức tăng cao như vậy sẽ bảo đảm tính răn đe.

 

Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Việt Phương, đoàn Tuyên Quang phân tích, trên thực tế nhiều đối tượng bất chấp quy định, sẵn sàng chịu phạt để tiếp tục hoạt động. Đại biểu Hoàng Việt Phương đề nghị: “Tôi đề nghị cần đưa thêm hình phạt bổ xung là phạt lao động bắt buộc thời gian có thể 3,5,7 ngày. Như hiện nay, phạt vi phạm giao thông là người vi phạm nộp ngay để được việc đi tiếp. Do vậy tăng mức xử phạt là tốt nhưng các đối tượng không chấp hành tốt nghĩa vụ công dân, làm ảnh hưởng người khác. Tôi nghĩ rằng cần có biện pháp hiệu quả xử lý hành vi vi phạm”.

 

Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Quốc hội nên giao cho Toà án thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, đồng thời, nghiên cứu quy định việc xét xử theo thủ tục rút gọn sẽ đáp ứng yêu cầu nhanh gọn, bảo đảm nguyên tắc tranh tụng, công khai, minh bạch.

 

Về vấn đề này, Đại biểu Đặng Đình Luyến, đoàn Khánh Hòa nêu ý kiến: “Nên giao cho tòa án sẽ đảm bảo được người bị áp dụng hình phạt này và luật sự của họ có cơ hội trình trước tòa và trên cơ sở đó Tòa án sẽ xem xét các hành vi này, đồng thời khắc phục được tình trạng làm hồ sơ vụ án dài và hội đồng làm hồ sơ khi giao cho cơ quan hành chính. Tôi tán thành  giao cho Tòa án.”

 

Nhiều ý kiến cũng cho rằng việc áp dụng biện pháp đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh và trung tâm giáo dục lao động xã hội là không còn phù hợp, cần phải bãi bỏ, đồng thời đề nghị cũng phải xử phạt cả người đi mua dâm.  Trong thực tế, những đối tượng này rất hay tái phạm và có nguy cơ cao gây bệnh truyền nhiễm cho người khác.

 

Đại biểu Trương Thị Thu Trang đoàn Tiền Giang cho rằng: “Việc nghiên cứu cơ chế khám chữa bệnh cho đối tượng này là rất cần thiết. Đối tượng nào có bệnh thì phải bắt buộc khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế mà không đưa vào các trung tâm giáo dục lao động xã hội. Quy định như thế sẽ đảm bảo được tính nhân đạo của Nhà nước, góp phần phòng chống bệnh truyền nhiễm, đồng thời tạo điều kiện cho họ hòa nhập cộng đồng”./.