Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp tích cực vào TPP

08:12, 14/11/2011

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nhấn mạnh điều này tại Cuộc họp Cấp cao của các thành viên Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Sáng 12-11, theo giờ địa phương, tại thành phố Honolulu (bang Hawai, Hoa Kỳ), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tham dự Cuộc họp Cấp cao của các thành viên Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đây là Cuộc họp Cấp cao TPP lần thứ hai tiếp theo Cuộc họp đầu tiên tại Nhật Bản tháng 11/2010.

 

Tham dự Cuộc họp có các Nhà Lãnh đạo của 9 thành viên TPP, gồm Australia Brunei, Chile, New Zealand, Malaysia, Peru, Singapore, Hoa Kỳ, Việt Nam. Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama làm chủ tọa. Bên lề Hội nghị, Chủ tịch nước cũng đã có các cuộc gặp với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Nga và Australia.

 

Hội nghị cấp cao thảo luận về TPP diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu và khu vực phục hồi chậm lại với nhiều khó khăn và tồn tại những nguy cơ lớn trong các lĩnh vực hệ thống ngân hàng, nợ công, việc làm – đặc biệt là ở các nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản. Chính vì vậy việc đàm phán nhằm thúc đẩy nhanh tiến trình triển khai Hiệp định được các nước đặc biệt quan tâm.

 

Sau khi thảo luận sôi nổi, các nhà lãnh đạo tham dự cuộc họp đã thông qua “Tuyên bố của các nhà Lãnh đạo thành viên Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương”, khẳng định đàm phán đã đạt thỏa thuận về khung tổng thể của Hiệp định.

 

Các nhà Lãnh đạo đánh giá cao những nỗ lực của các cơ quan hữu quan các nước thành viên trong quá trình đàm phán gần 2 năm qua, và nhất trí tiếp tục nỗ lực để có thể cơ bản hoàn tất văn bản pháp lý của Hiệp định. Cuộc họp đã hoan nghênh nguyện vọng của Nhật Bản và một số nước trong khu vực mong muốn tham gia tiến trình đàm phán.

 

Phát biểu tại Cuộc họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, với quyết tâm đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp tích cực vào tiến trình đàm phán, góp phần tăng cường tiềm năng hợp tác và tính đa dạng của liên kết TPP.

 

Chủ tịch nước cũng đề nghị các thành viên cần cùng nhau nỗ lực bảo đảm tiến trình đàm phán hướng tới một Hiệp định cân bằng, thực sự đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững của tất cả các thành viên, chú trọng thỏa đáng nguyên tắc “vì sự phát triển”, hợp tác nâng cao năng lực và quan tâm đầy đủ trình độ phát triển khác nhau và tính đa dạng của các thành viên.