5 nhiệm vụ trọng tâm của đối ngoại quốc gia

08:13, 15/12/2011

Trong đối ngoại chính trị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các vị Đại sứ tích cực vận động các nước ủng hộ lập trường chính đáng của Việt Nam

Trong khuôn khổ Chương trình Hội nghị Ngoại giao lần thứ 27, sáng 14/12 tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Công thương tổ chức Hội nghị Tham tán Thương mại 2011 với chủ đề “Hội nhập quốc tế và nhiệm vụ kinh tế đối ngoại trong giai đoạn mới”.

 

Với chủ đề “Hội nhập quốc tế và nhiệm vụ kinh tế đối ngoại trong giai đoạn mới”, các đại biểu là các vị Đại sứ, Tham tán thương mại tại các nước và các tổ chức quốc tế cùng nhau đánh giá lại công tác đối ngoại nói chung và kinh tế đối ngoại nói riêng trong năm 2011, đồng thời trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả đường lối đối ngoại của Đảng.

 

Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 180 nước. Các quan hệ song phương ngày càng đi vào chiều sâu, góp phần tạo thêm môi trường và điều kiện thuận lợi đối với tiến trình xây dựng và bảo vệ đất nước.

 

Dù kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn nhưng năm 2012 các nhà tài trợ quốc tế vẫn tiếp tục cam kết tài trợ ODA 7,4 tỷ USD cho Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam với các quốc gia năm 2011 cũng đạt trên 200 tỷ USD. Hiện có tới 1.500 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đang hoạt động ở nước ta với tổng vốn đăng ký gần 200 tỷ USD.... Những con số này phần nào thể hiện niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài, các tổ chức quốc tế đối với triển vọng phát triển của kinh tế Việt Nam.

 

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao và biểu dương sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả và kết quả đạt được của ngành Ngoại giao, Công Thương và các Bộ, ngành liên quan trong công tác đối ngoại nói chung và kinh tế đối ngoại nói riêng, góp phần tích cực đưa nền kinh tế nước ta vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển và hội nhập ngày càng sâu rộng, hiệu quả vào nền kinh tế khu vực và thế giới.

 

Cùng với hiện thực hóa các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra trong năm 2012, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm và chiến lược phát triển 10 năm của đất nước, Thủ tướng nêu rõ 5 nhiệm vụ trọng tâm đối với công tác đối ngoại trong năm 2012 nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả đường lối đối ngoại của Đảng, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trong khu vực và thế giới; thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác với các đối tác ngày càng đi vào chiều sâu, ổn định, hiệu quả và thực chất, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển và bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

 

Thứ nhất là về ngoại giao chính trị cần tiếp tục làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác trên tất cả các lĩnh vực với 180 nước đã thiết lập quan hệ ngoại giao, nhất là các đối tác lớn, đối tác chiến lược.

 

Thủ tướng nhấn mạnh, phải tiếp tục làm rõ và cụ thể hóa nội hàm quan hệ chiến lược với các đối tác gắn với xây dựng lộ trình mở rộng thiết lập quan hệ với các quốc gia trên thế giới. Lợi ích cao nhất của công tác đối ngoại là vì lợi ích của quốc gia và dân tộc. Thủ tướng yêu cầu các vị Đại sứ tích cực vận động các nước ủng hộ lập trường chính đáng của Việt Nam, nhất là liên quan đến đòi hỏi, khẳng định và bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế; tăng cường tuyên truyền để bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn quan điểm và những tiến bộ của Việt Nam trong đảm bảo dân chủ, nhân quyền....

 

Thứ hai là về nhiệm vụ kinh tế đối ngoại, Thủ tướng yêu cầu các vị Đại sứ, Tham tán thương mại tích cực vận động các nước công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam; tiếp tục vận động ODA để tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu như giao thông, thủy lợi, điện, phát triển đô thị lớn, y tế, giáo dục, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu....

 

Thủ tướng lưu ý trong quá trình tăng cường các biện pháp thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài không làm theo kiểu chung chung mà tập trung theo hướng đầu tư có chiều sâu, đầu tư công nghệ cao và phải có những chính sách cụ thể nhằm khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư.

 

Để chủ động triển khai hội nhập kinh tế quốc tế Thủ tướng yêu cầu khẩn trương xây dựng Chiến lược tổng thể về hội nhập kinh tế quốc tế ngay đầu Quý 1 năm 2012 báo cáo Chính phủ. Trên cơ sở đó xây dựng chiến lược hợp tác kinh tế với từng nước, từng khu vực trong 5 năm và 10 năm tới...

 

Cùng với đẩy mạnh ngoại giao văn hóa, nhiệm vụ thứ ba mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý ngành Ngoại giao và Công thương là cần tích cực tham gia thu hút nguồn lực từ bên ngoài đầu tư phát triển đào tạo nguồn nhân lực gắn với ứng dụng công nghệ cao.

 

Thứ tư là chăm lo người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là vấn đề định cư, làm ăn sinh sống, lao động và học tập được bình đẳng như các kiều dân khác, xây dựng các tổ chức để đồng bào giúp đỡ lẫn nhau trong cuốc sống, phát huy cầu nối thắt chặt quan hệ hữu nghị trên các lĩnh vực với các nước, hướng về xây dựng quê hương.

 

Nhiệm vụ thứ 5, Thủ tướng nhấn mạnh đến công tác cán bộ và yêu cầu rà soát lại các cơ quan ngoại giao, các cơ quan đại diện ở nước ngoài để phối hợp với nhau chặt chẽ hơn, phát huy được sức mạnh tổng hợp cùng làm tốt nhiệm vụ hội nhập kinh tế quốc tế; chủ động nghiên cứu, tham mưu chiến lược cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ, nhất là trong hoạch định chính sách hội nhập kinh tế quốc tế; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực, trách nhiệm, trung thành với tổ quốc.

 

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Ngoại giao phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng kế hoạch phát triển cơ sở vật chất ở nước ngoài trong 5 năm tới./.