Giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ

10:54, 19/12/2011

Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức từ tỉnh đến cơ sở có số lượng và cơ cấu hợp lý, có tính kế thừa và phát triển; có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức và năng lực công tác tốt, đảm bảo tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2010-2020), đáp ứng yêu cầu xây dựng Thái Nguyên cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp trước năm 2020... Đó là mục tiêu tổng quát mà Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII đã đề ra về công tác cán bộ giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020.

Coi trọng công tác cán bộ

 

Nhận thức đúng đắn lời dạy của Bác Hồ “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ, những năm qua, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh luôn coi trọng công tác cán bộ. Đội ngũ cán bộ, công chức từ tỉnh đến cơ sở có bước trưởng thành và tiến bộ nhiều mặt, được tăng cường cả về số lượng và nâng cao chất lượng. Trình độ chuyên môn, lý luận chính trị và năng lực công tác của đội ngũ cán bộ, công chức được nâng lên rõ rệt. Theo con số thống kê chưa đầy đủ, đến nay, trong số gần 3.000 cán bộ, công chức cấp tỉnh, huyện trên địa bàn toàn tỉnh thì 74,5% có trình độ đại học; 7,75% có trình độ trên đại học; 36,54% có trình độ lý luận chính trị từ cao cấp trở lên; 30,9% có trình độ lý luận trung cấp. Cán bộ công chức cấp xã có trên 3.500 người, trong đó có 13,8% có trình độ chuyên môn đại học; 39,8% có trình độ cao đẳng, trung cấp; 1,72% số cán bộ có trình độ lý luận cao cấp trở lên; 56,11% có trình độ lý luận trung cấp. Đại đa số cán bộ, công chức của tỉnh đều có tinh thần trách nhiệm, năng lực công tác, có phẩm chất đạo đức tốt, nỗ lực, cố gắng hoàn thành các nhiệm vụ được giao, là lực lượng nòng cốt cùng toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

 

Công tác tổ chức cán bộ đã bám sát nhiệm vụ chính trị và yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ trong thời kỳ mới. Nội dung, phương pháp và cách làm có nhiều đổi mới, đảm bảo đúng nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý cán bộ; tập trung, dân chủ, công khai; tập thể thảo luận và quyết định theo đa số, đồng thời phát huy được vai trò, trách nhiệm cá nhân mà trước hết là người đứng đầu trong công tác tổ chức cán bộ. Các khâu của công tác cán bộ được triển khai đồng bộ, có hiệu quả hơn, góp phần giáo dục, rèn luyện, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực công tác cao, góp phần không nhỏ vào thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của đảng bộ, địa phương.

 

Nhưng đã là khâu then chốt?

 

Tuy nhiên, trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, một số cấp ủy chưa quán triệt đầy đủ quan điểm công tác cán bộ là khâu then chốt trong công tác Xây dựng Đảng, dẫn đến làm việc thiếu đồng bộ, thiếu tầm chiến lược. Việc bố trí, sử dụng cán bộ mới chỉ chú ý đến yêu cầu hoàn thành nhiệm vụ trước mắt, ít quan tâm đến việc đào tạo cán bộ mang tầm chiến lược lâu dài. Việc đổi mới trong công tác cán bộ chưa theo kịp với đổi mới phát triển kinh tế - xã hội. Đây đó vẫn tồn tại tư tưởng cục bộ, khép kín, địa phương trong công tác cán bộ. Việc đánh giá cán bộ nhiều khi còn biểu hiện chủ quan, hình thức, nể nang, ngại va chạm; vấn đề cụ thể hóa theo từng chức danh để đánh giá cán bộ đảm bảo công khai, sát thực chưa được chú trọng. Công tác quy hoạch cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số; việc gắn kết đào tạo, bồi dưỡng với sử dụng cán bộ chưa thật sự được quan tâm.

 

Công tác luân chuyển cán bộ còn ít và chưa trở thành nền nếp thường xuyên; việc mở rộng đối tượng luân chuyển cán bộ cấp phòng của tỉnh xuống cấp huyện để tạo nguồn cán bộ trẻ chưa được quan tâm đúng mức. Chưa xây dựng được chế độ, chính sách tổng thể có tính chất đặc thù của tỉnh về đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ, đặc biệt là chính sách về tuyển chọn, thu hút người giỏi, người có trình độ chuyên môn cao về công tác ở tỉnh.

 

Cơ cấu đội ngũ cán bộ chưa hợp lý, còn mất cân đối, nhất là tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ ở nhiều nơi chưa đạt yêu cầu. Sự kế thừa giữa các độ tuổi, các thế hệ cán bộ, công chức chưa được rõ nét. Vẫn còn tồn tại một số cán bộ chất lượng chuyên môn cũng như đạo đức tư cách chưa tốt, không đáp ứng yêu cầu trước đòi hỏi của giai đoạn cách mạng mới.

 

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế nêu trên, song có một thực tế mà chúng ta cần phải nghiêm khắc kiểm điểm và khắc phục, đó là: Một số cấp ủy đảng và người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương nhận thức về công tác cán bộ chưa đầy đủ; năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu; một bộ phận cán bộ, công chức thiếu ý thức rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu, cá biệt có cán bộ còn vi phạm kỷ luật; công tác kiểm tra, giám sát đội ngũ cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ còn hạn chế...

 

Giải pháp đột phá

 

Xuất phát từ nhu cầu thực tế, Đảng bộ tỉnh đã ra Nghị quyết về công tác cán bộ giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020 với các chỉ tiêu cụ thể và tiêu chí đến năm 2015, 2020. Các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đã được đề ra, tập trung vào các vấn đề: Nâng cao nhận thức của cấp ủy các cấp về công tác cán bộ, bổ sung, hoàn thiện quy định về phân cấp quản lý cán bộ; mở rộng và phát huy dân chủ trong xây dựng đội ngũ cán bộ; nâng cao chất lượng công tác tuyển dụng cán bộ cũng như quy hoạch cán bộ cho cả nhu cầu trước mắt và lâu dài; đảm bảo đánh giá cán bộ công tâm, khách quan, đúng thực chất; tăng cường công tác luân chuyển để đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ; tiếp tục bổ sung, hoàn thiện chính sách cán bộ, xây dựng cơ chế hỗ trợ đặc thù để bồi dưỡng, thu hút người tài, người có trình độ cao về cống hiến cho tỉnh; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng trực tiếp tham mưu làm công tác tổ chức đáp ứng nhu cầu của thời kỳ mới...

  

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đã được lựa chọn là giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức của tỉnh. Giai đoạn 2011-2020, tỉnh sẽ xây dựng kế hoạch tuyển chọn, cử đi đào tạo 80 thạc sĩ và 20 tiến sĩ các chuyên ngành tỉnh còn thiếu từ nguồn ngân sách Nhà nước; đồng thời khai thác, triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án đào tạo cán bộ, công chức của Trung ương, đặc biệt là Đề án 165 về đào tạo cán bộ, công chức ở nước ngoài.

 

Tới đây, hàng loạt các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, cụ thể hóa sẽ được ban hành. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, sự ủng hộ của toàn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, chắc chắn trong một tương lại không xa, chúng ta sẽ có đội ngũ cán bộ tinh nhuệ hơn, tâm huyết hơn trong quá trình cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của Thái Nguyên - Mảnh đất giàu truyền thống cách mạng…