Khánh thành Khu di tích lịch sử địa điểm thành lập Ðoàn 125

08:34, 03/01/2012

Sáng 2/1, tại xã Long Giao, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Ðồng Nai, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 phối hợp UBND tỉnh Ðồng Nai tổ chức khánh thành Khu di tích lịch sử địa điểm thành lập Ðoàn 125

Tham dự về phía Việt Nam có nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Chủ tịch nước Lê Ðức Anh; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ; Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng; Trần Ðại Quang, Bộ trưởng Công an; Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể T.Ư, đơn vị và địa phương, các đồng chí lão thành cách mạng. Tham dự về phía Cam-pu-chia có Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Cam-pu-chia Xăm-đéc Hun Xen; các Phó Thủ tướng Chính phủ: Sô Khên, Tia Banh (Thống tướng, Bộ trưởng Quốc phòng), Men Sòm On, Binh Chinh, đông đảo các tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp Quân đội Hoàng gia Cam-pu-chia...

 

Sau thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ngày 17/4/1975, nhân dân Cam-pu-chia hy vọng được sống trong độc lập, tự do và hòa bình để xây dựng và phát triển đất nước, nhưng tập đoàn Pôn Pốt đưa đất nước vào thời kỳ đen tối với chính sách ngu dân, thù hận và diệt chủng. Hàng nghìn người dân và cán bộ yêu nước chân chính Cam-pu-chia phải dời quê hương sang Việt Nam lánh nạn, đồng thời có điều kiện tập hợp lực lượng trở về cứu đất nước. Ngày 12-5-1978, tại ấp Suối Râm, xã Long Giao, được sự giúp đỡ nhiệt tình của Ðảng, Nhà nước Việt Nam, đặc biệt là lực lượng vũ trang (LLVT) Quân khu 7 và nhân dân tỉnh Ðồng Nai, hơn 200 cán bộ Cam-pu-chia tập hợp lại thành Ðoàn 125 dưới sự chỉ huy của đồng chí Hun Xen, cùng các lực lượng yêu nước khác của Cam-pu-chia xây dựng thành LLVT đoàn kết cứu nước Cam-pu-chia, sát cánh cùng Quân tình nguyện Việt Nam quyết định chiến thắng lịch sử ngày 7-1-1979, giải phóng nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi ách diệt chủng, cùng nhân dân xây dựng đất nước Chùa Tháp hòa bình, hạnh phúc, ấm no. Xã Long Giao cũng là nơi yên nghỉ của 49 cán bộ, chiến sĩ Ðoàn 125. Thấm nhuần sâu sắc chính sách của Ðảng và Nhà nước, được sự chỉ đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, sự phối hợp của tỉnh Ðồng Nai, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 thường xuyên chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đầu tư, xây dựng các hạng mục, tôn tạo, củng cố cảnh quan môi trường nơi yên nghỉ của 49 cán bộ, chiến sĩ Cam-pu-chia, xây dựng tượng đài ghi dấu lịch sử Ðoàn 125. Khu di tích (KDT) này biểu tượng cho tinh thần đoàn kết, hữu nghị thủy chung giữa hai dân tộc và quân đội hai nước. KDT Ðoàn 125, công trình có ý nghĩa lịch sử, được hoàn thành đúng vào dịp hai nước đang có nhiều hoạt động kỷ niệm 33 năm Ngày chiến thắng chế độ diệt chủng Pôn Pốt (7/1/1979 - 7/1/2012) và Năm Hữu nghị Việt Nam - Cam-pu-chia nhân 45 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (24/6/1967 - 24/6/2012).

 

Tại buổi lễ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trao Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia địa điểm KDT Ðoàn 125 cho tỉnh Ðồng Nai. 

 

Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Việt Nam - Cam-pu-chia là hai nước láng giềng, sông suối, đất đai liền một dải. Nhân dân Việt Nam và nhân dân Cam-pu-chia có quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp từ lâu đời, đã cùng nhau đoàn kết, gắn bó keo sơn trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do của mỗi nước. Nhân dân Việt Nam luôn trân trọng, biết ơn và mãi mãi ghi nhớ hình ảnh những cán bộ, chiến sĩ và người dân Cam-pu-chia đã kề vai, sát cánh cùng quân và dân Việt Nam, anh dũng chiến đấu, đem lại độc lập tự do cho cả hai dân tộc. Sau Ðại thắng mùa xuân năm 1975, Ðảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam với tình cảm thủy chung, trong sáng luôn mong muốn và làm hết sức mình để tiếp tục phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống với Cam-pu-chia. Tuy nhiên, chế độ diệt chủng Pôn Pốt đã phá hủy mối quan hệ tốt đẹp, tình hữu nghị truyền thống giữa hai nước và hai dân tộc chúng ta. Ðồng thời chế độ Pôn Pốt đã tước đoạt một cách tàn bạo quyền công dân, kể cả quyền sống của hàng triệu người dân Cam-pu-chia, đưa đất nước Cam-pu-chia đứng trước thảm họa diệt chủng. Hàng trăm nghìn người dân Cam-pu-chia đã phải rời quê hương chạy sang Việt Nam để lánh nạn. Trong tình cảnh đầy phức tạp và hiểm nguy đó, nhân dân Cam-pu-chia luôn bày tỏ mong muốn nhận được sự ủng hộ và trợ giúp hiệu quả của nhân dân Việt Nam.

 

Tập đoàn Pôn Pốt còn thực hiện chính sách hết sức thù địch, liên tiếp xâm phạm lãnh thổ Việt Nam, giết hại dã man hàng nghìn người dân, gây nên biết bao tội ác tày trời đối với nhân dân Việt Nam. Trước những tình hình thực tế đó buộc Ðảng, Nhà nước, nhân dân và Quân đội Việt Nam phải thực hiện quyền tự vệ chính đáng để bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng của mình và giúp đỡ nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi chế độ diệt chủng. Ðây là một quyết định lịch sử - một hành động quyết đoán thể hiện tinh thần quốc tế cao cả của Ðảng, Nhà nước, nhân dân và Quân đội Việt Nam đối với nhân dân Cam-pu-chia. Lật đổ chế độ Pôn Pốt, đưa dân tộc Cam-pu-chia thoát khỏi thảm họa diệt chủng là mong muốn cháy bỏng và nguyện vọng thiết tha của nhân dân hai nước Cam-pu-chia - Việt Nam, phù hợp với lương tri của nhân loại và luật pháp quốc tế.

 

Chiến thắng ngày 7/1/1979 có ý nghĩa hết sức trọng đại, trước hết là đối với sự tồn vong và phát triển thịnh vượng của dân tộc Cam-pu-chia. Ðây cũng là thắng lợi chung của cả hai dân tộc, khép lại một trang sử đau thương, mở ra một thời kỳ mới của sự hợp tác và phát triển giữa hai nước. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, chúng ta bày tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ và đời đời biết ơn các anh hùng liệt sĩ của hai nước đã anh dũng chiến đấu hy sinh vì nền độc lập, tự do của mỗi nước, vì vận mệnh chung của hai dân tộc. Chúng ta mãi mãi ghi nhớ công ơn to lớn của các gia đình liệt sĩ, thương binh, các cựu Quân tình nguyện, cán bộ chuyên gia Việt Nam đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, kề vai sát cánh, chia ngọt sẻ bùi với Quân đội và nhân dân Cam-pu-chia trong cuộc đấu tranh chính nghĩa, lật đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt tàn bạo, tô thắm và viết tiếp trang sử vẻ vang về mối tình đoàn kết chiến đấu đặc biệt và gắn bó keo sơn giữa hai dân tộc. KDT Ðoàn 125 là một biểu tượng cho tinh thần yêu nước bất khuất của Thủ tướng Hun Xen, của các cán bộ, chiến sĩ Cam-pu-chia và cũng là một minh chứng lịch sử, biểu tượng sáng ngời về tinh thần tương thân tương ái, tình đoàn kết chiến đấu, hoạn nạn có nhau của quân và dân hai nước Việt Nam - Cam-pu-chia chúng ta. Với ý nghĩa sâu sắc đó, Việt Nam đã quyết định xếp hạng KDT Ðoàn 125 là Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia với mong muốn khắc ghi một thời điểm quan trọng trong lịch sử quan hệ giữa hai nước, tô thắm tình đoàn kết, hữu nghị gắn bó giữa hai dân tộc và truyền lại cho tuổi trẻ hai nước truyền thống tốt đẹp "uống nước nhớ nguồn" để tiếp bước thế hệ cha anh, đóng góp nhiều hơn nữa cho tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ vui mừng nhận thấy, sau hơn 33 năm qua, Việt Nam và Cam-pu-chia đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp và hợp tác toàn diện giữa hai nước ngày càng nở hoa, kết trái. Ðảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam chân thành chúc mừng những thành tựu to lớn mà nhân dân Cam-pu-chia đã đạt được và tin tưởng chắc chắn rằng, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Thủ tướng Hun Xen, Chính phủ và nhân dân Cam-pu-chia anh em sẽ tiếp tục phát huy truyền thống Ăng-co rực rỡ, huy hoàng, giành được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa trong tiến trình xây dựng một nước Cam-pu-chia phát triển phồn vinh, hạnh phúc, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển ở khu vực và trên thế giới.

 

Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, thay mặt Chính phủ Hoàng gia Cam-pu-chia, Thủ tướng Hun Xen bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc đối với Ðảng, Chính phủ, Quân đội và nhân dân Việt Nam, đặc biệt là Quân khu 7 và tỉnh Ðồng Nai đã quan tâm chăm sóc nơi yên nghỉ của 49 cán bộ, chiến sĩ Cam-pu-chia trong suốt hơn 33 năm qua, và xây dựng đài tưởng niệm liệt sĩ, một di sản lịch sử cho các thế hệ sau.

 

Thủ tướng Hun Xen khẳng định, sau ngày 17/4/1975, một chế độ diệt chủng đã hình thành trên cả nước, người dân Cam-pu-chia bị sát hại, bị lùa ra khỏi thành phố, khu dân cư, quyền công dân bị tước đoạt, một chế độ không trường học, không chợ, không dùng tiền, người dân bị cưỡng bức lao động, chung sống trong các công xã, hành vi tra tấn và sát hại người dân ngày càng nghiêm trọng hơn. Trước tình hình đất nước và nhân dân Cam-pu-chia lâm vào thảm họa, bản thân ông không còn sự lựa chọn nào khác là chạy sang Việt Nam và đề nghị Việt Nam giúp đỡ tổ chức phong trào kháng chiến giải phóng đất nước.

 

Thủ tướng Hun Xen đã xúc động nhắc lại những sự kiện tiến tới thành lập lực lượng vũ trang đoàn kết cứu nước Cam-pu-chia, với sự giúp đỡ chí tình của Việt Nam.

 

Ðược sự giúp đỡ của Quân tình nguyện Việt Nam, ngày 7/1/1979, Cam-pu-chia đã được giải phóng thoát khỏi chế độ diệt chủng Pôn Pốt. Trong đó, LLVT được xây dựng tại xã Long Giao đã tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu, xây dựng Nhà nước, chính quyền địa phương, phong trào quần chúng và giải quyết đời sống cho nhân dân Cam-pu-chia. Thủ tướng Hun Xen khẳng định, việc thành lập LLVT đoàn kết cứu nước Cam-pu-chia là một phần phong trào chung trong việc giải phóng đất nước khỏi chế độ Pôn Pốt, đây cũng là một

 

phần của lịch sử không thể lãng quên để nhắc nhở cho con cháu các thế hệ mai sau hiểu cả về lịch sử Cam-pu-chia và Việt Nam. Thủ tướng Hun Xen cũng cảm ơn Ðảng, Chính phủ, Quân đội và nhân dân Việt Nam đã chia ngọt sẻ bùi giúp đỡ về mọi mặt để Cam-pu-chia có được như ngày nay. Chính phủ và nhân dân Cam-pu-chia xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh các cán bộ, chiến sĩ Việt Nam đã anh dũng hy sinh trong chiến đấu. Chính phủ và nhân dân Cam-pu-chia phấn đấu xây dựng đất nước ngày càng phồn thịnh hơn, vun đắp cho tình đoàn kết vĩ đại, sắt son Cam-pu-chia - Việt Nam đời đời bền vững.