Lấy ý kiến về dự thảo dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi

11:30, 10/02/2012

Ngày 10/2, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh đã tổ chức họp với đại diện một số ngành liên quan, các Ban của HĐND tỉnh; Hội Luật gia, Đoàn Luật sư; các cơ quan Tư pháp để lấy ý kiến tham gia, xây dựng cho Dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi (BHTG). Đồng chí Trương Thị Huệ, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chủ trì cuộc họp.

Dự thảo Luật BHTG gồm có 7 chương 39 Điều sẽ được trình  tại  Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII. Luật quy định về hoạt động BHTG; quyền và nghĩa vụ của người được BHTG, tổ chức tham gia BHTG, tổ chức BHTG và quản lý Nhà nước về BHTG.  

 

Nhìn chung, các đại biểu đều nhất trí cao với việc ban hành dự án luật trong giai đoạn hiện nay, song các đại biểu đã đề nghị làm rõ thêm một số câu từ cho rõ ràng; các ý kiến đóng góp tập trung vào những nội dung của Luật về: mô hình tổ chức BHTG; đối tượng tham gia BHTG; loại tiền được bảo hiểm (BH), phí BHTG, hạn mức  BHTG; vấn đề chi trả BH… Về mô hình tổ chức các ý kiến đề nghị giữ nguyên mô hình tổ chức BHTG như Điều 9 và Điều 29 của dự thảo Luật BHTG. BHTG là một tổ chức tài chính. Thống đốc NHNNVN quyết định thành lập và quy định cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ của tổ chức BHTG; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện quản lý Nhà nước đối với tổ chức BHTG. Đối tượng áp dụng của Luật chỉ nêu áp dụng đối với tiền gửi cá nhân; nên mở rộng đối tượng đến các tổ chức, vì đây là kênh đầu tư của các tổ chức kinh tế. Đối với mức chi trả BH phải là 100% mới có ý nghĩa bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi, không nên quy định chi trả 50%.  Điều 8, quy định cơ quan quản lý Nhà nước về BHTG gồm 4 cơ quan quản lý; Điều 9 lại chỉ có 2 cơ quan, chưa nêu rõ chức năng, nhiệm vụ phối hợp của các cơ quan liên quan-  nên bổ sung. Khoản 2 Điều 10 quy định các hành vi bị cấm đối với tổ chức BHTG  không chi trả và chi trả không đầy đủ; cần bổ sung chế tài xử lý tổ chức BHTG chi trả không đầy đủ đối với tổ chức tham gia BH. Tại Khoản1, Điều 10 quy định cấp chứng nhận tham gia BHTG và khoản  5, Điều 12 quy định nộp hồ sơ đề nghị cấp chứng nhận tham gia BHTG, nên đưa vào một nội dung; bổ sung khoản 6, Điều 12 về trách nhiệm phải cung cấp thông tin cho người tham gia BHTG. Điều 29 quy định tổ chức BHTG là doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ thành lập, đề nghị nên xác định là doanh nghiệp sự nghiệp có thu, do NHNN quản lý điều hành.  Về thanh toán tiền gửi, nên quy định rõ mức chi trả BH; không nên dùng từ chi trả mức tối đa khi áp dụng dễ sinh tiêu cực nên thay bằng cụm từ “chi trả theo quy định của pháp luật”. Về thanh tra BHTG, nên bổ sung thời hiệu khiếu nại quyết định đối với tổ chức tiền gửi; nên có hệ thống giám sát từ trung ương đến địa phương đói với các tổ chức tín dụng có BHTG để ngăn ngừa rủi ro…

 

Sau khi nghe đóng góp, Đoàn đã tổng hợp các ý kiến để trình Văn phòng Quốc hội tổng hợp xem xét gửi kỳ họp tới.