-
Đảng phải “đánh thức” các đảng viên
Đầu tháng 1-2012, cơ quan truyền thông chuyển đến đảng viên và nhân dân một luồng gió mới: Đó là nội dung lời khai mạc và lời bế mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 4 khóa XI của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và tiếp đó là Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.
Đảng viên và bà con coi đây là những lời nói thẳng thắn trung thực của lãnh đạo Đảng trước tình hình hiện nay: sự xói mòn lòng tin của dân đối với Đảng, sự lo lắng của đảng viên và nhân dân về tình trạng suy thoái của đảng viên, sự nghi ngờ về thái độ kiên quyết kịp thời của lãnh đạo Đảng và Nhà nước đối với các hiện tượng tiêu cực trong cán bộ đảng viên từ cấp dưới đến cấp cao.
Cũng có ý kiến nghi ngờ về các biện pháp để khắc phục tình trạng hiện nay bên cạnh các ý kiến đồng tình và mong muốn, chờ đợi. Song đông đảo đảng viên và bà con đều thống nhất rằng: nói ra được những điều đảng viên và nhân dân rất lo lắng từ lâu nay đã là một việc khó, còn tìm biện pháp để khắc phục lại là việc khó gấp trăm lần. Tuy nhiên, Đảng đã thấy, đã nói ra và kiên quyết sửa chữa – là một thái độ đúng đắn, kịp thời và cần thiết.
Chúng tôi xin góp ý với đồng chí Tổng Bí thư, với Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chấp hành Trung ương mấy việc sau: Thứ nhất, nên tổ chức học tập, nghiên cứu kỹ về tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh trong tập thể cấp ủy từ phường xã, quận huyện, tỉnh thành và Trung ương. Sau khi học tập, đề nghị các đồng chí trong cấp ủy tự phê bình (và nhờ đảng viên, nhân dân phê bình) về đạo đức, lối sống và đề ra biện pháp sửa chữa. Không chỉ có đảng viên về hưu, chiến sĩ, thanh niên… học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh.
Đành rằng, mỗi đảng viên đều có học tập ở chi bộ nhưng đảng viên và nhân dân rất mong các đồng chí lãnh đạo các cấp ủy từ thấp đến cao nên tổ chức học tập với tư cách là cấp ủy để nêu bật nhận thức từ vị trí của mình và nhất là tự phê bình, đưa ra biện pháp sửa chữa trên cơ sở học tập đạo đức của Bác Hồ. Cần phát động rộng rãi và đều khắp đợt học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh trong tất cả cấp ủy từ thấp đến cao, đặc biệt trong các đồng chí Ủy viên Trung ương.
Thứ hai, phải xây dựng một cơ chế phản biện các chủ trương chính sách trước khi ban hành và tổ chức có hiệu quả việc giám sát hoạt động của các tổ chức Đảng, chính quyền và đảng viên các cấp. Từ Đại hội Đảng lần thứ X đã giao cho Mặt trận Tổ quốc nhiệm vụ phản biện và giám sát nhưng lại không đưa ra cơ chế để giám sát và phản biện. Sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, Mặt trận, Quốc hội là điều đã khẳng định không thể bàn cãi, nhưng tổ chức Đảng lại là thành viên trong Mặt trận nên phải được Mặt trận giám sát về hoạt động và đạo đức của các thành viên. Đảng lãnh đạo về đường lối, chủ trương, chính sách còn công việc cụ thể phải để Quốc hội, Chính phủ xem xét và ban hành sau khi nghe phản biện của nhân dân (thông qua Mặt trận).
Có như vậy mới thực sự phát huy quyền dân chủ của nhân dân, mới thực sự tôn trọng vai trò của Quốc hội, Chính phủ và Mặt trận. Cần sớm ban hành quy chế phản biện và giám sát của Mặt trận các cấp để tạo sự chấp hành nghiêm túc và dân chủ dưới sự lãnh đạo của Đảng. Không nên chỉ nói chung chung, bởi không có cơ chế cụ thể thì việc phản biện và giám sát rất khó thực hiện.
Nhân dân ta đã hết lòng đi theo ngọn cờ của Đảng suốt 82 năm qua, đánh giá cao sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng đối với công cuộc kháng chiến giành độc lập, tự do và xây dựng đất nước ngày càng đổi mới, tiến lên. Ngày xưa trong chiến tranh, hình ảnh người đảng viên thật cao quý, nhân dân vừa làm theo sự chỉ dẫn của đảng viên, vừa bảo vệ đảng viên để giữ vững ngọn cờ của Đảng lãnh đạo nhân dân. Bây giờ dân vẫn tin Đảng, đi theo ngọn cờ của Đảng nhưng dân thấy chất lượng đảng viên sa sút: một số người ăn nói bậy bạ, sống xa hoa trước sự nghèo khổ của dân, sống xa lạ với phong trào cách mạng ở phường xã, quận huyện, tỉnh thành.
Đảng phải đánh thức các đảng viên, cán bộ đang sống trong giàu có bất chính, cửa quyền, xa rời quần chúng… Đảng phải tạo một “chiến dịch” xem xét tư cách đạo đức đảng viên, đưa họ tự phê bình trước đảng viên, trước nhân dân để tìm lại lòng tin của nhân dân.
ĐINH PHONG
(Nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM)
-
Làm rõ các biểu hiện suy thoái
Nghị quyết Trung ương 4 đánh giá công tác xây dựng Đảng nổi lên một số vấn đề cấp bách: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”. Thiết nghĩ, để thực hiện 4 nhóm giải pháp nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái, cần phải chỉ ra những biểu hiện suy thoái.
Trước hết cần làm rõ “một bộ phận không nhỏ” là bao nhiêu phần trăm trong trong tổng số đảng viên. Có số liệu đó mới đánh giá đúng sự thật. Vì trước đây nêu “một bộ phận”, rồi đến “một bộ phận không nhỏ” tức là lớn rồi. Nhưng lớn là bao nhiêu? Biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị là những biểu hiện gì? Tính chất, mức độ của các biểu hiện đó ra sao? Nó ảnh hưởng và tác động tiêu cực vào lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và các chủ trương chính sách như thế nào? - ví như tư duy nhiệm kỳ, lợi ích nhóm có phải do suy thoái về chính trị tư tưởng không? Biểu hiện suy thoái về đạo đức là những biểu hiện gì về nhận thức và hành động? Vì đạo đức rất rộng, đạo đức con người, đạo đức công dân, đạo đức cách mạng, đạo đức cộng sản, đạo đức đảng viên, đạo đức công chức…
Khi nói đến biểu hiện suy thoái về lối sống, cần phân tích rõ lối sống của con người, lối sống của cán bộ công chức, lối sống của trí thức, nông dân, thị dân, doanh nhân. Phải lập ra cái khung - tiêu chuẩn để mỗi cán bộ đảng viên soi vào đấy mà tự phê bình và phê bình. Sẽ không đầy đủ nếu chỉ nêu biểu hiện chung về phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí tùy tiện, vô nguyên tắc. Phải làm rõ từng đối tượng cán bộ, sơ cấp, trung cấp, cao cấp. Trong mỗi đối tượng, số suy thoái khoảng bao nhiêu phần trăm và tác hại của nó ra sao. Vì ông bí thư, chủ tịch tỉnh suy thoái thì ảnh hưởng đến cả tỉnh. Chức vụ càng cao tác hại càng lớn.
Trong 4 nhóm giải pháp, việc chỉnh đốn cán bộ là khâu then chốt của then chốt. Vì như Bác Hồ nói: “Cán bộ là cái gốc của công việc cách mạng”, muốn tự phê bình, phê bình, muốn có tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, muốn sinh hoạt Đảng có chất lượng, muốn có cơ chế chính sách đúng đắn sáng tạo, muốn giáo dục chính trị tư tưởng tốt, điều kiện tiên quyết là phải có cán bộ chủ trì, cán bộ đứng đầu tốt, mới lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt. Cho nên giải quyết chất lượng, phẩm chất năng lực cán bộ là vấn đề cấp bách trong chỉnh đốn Đảng hiện nay.
QUỐC KHÁNH
(72/11D Lê Văn Thọ, Gò Vấp, TPHCM)