“Nâng cao sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng; phát huy vai trò giám sát của nhân dân, các đoàn thể, của báo chí, công luận” - Đó là thông điệp được phát đi từ Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI). Để hoàn thành tốt vai trò, sứ mệnh trong việc “giám sát”, trước hết tự báo chí cũng cần “soi lại mình”.
Báo chí là công cụ của Đảng, Nhà nước và là diễn đàn của nhân dân
Báo chí cách mạng Việt Nam được ghi dấu mốc bằng sự ra đời tờ báo Thanh Niên, phát hành số đầu tiên vào ngày 21/6/1925. Báo chí cách mạng Việt Nam thật sự may mắn và tự hào bởi được sự dẫn dắt của vị lãnh tụ thiên tài - Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người vừa sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời Người cũng đặt nền móng cho ra đời một công cụ của Đảng - Báo chí cách mạng Việt Nam.
Khi bàn về báo chí cách mạng, V.I.Lênin đã chỉ ra rằng: Vai trò của tờ báo không chỉ đóng khung ở chỗ phổ biến tư tưởng, giáo dục chính trị và tranh thủ những bạn đồng minh chính trị. Tờ báo không những chỉ là người tuyên truyền tập thể và cổ động tập thể, mà còn là người tổ chức tập thể.
Kế thừa quan điểm của Mác- Lênin về báo chí cách mạng, cùng với thực tiễn sinh động của cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi báo chí là một thứ vũ khí sắc bén và đã sử dụng báo chí một cách tài tình để tuyên truyền cách mạng và vận động nhân dân tham gia sự nghiệp cách mạng. Trong 50 năm làm báo (1919 - 1969), Bác Hồ đã viết hơn 2.000 bài báo, với gần 200 bút danh khác nhau. Di sản báo chí của Người để lại không chỉ bằng số lượng các tác phẩm báo chí, mà cao hơn đó là những quan điểm mẫu mực, những định hướng lớn, làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động của nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Trong thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi lớp học viết báo Huỳnh Thúc Kháng (tháng 5/1949), Người đã đưa ra quan điểm: Nhiệm vụ của tờ báo là tuyên truyền, cổ động, huấn luyện giáo dục, và tổ chức dân chúng để đưa dân chúng đến mục đích chung. Và, trong bài nói chuyện của Bác Hồ tại Đại hội lần thứ III của Hội Nhà báo Việt Nam ngày 8/9/1962, Người căn dặn: “Mỗi khi viết một bài báo, thì tự đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc? (...). Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ; đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động.
Thực tiễn cho thấy, trong những năm qua, cùng với những thành tựu đổi mới đất nước, báo chí nước ta đã phát triển nhanh về số lượng ấn phẩm, các loại hình báo chí (cả báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử), về đội ngũ phóng viên, biên tập viên; về cơ sở vật chất, tiềm lực tài chính của các cơ quan báo chí từng bước nâng cao về chất lượng. Trên phạm vi cả nước, chúng ta có lực lượng hùng hậu với gần 20.000 hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, khoảng 18.000 người được cấp thẻ nhà báo, cả nước có hơn 700 cơ quan báo in; một hãng thông tấn quốc gia, gần 70 đài phát thanh-truyền hình, hàng chục tờ báo điện tử và hàng nghìn trang thông tin điện tử....
Báo chí đã đi vào mọi ngóc ngách của đời sống xã hội, trở thành người bạn tri kỷ của đông đảo các tầng lớp nhân dân, trở thành “cầu nối” giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước; là kênh giao tiếp giữa cử tri, nhân dân với Quốc hội, Chính phủ, nhất là mỗi khi Quốc hội họp và thực hiện phiên chất vấn và trả lời chất vấn được phát thanh, truyền hình trực tiếp.
Báo chí đã trở thành một thiết chế không thể thiếu trong đời sống chính trị của nước ta. Phần lớn các cơ quan báo chí đã hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, biểu dương phong trào thi đua yêu nước, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu và các tệ nạn xã hội, chống diễn biến hòa bình... góp phần tích cực vào thành tựu chung của đất nước. Nhiều nhà báo đã lăn vào thực tiễn sinh động của cuộc sống để sáng tạo các tác phẩm báo chí có tính thuyết phục cao, lay động lòng người, rất nhiều nhà báo cũng đã dấn thân vào các mảng đề tài nóng bỏng như phòng, chống tệ nạn xã hội và chống tiêu cực, tham nhũng. Họ thực sự đã đứng ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống nạn tham nhũng và đã nhận được những phần thưởng xứng đáng từ các giải Báo chí quốc gia, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá cao, được công chúng báo chí ghi nhận.
Nhìn tổng thể, báo chí của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thực sự là “phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của các tổ chức của đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội; là diễn đàn của nhân dân”. Nền báo chí cách mạng của nước nhà đã và đang vận hành theo đúng định hướng của Đảng và theo quy định của pháp luật về báo chí.
Những tồn tại, hạn chế cần khắc phục
Bên cạnh những thành tích cơ bản nêu trên, báo chí cũng đang còn không ít những tồn tại, hạn chế cần sớm được khắc phục. Nghị quyết Hội nghị Trung ương năm (khóa X) về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới đã đánh giá đúng những thành tựu của Báo chí cách mạng Việt Nam, đồng thời cũng chỉ ra những yếu kém, khuyết điểm. Nghị quyết Trung ương chỉ rõ, trong hoạt động báo chí, một số yếu kém, khuyết điểm được nhắc nhở nhiều lần nhưng chậm khắc phục, có mặt, có lúc, có nơi còn trầm trọng hơn. Một số cơ quan báo chí thiếu nhạy bén chính trị, chưa làm tốt chức năng tư tưởng, văn hoá, có biểu hiện xa rời sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lí của Nhà nước, xa rời tôn chỉ, mục đích, thông tin không trung thực, thiếu chính xác, phản ánh nhiều về tiêu cực và tệ nạn xã hội, ít tuyên truyền các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước; khuynh hướng tư nhân hoá, thương mại hoá báo chí, tư nhân núp bóng để ra báo, kinh doanh báo chí ngày càng tăng…
Hiện tại chưa có tổng kết mang tính tổng thể sau 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X), song từ hoạt động thực tiễn chúng tôi thấy, một số tồn tại khuyết điểm của báo chí vẫn còn đó. Biểu hiện rõ nhất đó là việc không ít cơ quan báo chí “ngại” phản ánh những nhân tố điển hình, gương người tốt, việc tốt, thay vào đó là những thông tin giật gân, câu khách. Đơn cử khi phản ánh về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, nhiều phóng viên báo chí chỉ nhăm nhăm tìm những mặt trái để thông tin và chủ yếu tập trung ở các đô thị lớn, trong khi rất nhiều những tấm gương hy sinh “chở tri thức” lên vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn thì ít khi được xuất hiện trên các ấn phẩm báo chí. Hoặc, trong lĩnh vực an ninh trật tự, nhất là khi có những vụ án giết người đặc biệt nghiêm trọng, đã có cơ quan báo chí dành cả hai hoặc ba trang để miêu tả hành vi giết người man rợ để rồi lấn át hết các sự kiện lớn khác diễn ra cùng thời điểm. Trong đó phải kể đến vụ nữ sinh giết người trên xe Luxus tại Hà Nội tháng 2/2009; hay vụ án giết người tại khu chung cư Hà Nội tháng 5/2010, theo đó có báo đã cử nhiều phóng viên viết phóng sự dài kỳ và đặt tên là vụ án “xác chết không đầu”. Sau đó là vụ Lê Văn Luyện giết người dã man tại tiệm vàng Ngọc Bích (Bắc Giang) tháng 8/2011 và mới nhất là vụ giết người cướp tài sản tại tiệm vàng Vững Bắc ở Thanh Trì, Hà Nội tháng 2/2012, nhân đó nhiều báo đã tung phóng viên nội chính vào cuộc để rồi cho ra những tác phẩm đậm màu chém giết…
Cùng với việc “chạy đua” tìm kiếm thông tin giật gân, có không ít phóng viên viết bài đã làm thay công việc của tòa án, trong đó đã vô tư “kết tội” các nhân vật được nêu trong các bài báo. Hiện tượng một số nhà báo viết ẩu, viết không đúng sự thật, viết theo lối suy diễn vẫn còn. Vụ việc cưỡng chế sai pháp luật ở Tiên Lãng (Hải Phòng) vừa qua, báo chí đã phát huy vai trò và trách nhiệm của mình, đóng góp thiết thực hơn nữa vào việc xây dựng Đảng và bộ máy nhà nước trong sạch vững mạnh, được Thủ tướng Chính phủ khen ngợi. Song, phần Thủ tướng yêu cầu báo chí “nghiêm túc rút kinh nghiệm, hết sức tránh việc đưa tin không khách quan, không đúng bản chất sự việc làm phương hại đến lợi ích của đất nước và người dân” thì lại ít được các cơ quan báo chí đăng tải.
Thực tế cũng cho thấy, có không ít cơ quan báo chí viết nhiều bài phê phán tình trạng mất dân chủ, tiêu cực ở cơ quan, đơn vị bên ngoài, trong khi chính đơn vị mình, cơ quan mình lại có biểu hiện tiêu cực, xuất hiện nhiều đơn thư tố cáo nặc danh, thậm chí có lãnh đạo cơ quan báo phải vào tù vì vi phạm pháp luật về quản lý kinh tế.
Một khía cạnh khác trong hoạt động của báo chí cũng đang nảy sinh không ít bất cập, đó là làm kinh tế báo chí. Phải khẳng định rằng, hoạt động kinh tế báo chí là phù hợp với quy định của pháp luật, nhiều tờ báo có uy tín đã không cần phải đi “xin quảng cáo”, mà các doanh nghiệp tìm đến tận tòa soạn để thực hiện hợp đồng đăng, phát quảng cáo. Nhưng, trong đó không ít cơ quan báo chí (nhất là báo in của một số ngành) do hạn chế về số lượng phát hành, cộng với nhân lực trong tòa soạn đông, nên áp lực xin quảng cáo để nuôi nhau là rất lớn.
Nhiều cơ quan báo chí đã thành lập phòng quảng cáo, hoặc ký hợp đồng với các công ty truyền thông chuyên làm công tác quảng cáo. Thực tiễn đang diễn ra cho thấy không ít các cơ quan báo chí cùng với các đối tác (công ty truyền thông) đã rất lỏng lẻo trong việc quản lý nhân viên, dẫn đến tình trạng các nhân viên sau khi lấy được giấy giới thiệu của cơ quan báo chí đã có những biểu hiện gây nhũng nhiễu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp khác. Có những nhân viên quảng cáo suốt ngày quanh quẩn bên những hàng nước cạnh trụ sở UBND các phường, các doanh nghiệp để “thu thập thông tin”, chủ yếu là tìm những thông tin bất lợi rồi quay vào “vừa nài, vừa ép” chủ doanh nghiệp, kể cả việc “yêu cầu” lãnh đạo các phường, xã để xin quảng cáo. Nếu không xin được quảng cáo thì các nhân viên này cũng tìm mọi cách “xin bó hoa” – (xin phong bì, tiền xăng xe) đi lại. Tệ hại hơn, có nhân viên quảng cáo giả danh con cháu lãnh đạo để điện thoại về các địa phương, doanh nghiệp “gây thanh thế”, mục đích cuối cùng là làm quảng cáo… Và, như vậy, mới có việc nhiều chủ doanh nghiệp phải thường xuyên tắt điện thoại di động, thay đổi số máy vì có khi một ngày họ nhận được hàng chục cú điện thoại… xin quảng cáo.
Một số kiến nghị
Trong bài phát biểu tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lưu ý: Phải kết hợp giữa "xây và chống", "chống và xây". Nêu gương những người tốt, việc tốt; ngăn ngừa, cảnh báo, phê phán những việc làm sai trái; đấu tranh mạnh mẽ chống tham nhũng, hư hỏng, tiêu cực; xử lý nghiêm những hành vi vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tăng cường công tác giáo dục, rèn luyện, quản lý đảng viên, cán bộ; công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán của các cơ quan chức năng; nâng cao sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng; phát huy vai trò giám sát của nhân dân, các đoàn thể, của báo chí, công luận.
Để báo chí hoàn thành tốt “vai trò giám sát”, theo suy nghĩ của chúng tôi từng cơ quan báo chí nên “tự soi lại mình”, nêu cao tinh thần “tự phê bình”, trước hết từ ban biên tập xuống tới từng cán bộ, phóng viên, biên tập viên và nhân viên trong tòa soạn. Trong đó, cần coi trọng, chăm lo công tác xây dựng Đảng trong các cơ quan báo chí; đề cao trách nhiệm đảng viên của người làm báo, nhất là người giữ cương vị lãnh đạo. Qua đó, rút ra những bài học kinh nghiệm, phát huy những mặt tốt và khắc phục cho được những tồn tại, khuyết điểm (nếu có) ngay trong từng đơn vị, cơ quan mình. Trong đó, báo chí cần nắm vững và tuyên truyền sâu rộng, kịp thời, có hiệu quả đường lối, nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay". Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến kịp thời chính sách, pháp luật của Nhà nước, bám sát nhiệm vụ công tác tư tưởng, tích cực tuyên truyền, cổ vũ thành tựu của công cuộc đổi mới. Cùng với đó, báo chí cần coi trọng đúng mức việc phát hiện, biểu dương các nhân tố mới, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt; tích cực đấu tranh, góp phần ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, các tiêu cực và tệ nạn xã hội; phản bác có hiệu quả những thông tin, quan điểm sai trái, phản động, thù địch, bảo vệ vững chắc trận địa tư tưởng của Đảng.
Về mặt pháp luật, đề nghị Nhà nước tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách về hoạt động báo chí, cần sớm ban hành Luật Báo chí để thay thế Luật Báo chí năm 1989, được sửa đổi, bổ sung năm 1999. Trong đó, các Bộ, ngành Trung ương cần nghiên cứu, ban hành cơ chế mới tạo điều kiện thuận lợi hơn về chính sách thuế đối với cơ quan báo chí, nhất là đối với báo in trong điều kiện công in, giá giấy liên tục tăng. Cùng với đó, xin được kiến nghị các cơ quan hữu quan ở Trung ương cần thống nhất xây dựng cơ chế để bảo vệ nhà báo khi tác nghiệp điều tra các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong xã hội, bởi lẽ ranh giới của pháp luật trong vấn đề này chưa thực sự giúp cho những người cầm bút chân chính yên tâm khi dấn thân vào “nghề nguy hiểm”!
Suốt 87 năm đồng hành cùng đất nước, cùng dân tộc vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, chúng ta có đầy đủ sự tự tin về một nền báo chí cách mạng Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững bản chất của một nền báo chí do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện. Báo chí cách mạng Việt Nam sẽ tiếp tục là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng văn hóa và giữ vững vai trò, chức năng là “phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của các tổ chức của đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội; là diễn đàn của nhân dân”