Thống nhất trong chỉ đạo và thực hiện

09:44, 19/03/2012

Tháng 10/2009, xã Tân Dương (Định Hóa) là một trong 4 địa phương của tỉnh được chọn để thực hiện thí điểm mô hình Bí thư Đảng bộ kiêm Chủ tịch UBND xã.

Tháng 10/2009, xã Tân Dương (Định Hóa) là một trong 4 địa phương của tỉnh được chọn để thực hiện thí điểm mô hình Bí thư Đảng bộ kiêm Chủ tịch UBND xã. Sau hơn 2 năm triển khai, vượt qua những khó khăn, vướng mắc ban đầu, mô hình này đã cho thấy những hiệu quả rõ rệt trong công tác chỉ đạo, thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội ở địa phương.

 

Mặc dù bận rất nhiều công việc nhưng Bí thư Đảng bộ kiêm Chủ tịch UBND xã Tân Dương vẫn dành một buổi để dẫn chúng tôi đi thăm quan những đổi thay nhanh chóng của xã. Ông cho biết: “Trong 2 năm qua, xã đã làm được nhiều công trình ý nghĩa, giúp ích cho đời sống của người dân địa phương. Đó là công trình trạm bơm xóm Làng Tràng trị giá gần 1 tỷ đồng, giúp chủ động nguồn nước tưới cho hơn 50 hộ dân trong xóm; công trình đường giao thông từ UBND xã đến xóm Làng Bảy dài 6,3 km, giúp người dân Làng Bảy đi lại thuận tiện hơn; xã cũng đã tu sửa lại được Trường Tiểu học, THCS và Trung tâm Y tế xã… Làm được nhiều việc như vậy là do xã đã tranh thủ được tối đa các nguồn vốn từ bên ngoài, sự thống nhất trong công tác chỉ đạo của Đảng và thực hiện của chính quyền để đưa ra những quyết sách nhanh chóng, hiệu quả”.

 

Với hơn 20 kinh nghiệm công tác tại chính quyền địa phương, trong đó 12 năm làm Bí thư Đảng bộ xã (từ năm 2000), lại lãnh đạo Đảng bộ có nhiều năm đạt trong sạch vững mạnh nên không khó hiểu khi ông Ma Xuân Tạo được Huyện ủy Định Hóa chọn để thí điểm mô hình kiêm nhiệm 2 chức danh chủ chốt là Bí thư và Chủ tịch UBND xã. Với ông Tạo: “Đây là một vinh dự lớn, đồng thời cũng là trách nhiệm nặng nề mà Đảng mà nhân dân giao phó”. Sau hơn 2 năm thực hiện, ông Tạo cho rằng trở ngại lớn nhất khi kiêm nhiệm cả 2 chức danh là khối lượng công việc nhiều hơn hẳn.

 

Thay vì đến và rời trụ sở đúng giờ quy định như trước đây, nay ông Tạo phải thay đổi lịch làm việc để cùng một lúc giải quyết nhiều công việc. Tuy nhiên, mô hình có ưu điểm lớn là ông được toàn quyền quyết định các chủ trương, chính sách của địa phương trên cơ sở sự thống nhất, đồng thuận của tập thể. “Nếu như trước kia, trên cương vị Bí thư Đảng bộ tôi cùng Ban Chấp hành chỉ đưa ra các chủ trương, phương hướng chung thì nay tôi làm luôn cả việc đôn đốc, chỉ đạo thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng. Điều này giúp cho công việc trở nên thống nhất và thông suốt hơn hẳn”, ông Tạo chia sẻ.

 

Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy, khi “nhất thể hóa” hai chức danh chủ chốt  ở xã sẽ là cơ sở giúp cho người đứng đầu có điều kiện phát huy tốt hơn vai trò của mình trong việc lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội cũng như công tác bồi dưỡng, bố trí, sắp xếp cán bộ. Bên cạnh đó, những chủ trương, chính sách được triển khai nhanh hơn, không qua nhiều khâu trung gian và giảm bớt họp hành, đồng thời khắc phục được tình trạng né tránh, cấp ủy ra nghị quyết, chỉ thị nhưng chính quyền không thực hiện. Việc triển khai dự án cải tạo, mở rộng ở tuyến đường  từ UBND xã Tân Dương đến xóm Làng Bảy là một minh chứng cho nhận định này.

 

Tháng 8/2010, ngay sau khi có chủ trương của huyện mở rộng 7 tuyến đường vào các xóm, bản đặc biệt khó khăn trong đó có Làng Bảy, xã Tân Dương đã tổ chức cùng lúc cuộc họp của Đảng ủy và UBND do Bí thư kiêm Chủ tịch chủ trì. Cuộc họp đã thống nhất chủ trương, các biện pháp vận động người dân hiến đất làm đường, cũng như phương án hỗ trợ đền bù cho các gia đình có diệc tích mất lớn. Ngay sau cuộc họp, xã lập tức triển khai kế hoạch xuống cở sở và được các hộ dân nhiệt tình hưởng ứng. Nhờ làm tốt công tác tổ chức và giải phóng mặt bằng nên đây là một trong những công trình giao thông hiếm hoi của huyện Định Hóa thực hiện đúng tiến độ.

 

Cụ Thái Văn Phóng, xóm Làng Chúng, nguyên là Bí thư Đảng bộ xã Tân Dương nhận định: Đây là mô hình tiên tiến và bước đầu cho thấy những hiệu quả tích cực trong công tác chỉ đạo điều hành tại địa phương. Phần lớn người dân trong xã rất phấn khởi và ủng hộ mô hình bởi thuận tiện hơn trong giao dịch, làm việc. Tuy vậy, việc Bí thư đồng thời là chủ tịch UBND xã cũng dễ dẫn đến tình trạng chuyên quyền độc đoán, lĩnh vực phụ trách quá rộng, áp lực công việc lớn khiến người đứng đầu bị động và không thể làm tốt tất cả mọi việc. Do vậy, điều cốt yếu để mô hình này thành công là lựa chọn cán bộ có năng lực lãnh đạo, điều hành, đồng thời xây dựng được đội ngũ cán bộ giúp việc có năng lực, trình độ. Ngoài ra, công tác giám sát của cấp trên và ngay tại cơ sở cũng cần đặc biệt chú ý.

 

Qua hơn 2 năm thực hiện thí điểm, có thể khẳng định mô hình Bí thư kiêm chủ tịch UBND xã ở Tân Dương đã bước đầu cho thấy hiệu quả. Với vai trò chốt của cả Đảng và chính quyền, ông Ma Xuân Tạo đã cùng với tập thể Đảng bộ xã lãnh đạo thực hiện thành công nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội của địa phương. Đảng bộ xã đạt danh hiệu Đảng bộ trong sạch vững mạnh giai đoạn 2010-2011 và công nhận là chính quyền cơ sở tiên tiến cấp tỉnh năm 2010. Từ mô hình tại Tân Dương cũng các xã khác trong tỉnh, rất cần có sự tổng kết, đánh giá và rút kinh nghiệm để có thể có thể phát huy hiệu quả và nhân rộng.